Vẫn còn ít thịt ngâm nước mắm từ Tết. Ngâm lâu thịt trong, nâu bóng màu cánh gián, thơm, giòn và ngon. Món này thường nhâm nhi với khế, dưa leo, đồ chua hay cuốn kèm bánh tráng nhưng trưa nay vắng chàng, 3 mẹ con chế thành món bún thịt ngâm nước mắm cho lẹ.
Một chút bún, một chút rau sống + dưa leo xắt nhỏ + 1 chút thịt xắt sợi trộn đều thế là có 1 tô bún ngon lành, ai ăn mặn thì rưới thêm nước tương hoặc nước mắm ngâm thịt. Thịt thơm giòn, rau mát, bún dẻo thêm một ly nước tắc nữa thế là có 1 bữa trưa tốc hành để tranh thủ nghỉ ngơi.
THỊT NGÂM NƯỚC MẮM
(Tỉ lệ mắm: đường theo tạp chí Món ngon Việt nam)
1kg thịt ba rọi, cắt khúc dài 15cm dầy 3cm
1 chai nước mắm Knor 500ml
700g đường
1 củ tỏi tép lớn
2 trái ớt sừng
0,5 muỗng cà phê bột nêm
CÁCH LÀM:
- Tỏi lột vỏ, xắt lát mỏng. Ớt sừng bỏ hạt, xắt sợi nhỏ. Phơi/sấy cho ớt tỏi héo.
- Luộc thịt với nước + bột nêm. Thịt vừa chín tới vớt ra rổ cho ráo.
- Nấu nước mắm + đường cho đường tan. Để thật nguội.
- Sắp thịt vào keo thủy tinh, cứ 1 lớp thịt rải 1 lớp ớt tỏi. Dùng vỉ chặn lại, lấy cây hoặc chai thủy tinh (đổ nước vào cho nặng) dằn cho thịt không trồi khỏi mặt nước mắm. Đậy nắp kín, 2 ngày sau nước mắm bắt đầu thấm. Để càng lâu thịt càng thấm nước mắm, sẽ mặn hơn nhưng thơm ngon hơn và lớp mỡ trong giòn.
BÍ QUYẾT:
- Nước mắm rất dễ trào, nấu lửa vừa và khuấy đều cho đường tan mà không khét đáy nồi.
- Cho thịt vào nồi khi nước ấm sẽ thơm ngon hơn khi luộc bằng nước lạnh vì bề mặt thịt gặp nước ấm sẽ se lại ngăn không cho chất ngọt trong thịt tiết ra ngoài.
- Keo ngâm thịt phải thật sạch và để ráo.
- Trong thời gian ngâm, nếu thấy nước mắm có váng thì phải lấy thịt ra đun sôi lại vì khi đó nước trong thịt đã ra làm loãng nước mắm.
- Sau khi ăn hết thịt, đun lại nước mắm 1 lần nữa và dùng để kho thịt cá nhưng đừng để lâu quá sẽ bị hôi mùi mỡ ôi.
|
Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011
Thịt ngâm nước mắm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét