Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Sữa đậu nành


Chiều 4/4 Bảo Trân đã sinh bé trai Minh Khoa 1,7kg và bé gái Minh Tâm 1,3 kg được 31 tuần tuổi. Ơn Trời, mọi chuyện đã ổn, tiếc là chẳng ở gần mà đỡ đần cho em và nựng nịu các cháu. Thôi thì chỉ biết cầu mong các cháu hay ăn chóng lớn.

Nhớ hồi ở nhà, vợ chồng em hay ghé chơi và hỏi thăm CHỊ ƠI, HÔM NAY CÓ BÁNH GÌ ĂN KHÔNG? CHỊ ƠI, HÔM NAY CÓ NƯỚC GÌ UỐNG KHÔNG? CHỊ ƠI, KHI NÀO NẤU SỮA ĐẬU NÀNH CHỊ NHỚ PHẦN CHO EM VỚI NHA. Lần nào ghé nhà cũng chừng đó câu hỏi nhưng tụi em mà không ghé là buồn liền.

Em dễ thương lắm, môi đỏ má hồng, ngoan hiền và cực kỳ lễ phép. Hễ em tới chơi là thể nào cũng chào THƯA CHỊ EM MỚI TỚI, khi về thì THƯA CHỊ EM VỀ. – mấy cô gái đi Tây đi Tàu như đi chợ lễ phép bằng em? Yêu nhất là cái tính chu đáo của em, bất kỳ đi đâu về cũng vào nhà chào Mẹ, mệt hay bận thì chào xong xin phép về ngay còn thong thả thì ngồi chơi với Mẹ một lúc – cô con dâu ngoan vậy bà mẹ chồng nào dù khó mấy cũng mê!

Dạo này mình biết thêm nhiều món ngon mới, em lại không được nếm thử. Món sữa đậu nành em thích cũng ít nấu vì cái túi lược bị hỏng, máy may cũng hỏng nốt nên ngại làm.
Nhiều người thích sữa đậu nành của mình nhưng ai cũng lắc đầu ngao ngán khi biết mình không dùng máy. Mình cũng ngán chứ bộ, mỗi lần vắt tay mỏi nhừ và thiệt lỉnh kỉnh nhưng cái máy sắm về nấu mấy lần dở ẹt cho nghỉ hưu non rồi (vì lượng đậu và nước phải theo qui định của máy nên không nấu sữa đặc được, uống cứ lạt phèo phèo như sữa hộp). Thôi đành chịu khó vậy.
Sữa đậu nành 1.jpg
(Nguồn ảnh: internet)

SỮA ĐẬU NÀNH

NGUYÊN LIỆU:  (được 4,5 lít sữa)
450g đậu nành khô
50g đậu phọng rang, bóc vỏ
25g mè trắng rang
5 lá dứa (hoặc 1 múi sầu riêng to)
1/2 muỗng cà phê muối
350g đường cát trắng
5 lít nước
½ muỗng cà phê muối

CÁCH LÀM:
Đậu nhặt bỏ hạt hư, rửa sạch, ngâm với nước ấm chừng 1 giờ thì đun nóng già rồi ngâm tiếp chừng 3-4 tiếng nữa để đậu nở hết thành phẩm sẽ đặc hơn và dễ vò bỏ vỏ đậu.
Xay đậu nành, đậu phọng rang và mè rang với chừng 1 lít nước
Cho nước đậu vào 2 túi vải, vắt nhiều lần với lượng nước còn lại (chừng 400ml nước/lần) cho ra hết sữa.
Bắc lên bếp, khuấy đều để nước đậu không kết tủa dưới đáy nồi làm khét sữa.
Đun chừng 10-15’ thì sữa sôi (nhớ canh kỹ, dễ bị trào lắm đó), hạ lửa vừa, thả lá dứa vào, không đậy nắp đun thêm 20’ nữa để khử chất độc saponin có trong đậu.
Tắt bếp, để nguội (Nếu dùng sầu riêng thì tán nhuyễn cho vào trước khi tắt bếp).
Lược lại nước đậu qua 2 túi lược để sữa thật mịn.
Sữa sẽ có vị ngọt hơn khi uống lạnh. Chỉ nên dùng trong vòng 3 ngày

MẸO VẶT:
Vò cho đậu tách vỏ và thay nứơc cho đến khi nước ngâm đậu trong. Khâu này hơi mất công nhưng nếu chịu khó bỏ vỏ đậu, sữa sẽ không bị chát và trắng hơn.
Xay đậu bằng máy xay sinh tố cũng được nhưng hơi mất công và xác đậu không mịn lắm, sẽ ảnh hưởng tới độ đặc của thành phẩm. Nếu đi xay ngoài tiệm, nhớ nhắc người xay phải rửa cối sạch kẻo trước đó nếu có xay bột gạo sữa sẽ dễ bị chua và đông đặc. (Lưu ý: lượng đậu trên sau khi ngâm nước sẽ nặng khoảng 1kg nên nếu đi xay ở ngoài tiệm ta chỉ cần cân bịch đậu xay lên là sẽ biết được lượng nước cần thêm vào)

LƯU Ý:


Theo thạc sỹ- bác sỹ Nguyễn Thị Tâm Thuận (http://www.ykhoanet.com/NCKH/bs_tamthuan/suadaunanh.htm)
Sữa đậu nành là sản phẩm chế biến từ đậu tương, là một loại thực phẩm thiên nhiên, có giá trị dinh dưỡng cao, mùi vị thơm ngon, dễ uống, dễ hấp thu. Ngoài tác dụng thanh phế, tiêu đờm nó còn có tác dụng làm giảm mỡ máu, giảm huyết áp đối với những người có huyết áp cao. Mỗi ngày uống một cốc sữa đậu nành có tác dụng nhất định trong việc phòng ngừa ung thư đại tràng, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường có tác dụng giảm đường huyết tốt. Nhưng nếu sử dụng không hợp lý thì không những không có hiệu quả mà còn dẫn đến những tác dụng không có lợi cho sức khỏe nên cần lưu ý một số điểm sau:
1.    Sữa đậu nành nhất định phải đựơc đun sôi kỹ trước khi uống. Trong sữa đậu nành sống có chứa chất ức chế men Trypsin, saponin và một số chất không có lợi khác nên nếu uống sữa đậu nành sống hoặc không được đun sôi kỹ sẽ gây ra buồn nôn, nôn, đau bụng đi ngoài,…thậm chí ngộ độc.
2.    Không nên đánh trứng cùng với sữa đậu nành. Nhiều người cho rằng đánh trứng vào sữa đậu nành hoặc uống sữa đậu nành cùng với trứng thì càng bổ, có thể tăng thêm chất dinh dưỡng. Thực tế hòan tòan trái ngược, vì lòng trắng trứng bị kết hợp với men tripsin trong sữa đậu nành tạo thành một hợp chất kết tủa làm cơ thể khó hấp thu, hơn nữa chất này còn làm mất đi những chất dinh dưỡng của trứng và sữa đậu nành.
3.    Không nên cho thêm đường đỏ khi uống sữa đậu nành.Trong đường đỏ có chứa nhiều các a xit hữu cơ như axit lactic, axit acetic…có tác dụng kết hợp các chất protit, canxi tạo thành các hợp chất biến tính làm mất đi các chất dinh dưỡng của sữa đậu nành, đồng thời ảnh hưởng tới sự hấp thu và tiêu hóa của cơ thể.
4.    Không nên chỉ uống sữa đậu nành không. Nếu chỉ uống sữa đậu nành không thì các chất dinh dưỡng trong đậu nành khi vào cơ thể đều bị chuyển hóa thành nhiệt lượng mà tiêu thụ mất do đó không còn tác dụng bổ nữa.Vì vậy, khi uống sữa đậu nành nên ăn thêm một chút điểm tâm như:bánh ngọt, bánh mì, bánh bao,…hay các sản phẩm chế phẩm của tinh bột.Tinh bột có tác dụng làm cho dịch vị được tiết ra khiến các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành được tiêu hóa, hấp thu hoàn toàn.
5.    Không nên uống quá nhiều sữa đậu nành trong một lúc. Đối với người lớn, một lần không nên uống quá 500ml, nếu không dễ dẫn đến đau bụng, đi ngoài do các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành không đựợc hấp thu hết ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa.
6.    Không nên uống thuốc cùng với sữa đậu nành. Một số loại thuốc đặc biệt các thuốc kháng sinh như tetracycline, erythromycine có tác dụng phân hủy chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành.
7.    Không nên đựng sữa đậu nành trong bình giữ nhiệt. Vi khuẩn rất dễ sinh trưởng, phát triển trong sữa đậu nành ở nhiệt độ ấm, sau 3 đến 4 giờ sữa đậu nành sẽ bị biến chất và không thể sử dụng được nữa.
8.    Không phải ai cũng có thể hấp thu tốt sữa đậu nành. Theo y học cổ truyền đậu nành có tính thiên hàn, hoạt lợi vì vậy những người tỳ vị hư hàn, sau ăn hay đày bụng, chướng hơi, ợ hơi, ợ chua, dễ bị đi ngoài, ngừơi có triệu chứng thận hư, di tinh, tiểu đêm nhiều,…đều không hợp dùng, dễ làm cho các triệu chứng trên nặng lên.
9.    Không nên dùng sữa đậu nành thay thế sữa cho trẻ bú. Mặc dù hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành cao nhưng không vẫn đủ cho nhu cầu phát triển của trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét