Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Chè hoa cau


Chợ quê sớm nay rộn rã, đầu chợ anh bán quần áo rao HÔM NAY GIỖ TỔ MUA ĐỒ MỚI ĐI BÀ CON, giữa chợ chị bán rau trách HÔM NAY GIỖ TỔ SAO MUA ÍT VẬY, cuối chợ chị bán cá rủ CÁ NGON NÈ, MUA VỀ LÀM ĐÁM GIỖ ÔNG TỔ ĐI nhưng giỗ Tổ Hùng Vương, nhà nước cho nghỉ lễ mà nhà… sếp bận rộn quá hay sao ý mà mấy năm nay chẳng năm nào nhớ chia tí gì để ngày giỗ thêm phần long trọng cả.

Giỗ Tổ nhằm đợt nghỉ dài, nhà mình tổ chức một “live show” cho anh em và con cháu sum vầy. Cánh đàn ông hào hứng với các món nhậu, cánh phụ nữ chăm chút nồi lẩu gà lá giang. Mình định nấu xôi vị nhưng cháu Chương cho 3 đĩa xôi gấc nên lại thôi, đổi qua nấu chè hoa cau.

Người ta gọi món chè này bằng tên chè hoa cau có lẽ vì những hạt đậu xanh khi hấp chín có màu vàng nhạt lơ lửng trong chén chè trong suốt nhìn giống như những hoa cau li ti rụng bên thềm (tụi nhỏ bây giờ làm sao thấy cảnh này nhỉ?). Chè hoa cau hay chè đường là gọi theo người Bắc và thường nấu bằng bột sắn dây, người Nam thì gọi là chè táo xọn, nhiều đậu xanh hơn và thường nấu bằng bột năng có chan thêm nước cốt dừa. Mình không thích món chè này lắm nhưng tụi nhỏ thì lại mê, lâu lâu không thấy mẹ nấu chúng sẽ tự lôi bột sắn ra nấu suông cũng ra chiều thú vị lắm.

Giỗ Quốc Tổ chỉ có vài món đơn sơ nhưng chắc ông Tổ cũng vui lòng khi thấy con cháu sum vầy, đoàn kết. Cầu mong Ông Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, phù hộ cho gia đình mình bình an hạnh phúc.

Chè hoa cau.jpg

CHÈ HOA CAU

NGUYÊN LIỆU:
50g đậu xanh cà
100g đường trắng
50g bột sắn dây
800 ml nước
1 muỗng cà phê nước hoa bưởi = 1 ống vani
1 tí xíu muối

CÁCH LÀM:
-Đậu xanh ngâm nước ấm chừng 2 tiếng cho nở, bỏ vỏ và hạt xấu, hấp chín với tí muối
-Hòa bột sắn dây với 200 ml nước, lược lại cho khỏi vón cục
-Cho đường vào phần nước còn lại, đun sôi, hạ bớt lửa rồi cho hỗn hợp bột sắn vào từ từ vừa khuấy vừa đun trên lửa vừa cho bột không bị vón cục.
-Khi hỗn hợp bột sôi và bột trong thì cho ¾ đậu xanh và nước hoa bưởi/vani vào, khuấy đều. Tắt bếp
-Múc ra chén ngay khi chè còn nóng để chè không bị vữa và có lớp mặt mịn. Rải đều phần đậu xanh còn lại lên mặt.
-Dùng kèm xôi vò hoặc dùng riêng lẻ.
-Dùng nóng hay lạnh đều được nhưng dùng nóng ngon hơn.

MẸO VẶT:
-Với lượng đường như trên chè sẽ có vị ngọt rất nhẹ nhưng theo mình như thế mới giữ được tính giải nhiệt của bột sắn dây

ĐỌC THÊM:
Tác dụng chữa bệnh của sắn dây
Cây sắn dây.jpg
Cây sắn dây

Để chữa thiếu sữa ở sản phụ, có thể lấy dây sắn dây đốt thành than, nghiền mịn, mỗi lần uống 6 g cùng với rượu, sữa sẽ về nhiều. Còn để chữa say rượu bất tỉnh, nên lấy củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy 1 lít nước cốt, cho uống dần đến khi tỉnh lại.
Hầu hết các bộ phận của cây sắn dây đều đã được sử dụng làm thuốc trong Đông y như:
- Củ (cát căn): Vị ngọt cay, tính mát; có tác dụng chữa sốt, làm ra mồ hôi, chữa sởi không mọc được, phiền táo, khát nước, nhức đầu, kiết lỵ...
- Bột (cát phấn): Vị ngọt, tính rất lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, trừ phiền; dùng chữa phiền nhiệt, miệng khát, ban nhiệt.
- Hoa (cát hoa): Vị ngọt hơi đắng, tính mát; có tác dụng giải độc rượu, chữa sốt, chán ăn, nôn mửa ra chất chua, thổ huyết...
Sau đây là một số ứng dụng cụ thể:
Chảy máu mũi suốt ngày không ngừng, tâm thần phiền muộn: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần một chén con.
Rắn cắn: Giã lá sắn dây tươi vắt lấy nước uống, bã đắp lên nơi rắn cắn.
Vết thương chảy nhiều máu: Dùng lá sắn dây tươi giã nát, đắp vào vết thương.
Viêm ruột, đau bụng đi ngoài giống kiết lỵ, cồn cào, buồn bực, nôn ọe do uống nhầm các thứ thuốc nóng hoặc quá mãnh liệt: Dùng bột sắn dây quấy đường uống; hoặc dùng cát căn 30 g, rau má 20 g giã nát, chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống trong ngày.
Trẻ sơ sinh miệng mím chặt, sùi bọt mép, không bú được: Lấy một đoạn dây sắn dây đốt thành than, nghiền mịn, dùng khoảng 3-5 g bột hòa với sữa mẹ, nhỏ vào miệng trẻ. Làm như vậy vài lần trẻ sẽ mở miệng và bú được.
Ngực nóng, thổ huyết không ngừng: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy 500 ml uống.
Sắn dây có thể sử dụng kết hợp với một số vị thuốc khác
Chống ngứa do mồ hôi: Bột sắn dây 5 g, thiên hoa phấn 5 g, hoạt thạch 20 g, trộn đều, rắc lên những nơi ẩm ngứa.
Cảm mạo, sốt, cổ gáy cứng đơ, sợ gió, không mồ hôi: cát căn 8 g, ma hoàng 5 g, quế chi 4 g, đại táo 5 g, thược dược 4 g, sinh khương 5 g, cam thảo 4 g; cho 600 ml nước, sắc còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Trẻ nhỏ cảm phong nhiệt, nôn mửa, đau đầu, kinh sợ khóc thét: Cát căn 30 g giã nát, gạo tẻ 50 g. Cát căn sắc với 2 bát nước lớn, đun cạn còn 1 bát, chắt lấy nước nấu cháo với gạo, thêm chút gừng sống và mật ong, cho trẻ ăn trong ngày.
Cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, khát nước, có mồ hôi, nóng ruột, nôn ọe: Bột sắn dây 12 g hòa đường uống; hoặc dùng cát căn 20 g, đậu ván (sao)12 g, giã giập, sắc nước uống trong ngày.
Cảm sốt nóng, nôn ọe, khát nước, nhức đầu: Cát căn, sài hồ, chi tử, mỗi thứ 15-20 g, sắc nước uống trong ngày.
- Vùng ngực bụng nóng cồn cào, khát nước: Bột sắn dây 120 g, gạo tẻ 15 g. Gạo tẻ ngâm nước một đêm, chắt bỏ nước, trộn đều với bột sắn dây, nấu cháo ăn trong ngày.
Ngộ độc thức ăn, đại tiện ra máu do ăn phải đồ nóng, độc: Củ sắn dây tươi, ngó sen tươi 2 thứ giã nát, vắt lấy 500 ml nước cốt mỗi thứ, hòa đều, uống dần.
Ngộ độc rượu (uống quá nhiều rượu khiến tỳ vị thương tổn, khạc hoặc nôn ra máu, người phát sốt, tiểu tiện đỏ): Hoa sắn dây 30 g, hoàng liên 4 g, hoạt thạch 30 g (thủy phi), bột cam thảo 15 g; tán thành bột mịn, trộn với nước, hoàn thành viên, mỗi lần uống 3 g, chiêu thuốc bằng nước mát. Thủy phi là thêm nước vào vị thuốc cùng tán, hoặc tán xong cho vào nước khuấy lên để bột thuốc lắng xuống; thường áp dụng khi bào chế hoạt thạch, chu sa, thanh đại.
Lương y Huyên ThảoSức Khoẻ & Đời Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét