Nguyên liệu:
250g bột nếp
300ml nước lạnh
1 nhúm muối
1 thìa canh mỡ nước hoặc shortening hay dầu ăn
Cách làm:
Bột và nước khuấy đều trong tô chịu nhiệt. Đậy kín, cho vào lò vi sóng khoảng 5′ (500W). Lấy ra khỏi lò, để nguội bớt khoảng vài phút rồi hãy mở nắp.
Thoa dầu vào tay, vắt bánh. Khi vắt xong đặt từng chiếc lên đĩa đã thoa dầu ăn hoặc mỡ nước/shortening. Khi bánh nguội sẽ se mặt lại, dẻo mà không dính.
Bánh dày trắng dùng để kẹp giò lụa, chả là một bữa ăn nhẹ rất ngon miệng.
Không mê nếp cũng chẳng thích giò chả nhưng thấy Khai Tâm làm bánh dầy dễ như chơi đồ hàng mình cũng ham làm thử. Nhưng hỡi ôi lần thì bột nếp hiệu BC tưởng đảm bảo nhất hóa ra lại làm bánh dẻo và trong vắt như bột năng, lần thì nặn mãi mà khối bột chín rồi chẳng sao ra nổi hình tròn, lần thì "sáng kiến" nặn bột cho vào chén hấp nhưng khi chín bánh dính chặt vào chén không sao lôi ra được dù đã phết bao nhiêu là dầu. Thôi thì thấy đâu âu đấy, mình không khéo thì phải chịu khó, rồi bánh cũng thành hình. Bánh dầy của mình không… dầy để ăn đỡ ngán, có điều bánh thoảng nhẹ vị chua của bột và không trắng tinh như bánh làm từ xôi nếp.
NGUYÊN LIỆU: (6 cặp bánh dầy)
200g bột nếp Tài Ký
180g nước nóng
1 tí muối
Lá chuối
Dầu thoa lá
CÁCH LÀM:
-Hòa muối vào nước nóng
-Cho bột vào thố, tạo thánh 1 lõm ở giữa thố. Đổ nước nóng vào bột và dùng đũa khuấy cho bột thấm đều nước. Nhồi mịn. Để bột nghỉ 15’ rồi chia bột thành 12 viên tròn nhỏ.
-Cắt lá chuối thành từng miếng tròn đường kính khoảng 10cm, thoa ít dầu lên mặt lá, đặt từng viên bột lên ấn nhẹ cho bột hơi dẹp
-Bắc nồi nước sôi. Cho bánh lên hấp 10’.
-Bánh chín, để nguội, lấy ra kẹp giò chả xắt khoanh dầy 0.5-1cm
MẸO VẶT:
-Cho vài chiếc muỗng nhỏ vào nồi nước sẽ làm cho muỗng kêu lanh canh vừa vui tai vừa biết khi nào cạn nước.
-Khi bánh vừa nguội phải gỡ lá chuối ra liền kẻo để lâu bánh bị ố nhựa lá.
ĐỌC THÊM:
Mình quen với cái tên BÁNH DẦY hay BÁNH DÀY hơn nên dù đã biết đúng ra phải là BÁNH GIẦY vẫn thấy là lạ thế nào và có lẽ cũng nhiều người như mình...
"Bánh giầy" hay "bánh dầy"?
TT - Nhiều bạn đọc cho rằng báo Tuổi Trẻ dùng từ "bánh giầy" (trong bài viết "Bánh chưng, bánh giầy khổng lồ về đền Hùng", Tuổi Trẻngày 15-4) là sai, phải viết "bánh dầy" mới đúng.
Chúng tôi đã liên hệ với nhà ngôn ngữ học Trần Chút (phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến), ông cho biết: "Bánh giầy" là từ biến âm của tiếng Việt cổ "bánh chì” ngày xưa (xưa: "ch" thì sau này biến thành "gi", xưa: âm "i" thì sau này biến thành "ây", ví dụ như: chường Ý giường, bên ni Ý bên nầy). Vì thế, viết "bánh giầy" là chính xác. Cũng nên nói thêm là tiếng Việt ta phát âm "d" và "gi" không khác nhau nên một số người nhầm lẫn "dầy" tức là dày, mỏng nên mới viết là "bánh dầy". Tuy nhiên, theo qui tắc chính tả tiếng Việt hiện tại, viết "bánh giầy" là chuẩn xác nhất.
GS.TS Nguyễn Đức Dân (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng khẳng định: "Dùng từ "bánh giầy" là đúng như hướng dẫn của từ điển tiếng Việt".
Chúng tôi cũng đã tham khảo một số từ điển tiếng Việt. Theo Từ điển tiếng Việt tường giải và liên tưởng của tác giả Nguyễn Văn Đạm, NXB Văn Hóa - Thông Tin, thì bánh giầy nghĩa là: bánh làm bằng xôi giã thật mịn. Từ điển tiếng Việt của tác giả Minh Tân - Thanh Nghị - Xuân Lãm, NXB Thanh Hóa: "Bánh giầy: bánh làm bằng xôi giã thật mịn, nặn thành hình tròn, dẹt, có khi có nhân đậu xanh".
Đại từ điển tiếng Việt của tác giả Nguyễn Như Ý, NXB Văn Hóa - Thông Tin cũng giải thích: "Bánh giầy là bánh có hình tròn khum khum, màu trắng, rất dẻo, mịn mặt, làm bằng xôi trắng giã nhuyễn, khi ăn cặp với giò chả...".
H.HG (Theo báo Tuổi trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét