Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Câu chuyện về hai vị thiền sư

                   Tác giả Văn Đan, Như Nguyện dịch
.
zenj.JPG

Có một vị thiền sư trú trong túp lều tranh ở trên núi, một buổi tối khi đi thiền hành trở về, nhìn thấy một tên trộm đang chiếu cố túp lều tranh của mình nhưng tìm không được vật gì cả. Ngài bèn cởi chiếc áo ngoài đang mặc trên người và đứng ngoài cửa đợi tên trộm ra, vì ngài sợ làm kinh động tên trộm.
Tên trộm vừa quay ra thì gặp thiền sư, trong lúc tên trộm hốt hoảng vị thiền sư liền nói: “Anh bạn! đường sá xa xôi vất vả lên núi thăm tôi, tôi không đành lòng để anh về tay không, đêm khuya rồi, khoác chiếc áo này mà về cho đỡ lạnh. Nói xong ngài cầm chiếc áo khoác lên thân tên trộm. Tên trộm xấu hổ, cúi đầu rồi chạy thẳng xuống núi không dám nhìn lại.
Thiền sư nhìn dáng tên trộm khuất dần trong núi rừng mờ mịt, không ngừng thương cảm nói: “ rất đáng thương, tôi muốn tặng cho anh cả vầng trăng để chiếu sáng con đường cho anh xuống núi.
Vài hôm sau, khi thiền sư đang mở to đôi mắt nhìn ánh bình minh xuất hiện, thì nhìn thấy chiếc áo mà ngài khoác lên thân tên trộm mấy hôm trước đó được xếp rất ngay ngắn đặt trước cổng, thiền sư vui vẻ nói : “ Cuối cùng thì ta cũng đã tặng anh ta cả vầng trăng sáng rồi”.
Zen baby.jpg


Lại có câu chuyện khác cũng tương tự. Trong thiền viện của thiền sư Tiên Nhai, có một vị học tăng rất ham chơi, vị này không chịu nổi cái cảnh vắng lặng yên bình của chốn thiền môn. Vào những buổi tối vị tăng sinh này thường ra vách tường sau chùa, đặt một cái ghế để leo qua tường ra bên ngoài chơi.


Sau khi thiền sư biết được, ngài không nói với ai. Một lần, vị tăng sinh này trèo tường trốn đi chơi, ngài đi theo phía sau và đem chiếc ghế để qua một bên rồi ngồi vào chỗ đó đợi vị học tăng trở về. Đêm khuya vắng vẻ, vị học tăng trở về, không biết chiếc ghế đã bị di chuyển nên vẫn leo qua vách tường và thò chân xuống ghế như mọi khi để vào chùa, nhưng khi vừa đặt chân xuống thì cảm thấy chiếc ghế dưới chân mình sao mềm mại là lạ, cúi xuống nhìn thì hoá ra mình đang đứng trên vai vị thiền sư thầy mình. Lập tức vị học tăng hồn bay phách tán quỳ xuống nói không ra lời. Thiền sư liền đỡ vị học tăng đứng lên và nhẹ nhàng nói : “Đêm khuya sương nhiều, cẩn thận chứ ướt lạnh hãy nhanh vào phòng nghỉ ngơi."


Sau khi về phòng vị tăng sinh cứ phập phồng lo sợ không yên, trắng đêm không ngủ, lo sợ thiền sư sẽ trách phạt mình trước mặt đại chúng. Nhưng sự việc thì ngược lại, cứ ngày ngày trôi qua, thiền sư không nhắc đến chuyện, cũng không nói cho ai biết. Vị tăng trẻ tự trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn vô cùng, từ đó về sau không dám trốn ra ngoài chơi mà quyết chí tu học, cuối cùng trở thành một vị tăng nổi tiếng đương thời.


Nếu bạn là thiền sư bạn sẽ xử lý thế nào với hai sự việc như thế? Tôi nghĩ, trong câu chuyện thứ nhất. Những người bình thường thì sẽ cùng tên trộm vật lộn hoặc sẽ la lớn lên “Trộm, trộm…”. Câu chuyện thứ hai, đối những với người bình thường thì sẽ đem lỗi của vị học tăng nói trước mặt mọi người, sau đó sẽ có hình thức trách mắng quở phạt riêng cho vị ấy.


Nếu làm như vậy kết quả sẽ như thế nào nhỉ? Tôi nghĩ có thể xảy ra hậu quả thế này, câu chuyện thứ nhất: Tên trộm sẽ đánh bị thương hoặc giết chết vị thiền sư hoặc có thể vị thiền sư đánh tên trộm bị thương và tên trộm sẽ trở lại trả thù thiền sư vào một ngày gần đó. Câu chuyện thứ hai, sau khi vị học tăng bị quở phạt trước mọi người sẽ cảm thấy rất xấu hổ với bạn bè, trong lòng buồn phiền thối chí tu học cuối cùng trở thành con người bình thường, và có thể từ bỏ lối sống thiền môn.


Hai vị thiền sư này xử sự không giống những người bình thường như chúng ta, mà lấy sự khoan dung đại trí, đại bi để thay đổi một tên lãng tử thành vị danh tăng. Con người không phải là thánh nhân nên tất nhiên có những sai trái, đối với những người phạm lỗi chúng ta nên có thái độ rộng lượng khoan dung. Im lặng mà hơn cả to tiếng trách móc đây là phương pháp giáo dục tốt nhất. Khoan dung là một phẩm chất đạo đức tốt, khoan hồng tha thứ lỗi cho người giống như ngọn gió mùa xuân mang mưa xuân đến thấm nhuần cây cỏ làm vạn vật thêm xanh tươi. Khoan dung còn hơn cả vàng, khoan dung là một phẩm chất không thể thiếu trong mỗi con người chúng ta.


hoa sen Intj.JPG


Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Sinh tố sơ ri


Chị ghét mình lắm, hơn một năm trời ngó lơ, ghét đến độ chị còn nghi mình sửa báo cáo hại chị. (Cho chừa cái tội tà lanh bày đặt góp ý!) Nản gì đâu nhưng ngày nào đi làm cũng phải gặp mặt, lần nào làm báo cáo cũng phải trao đổi với nhau vì công việc liên quan chặt chẽ! Ơn Trời, rồi cơn giận cũng qua đi, chị dần hiểu rằng mình không phải là đứa tệ, lại trò chuyện bình thường.

Chị rất khéo tay lại chịu khó nấu nướng. Nhờ chị mình học được nhiều chiêu hay phết. Món mới nhất mà chị khuyên mình nên thử là sinh tố sơ ri, hơi mất công (bỏ cuống) nhưng rất thơm ngon lạ miệng. Học được món mới đã mừng, đồng nghiệp vui vẻ với nhau lại càng mừng hơn - đúng là sau cơn mưa trời lại sáng!


NGUYÊN LIỆU: 4 ly
800g sơ ri chín
4 muỗng xúp sữa đặc có đường
1/8 muỗng cà phê muối
Chút đá bào
1 nắm muối để ngâm sơ ri
CÁCH LÀM:
-Sơ ri nhặt bỏ trái dập, dùng dao nhọn lẩy bỏ cuống rồi rửa sạch, ngâm nước muối loãng chừng 30' thì vớt ra rổ để ráo nước
-Cho sơ ri vào máy ép trái cây
-Cho sữa và 1/8 muỗng cà phê muối vào nước ép sơ ri, khuấy đều.
-Trước khi dùng cho đá bào vào, khuấy đều một lần nữa.
MẸO VẶT:
-Có thể dùng đường thay cho sữa nhưng sẽ không thơm ngon bằng

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Bánh bông lan phô mai cam

Lâu lắm mới có cuối tuần thong thả ngủ lười và dọn dẹp nhà cửa, thật thích! Mình thử nghiệm một công thức bánh mới của tác giả Gia An trên báo Sài gòn tiếp thị. Bánh ngon nhưng hơi nặng, ẩm phù hợp khi cần làm bánh dự trữ từ hôm trước và đặc biệt thich hợp với những ai cần vỗ béo nhờ lượng bơ khá nhiều. Túm lại là công thức bánh Japanese cheesecake cũ vẫn ngon lại rẻ tiền hơn.




NGUYÊN LIỆU:
Nguyên liệu chuẩn bị theo từng nhóm
A:
250g phômai kem, để mềm ở nhiệt độ phòng
250ml sữa không đường
120g bơ, cắt nhỏ, để mềm.
B:
50ml nước cam tươi
vỏ của hai quả cam (dùng dụng cụ cào vỏ, cào lấy lớp vỏ mỏng màu vàng, không lấy phần cùi trắng).
C:
6 lòng đỏ trứng; 60g đường mịn (caster sugar).
D:
70g bột cake (cake flour)
20g bột bắp (corn flour/corn starch).
E:
6 lòng trắng trứng
1/2 muỗng nhỏ bột cream of tartar;
80g đường mịn (công thức gốc dùng 60g hơi nhạt)

CÁCH LÀM:
– A: Đun cách thuỷ phômai kem và sữa hoặc đun lửa nhỏ cho sữa nóng chứ không sôi, vừa đun vừa dùng phới khuấy cho phô mai tan đều, sau đó lọc qua rây để được hỗn hợp mịn, không lợn cợn. Ngâm nồi phô mai vào thau nước lạnh cho hỗn hợp mau nguội. Cho bơ vào, khuấy đến khi bơ tan hoàn toàn.
-B: Dùng máy đánh lòng đỏ với đường cho bông lên, thể tích tăng gấp đôi.
-Trộn B + C vào A, đánh kỹ bằng phới lồng.
– Trộn đều rồi rây nguyên liệu của phần D rồi từ từ trộn vào hỗn hợp trên để được một hỗn hợp hơi đặc và mịn.
– E: Cho lòng trắng trứng đựng trong thố hoàn toàn sạch và khô, rắc bột cream of tartar vào, dùng máy đánh đến khi nổi bọt. Thêm từng muỗng đường vào trong khi máy vẫn tiếp tục đánh, đến lúc lòng trắng bông thành chóp mềm (hoặc gần thành chóp cứng cũng được; nhưng không đánh thành chóp cứng khô vì sẽ rất khó trộn tiếp).



– Dùng phới đảo nhẹ và nhanh, trộn từng phần lòng trắng trứng vào hỗn hợp phômai (thành 2 – 3 lần trộn). Sau khi trộn, hỗn hợp không đặc quá, và cũng không còn vệt lòng trắng trứng. Đổ hỗn hợp bột vào khuôn vuông 25cm, có lót giấy chống dính nhưng không bôi bơ vào khuôn. Đặt khuôn bánh vào một khay rộng hơn, đổ nước nóng vào khay sao cho nước nóng ngập lên khoảng 1/2 thành khuôn để nướng cách thuỷ.
– Nướng cách thuỷ ở nấc cuối trong lò đã làm nóng sẵn ở nhiệt độ 1500trong 50 phút, trở khay bánh, châm thêm nước sôi vào khay nước và dùng giấy bạc đậy cho mặt bánh không bị khét, nướng thêm 50'




Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Chè hạt sen nhãn nhục


Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen
                                                              (Ca dao)

Người ta thương chồng nấu đủ món, mình nấu mỗi nồi chè hạt sen thôi có đủ chuẩn thương chồng hông ta?



NGUYÊN LIỆU:
200g hạt sen tươi
140g đường phèn
1,2 lít nước
80g nhãn nhục
1 ống vani
1 chút xíu muối

CÁCH LÀM:
-Nấu đường với nước cho tan, lược bỏ các sợi chỉ
-Cho muối + hạt sen vào nước, đun lửa nhỏ cho hạt sen mềm nhưng không vỡ
-Rửa sơ nhãn nhục cho khỏi cát, bụi.  
-Đun lửa lớn cho nồi chè sôi, cho nhãn nhục vào và tắt bếp ngay để nhãn nhục không bị nhũn.
-Để chè nguội bớt hãy cho vani để giữ mùi thơm.
-Chè này dùng nóng hay lạnh đều ngon

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Măng gì?

Đám giỗ ông Nội chàng năm nay có món vịt nấu măng khô. Măng mẳng mằng măng, măng gì chẳng biết mà lớn chưa từng thấy, chiều dài chẵn 30cm còn chiều ngang chỗ lớn nhất là 19cm, trải miếng măng lên chiếc mâm to tổ chẳng mà vẫn thấy miếng măng thật khổng lồ.





ĐỌC THÊM:

Chọn và ngâm măng khô

Có 2 loại măng khô chính là: măng lưỡi lợn và măng lá. Khi ăn măng lưỡi lợn sẽ cho cảm giác dày miếng và giòn sần sật còn măng lá thì sẽ ngấm gia vị hơn. 

Để chọn được măng ngon, các bạn chú ý chọn loại có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách và có độ bóng láng. Ngoài ra, cũng cần chú ý thêm một số tiêu chí khác như: đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, đôt măng nhiều... Sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được.



Bước 1: Đầu tiên, mình cần rửa măng thật sạch.

 

Bước 2: Đổ đầy nước vào ngâm trong một đêm.

 
 
Bước 3Sáng hôm sau, đổ hết nước cũ đi
 

Bước 4:Sau đó, các bạn cần rửa lại từng cái măng một, nếu rửa không kĩ thì măng sẽ rất dễ bị chua.

 

Bước 5: Đổ gập nước vo gạo vào để ngâm măng và đến cuối ngày, các bạn lại phải làm lặp bước 3, bước 4 như ở trên. Rồi bắt đầu từ đây, ngâm măng bằng nước thường hay nước gạo cũng được nhưng chú ý là ngày nào cũng phải rửa măng và thay nước đấy nhé! Thời gian ngâm vào khoảng 1 tuần.

 

Theo Kenh14