Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Bữa cơm yêu thương ngày 7-4-2013

Buồn chuyện không tìm ra nhà tài trợ để duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Bếp Ấm, mình làm biếng chẳng viết bài tổng kết buổi nấu cơm từ thiện ngày 7-4-2013. Nhưng nghĩ lại, vậy là không được, chuyện gì ra chuyện đó chứ vả lại không nhất thiết cứ phải đi nấu cơm mới là làm từ thiện, nếu có đủ tâm và đủ sức thì thể nào cũng còn có những hoạt động khác phù hợp với hoàn cảnh - chắc chắn là vậy. Nghĩ thế đầu óc cũng nhẹ nhàng hơn.

Hôm ấy, dù biết trước sẽ tốn kém hơn và chắc chắn bị âm quỹ tụi mình vẫn quyết định thay đổi thực đơn mới với món đùi gà kho gừng thay cho thịt heo kho tiêu, món giá xào với cà rốt và hẹ thay bắp cải xào và bỏ bớt món trứng chiên thịt bằm.  Đúng như dự đoán, tiền chợ cao hơn hẳn, cái quỹ còm gom góp từ những yêu thương của bạn bè chẳng kham nổi nhưng nhờ đỡ tốn thời gian sơ chế công việc hôm ấy rất gọn nhẹ và hoàn tất lúc 10g chứ không tất bật như mọi lần.





Căn bếp nhỏ nóng lên từng phút theo bước chân ông mặt trời mùa hè nhưng chẳng màng gì, ai cũng hối hả mỗi người 1 việc luôn chân luôn tay. Nhặt rau, rửa giá, ướp gà, xào nấu... bạn mới nhìn theo bạn cũ cứ thế mà làm, chưa kể các bạn mới hôm ấy toàn là "siêu đầu bếp" thì e sợ gì: này chị Tuyết đầu bếp ở bếp ăn công nghiệp Bình Dương, này bạn Trâm chủ 1 quán ốc ở Hà nội...  Mồ hôi chảy ròng ròng nhưng nụ cười không tắt, vui ơi là vui.







Và dù chưa biết đến khi nào mới có dịp tiếp tục cùng nhau nấu cơm, mọi người vẫn làm việc rất nghiêm túc. Cơm được đóng hộp thật nhanh, giá xào đóng thành từng bịch riêng, canh được múc đều cả rau lẫn nước... Trời mưa lớn, nhóm phát cơm vẫn quyết đi đúng giờ, cơm đi taxi người đi xe máy. Nhóm ở nhà lau dọn sạch trơn, nồi niêu tô chén lại trở về vị trí cũ, dầu cặn được đóng bịch cẩn thận trước khi đổ bỏ...













Trước nguy cơ Câu lạc bộ "thất nghiệp" bạn T lại đóng góp thêm nhưng lần này tụi mình đã xin phép được từ chối bởi lần nào thiếu hụt quỹ bạn cũng phải "bao sân" câu lạc bộ mới hoạt động được đến bây giờ, phiền bạn nhiều quá sẽ là lạm dụng lòng tốt của bạn. 

Tạm biệt nhé những buổi nấu cơm ngập tràn niềm vui. Rồi tụi mình sẽ còn gặp lại mà, đừng nản nhé các bạn!

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Dạ tiệc chay 2013 và kinh nghiệm làm xôi số lượng lớn


Còn phải bàn lại khâu tổ chức nhưng dẫu sao cũng cám ơn các bạn Hội từ thiện Nốt lặng đã tin tưởng trao mình cơ hội “vượt qua chính mình” và góp sức vào việc gây quỹ giúp trẻ em nghèo Quảng ngãi .

Các bạn Hội từ thiện Nốt lặng ở dạ tiệc chay 2013

Cùng với Thạo và Huân, lúc cuối mệt quá phải nhờ thêm cả chị Oanh, cuối tuần qua chúng mình đã có một ngày làm việc đáng nể với 2 món xôi gấcxôi vò sầu riêng. Hoàn tất hơi trễ so với dự định và quá mệt so với tưởng tượng nhưng mình rất vui bởi nhờ vậy mình mới hiểu thêm tấm lòng bạn bè. 

Cám ơn em Thạo dù trễ vẫn ráng nấn ná phụ, giục mãi mới ăn trưa rồi vội vã đi học – có em căn bếp nhỏ rộn rã với những lời cười đùa vui nhộn. Cám ơn em Huân dù mệt bơ phờ vẫn kiên nhẫn ngồi cân từng viên xôi gấc, từng viên nhân đậu xanh tí hon không một lời kêu ca và còn nhớ nhắc mình nằm nghỉ chút cho khỏi đau lưng – em luôn vậy, chu đáo hết mực. Cám ơn chị Oanh đã không đi chơi, nghe gọi là tới ngay – có chị công việc chạy hẳn và tụi em như khỏe lại liền. Cám ơn người đẹp trai nhất nhà không ngại chà giúp vợ đôi nồi trắng phau - em biết ơn anh đã luôn ủng hộ em, người yêu ạ. 

Cám ơn mọi người nhiều lắm lắm bởi đó không đơn thuần là thời gian, công sức ta trao nhau mà đó là một mùa hoa yêu thương, thơm thảo sẽ nở mãi trong ký ức mỗi người.

Xôi gấc sau khi xếp vào từng thùng

Dưới đây là 1 vài kinh nghiệm khi làm xôi số lượng lớn mình ghi lại kẻo quên:

-Ngâm nếp từ 4-6 tiếng.Nên chia gạo ngâm thành từng đợt tùy theo thời gian hong xôi kẻo ngâm lâu, những mẻ sau xôi dễ bị chua
-Mỗi xửng 5kg chỉ nên hong 1kg nếp vừa dễ đảo, xôi mau chín và không bị nát
1. XÔI VÒ SẦU RIÊNG:
-Ngâm đậu xanh, nấu và nắm đậu từ hôm trước. Bọc kín, cất vào ngăn mát tủ lạnh
-Dùng chai xịt nước vào xôi ở công đoạn sau cùng (trước khi cho đường) để đảm bảo xôi không bị nhão
-1kg gạo + 400g đậu xanh được khoảng 1,9 -2,2kg xôi vò thành phẩm (tùy theo gạo và lượng sầu riêng cho vào)
-Nếu xôi vón nhiều cho vào tủ lạnh để nếp se lại rồi vò nhẹ xôi sẽ tơi. Hấp lại
2.XÔI GẤC:
-Mua gấc, sơ chế và xay nhuyễn cơm gấc từ hôm trước
-Mỗi kg nếp cần 300g dừa khô vắt lấy 200-300g nước cốt (tùy theo lọai gạo). Nếu đóng khuôn thì nấu xôi hơi mềm
-1kg nếp + 80g thịt gấc (không tính hột) + 100g đậu xanh được khoảng 2,3kg xôi 
-Với khuôn 65g thì đóng 50g xôi + 15g nhân đậu xanh 
-1 thùng sữa Vinamilk xếp được 48 viên xôi 65g. Chỉ nên xếp 1 lớp kẻo xôi bẹp, giữa các lớp phải chèn giấy nến cho xôi không bị dính


Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Chè hạt sen nhãn nhục

Gia đình đứa cháu cứ xui rủi hoài nên tính đến chuyện sửa soạn một lễ cúng nhỏ. Thôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Mình nấu cho cháu một nồi chè như góp chút lòng thành cầu an. Quả thực là cũng hơi tiếc một buổi trưa chủ nhật hiếm hoi được ngủ đầy giấc nhưng điều đó chẳng đáng gì so với niềm vui được mời mọi người một món ngon.

Ảnh bé Bò chụp từ nồi chè hạt sen nhãn nhục mới.

NGUYÊN LIỆU:
500g hạt sen tươi
600g đường phèn Biên hòa
5 lít nước nếu dùng chè với đá bào, 6 lít nước nếu dùng chè lạnh không đá
50g nấm tuyết
250g nhãn nhục
3 ống vani
1/2 muỗng cà phê muối

CÁCH LÀM:
-Hạt sen luộc sơ cho nước không bị thâm rồi thay nước. Nấu sôi hạt sen với 2 lít nước +1/2 muỗng cà phê muối rồi hạ nhỏ lửa đun liu riu cho đến khi hạt sen thật mềm
-Cho đường phèn vào, nấu nhỏ lửa cho đường tan và thấm vào hạt sen (Nếu dùng đường phèn ở chợ thì phải nấu nước đường riêng và lọc bỏ chỉ và cặn trước khi cho vào hạt sen)
-Nấm ngâm nở, rửa sạch, cắt nhỏ bằng đầu ngón tay cái
-Nhãn nhục rửa sơ cho sạch bụi, cát
-Khi đường phèn tan hết và hạt sen đã thấm đường thì cho tiếp lượng nước còn lại vào, đun sôi
-Cho nấm vào, đun sôi lại
-Cho nhãn nhục vào, đun vừa chớm sôi thì tắt bếp kẻo nhãn nhục quá nhừ
-Để chè nguội bớt thì cho vani vào, khuấy đều

THÀNH PHẨM:
-Chè này thường dùng lạnh, có mùi thơm dịu, nước nhiều hơn cái

MẸO VẶT:
-Nhãn nhục ngon có màu nâu nhạt, thơm, khô
-Nấm tuyết ngon: to và có màu trắng ngà không ngả vàng
-Nếu muốn chè mau nguội thì chỉ nấu chè với 2 lít nước, sau đó pha thêm với nước sôi để nguội 



Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Chè chế

Năm ngày nghỉ lễ vừa qua là một khoảng lặng tuyệt vời để những mệt mỏi, bận rộn lắng xuống. Giá mà mỗi tháng có 1 kỳ nghỉ như thế thì hay biết mấy!

Sau 2 mẻ bánh không mấy ưng ý mình chuyển sang nấu chè. Năm ngày nghỉ mình nấu 4 nồi chè, chắc chừng ấy ngọt ngào sẽ đủ để mình an toàn băng qua những căng thẳng sắp tới!

Có một món chè nếu gọi là Chè thập cẩm thì sẽ khác chuẩn với mọi người, nếu gọi là Chè tả pí lù thì chả hấp dẫn nên mình sẽ gọi là chè chế - mình đã dám chế một món chè đem góp tiệc thì ngại gì mà không dám đặt tên! Đây là một loại chè thuộc dòng thực phẩm... Vetula (tức vét tủ lạnh í mà!). Này chút hạt sen tháng trước chị bán rau nhờ mua dùm, mình chưa biết làm gì cất vào ngăn đá. Này hộp đậu đỏ tuần rồi mở ra định làm rau câu nhưng bỏ dở nửa chừng. Này ít vỏ bưởi còn lại của thử nghiệm chè bưởi. Này mấy quả chuối sáp luộc lăn lóc trên bàn...  Cứ thế, mỗi thứ mỗi chút, nồi chè không định trước dần thành hình.

Con gái ngạc nhiên và trêu chọc mình gặp may, nấu đại vậy mà được mọi người nhiệt tình ủng hộ. Ừ, mình may mắn nấu được một nồi chè ngon từ việc dọn tủ lạnh nhưng mình không hề bỏ đồ thừa vào nồi rồi trộn lên mà nấu trên nguyên tắc cân bằng giữa các nguyên liệu và được nêm nếm cẩn thận bằng niềm vui.


NGUYÊN LIỆU:
Vỏ bưởi:
100g vỏ bưởi đã sơ chế (xả với muối nhiều lần cho hết đắng)
100g bột năng
50g đường
1 muỗng cà phê nước hoa bưởi
Chè:
2 lít nước
300g đường (nếu dùng chè kèm đá, 200g nếu dùng chè nóng)
1 hộp đậu đỏ
50g đậu xanh, ngâm nước,  hấp chín
6 quả chuối sáp, xắt hạt lựu
1 cái nấm tuyết nhỏ
1/4 muỗng cà phê muối
50g bột năng
1 muỗng cà phê nước hoa bưởi
Nước cốt dừa:
800g dừa khô
800ml nước
100g đường
30g bột gạo
1/4 muỗng cà phê muối

CÁCH LÀM:
-Đậu đỏ: đổ bỏ nước, ướp với 100g đường
-Chuối sáp: xắt hạt lựu
-Nấm tuyết: ngâm nước, bỏ phần chân vàng, cắt nhỏ
-Vỏ bưởi: ướp với 50g đường + vài muỗng nước cho vỏ bưởi hơi ướt nhưng mọng mọng nước. Nấu cho vỏ bưởi thấm hết đường và nóng lên thì cho nước hoa bưởi vào trộn đều rồi bỏ vào bịch nilon cùng 100g bột năng, lắc cho bột áo đều vỏ bưởi. Bỏ vỏ bưởi vào rổ thưa, rây bỏ bột dư và vỏ nát.
-Đun sôi 2 lít nước, cho nấm + chuối + đậu đỏ vào, khi nước sôi lại cho vỏ bưởi vào. Nước sôi lại lần nữa thì vỏ bưởi cũng vừa chín, cho đường, đậu xanh và bột năng đã hòa với chút nước vào từ từ đến khi có độ đặc vừa ý. Cho nước hoa bưởi vào, tắt bếp
-Múc chè ra ly khi chè còn nóng để chè không vữa. Khi múc canh đều tay để nước và cái đều nhau.
-Làm nước cốt dừa: dừa cho nước nóng vào vắt lấy 800ml nước cốt. Đun lửa vừa cho vừa chớm sôi, cho bột gạo đã hòa chút nước vào, khuấy đều, đun lại vừa chớm sôi là tắt bếp ngay. Múc nhẹ tay đổ lên chén chè.
-Chè chín dùng nóng hoặc dùng lạnh với đá bào

MẸO VẶT:
-Hấp chín đậu xanh xong để nguyên đẫu trong nồi đến khi thật nguội mới lấy ra để đậu không nát
-Khi cho bột năng/bột gạo nên tắt bếp để bột không vón cục, cho nước bột vào từ từ khuấy đều rồi đun sôi
lại
-Cho nước hoa bưởi vào từng ít 1 vì mỗi loại sẽ có độ đậm đặc khác nhau. Chỉ cho nước hoa bưởi vào sau khi tắt bếp và không đun tiếp để giữ được mùi thơm