Ai dù có thờ ơ nhất cũng biết Tết đã đến rồi khi khắp các nẻo đường hoa cúc khoe sắc vàng óng ả báo hiệu ngày mở đầu của mùa Tết: 23 tháng chạp ngày đưa ông Táo về Trời.
Món truyền thống cúng Ông Táo ở nhà mình là món chè xôi nước. Có lẽ cái tên này được nói trại ra từ chè trôi nước, một dạng bánh trôi bánh chay – loại bánh được nữ sĩ Hồ Xuân Hương vịnh rằng:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Và năm nay, dòng họ mình đón Tết thật long trọng với việc thay áo đưa Mẹ về với Tổ Tiên và khánh thành nhà thờ Tổ, còn ở nhà mình bàn thờ Mẹ được thay mới thấp hơn để các cháu mỗi khi nhớ Bà có thể tự tay thắp nén hương thơm. Cúng ông Táo xong, đặt chén chè nóng thơm mùi gừng lên bàn thờ Mẹ, mình lại khấn câu khấn quen thuộc: lạy Trời Phật và Tổ Tiên phù hộ cho gia đình con được bình an hạnh phúc.
Ý, quên rắc mè rồi kìa!
CHÈ XÔI NƯỚC:
NGUYÊN LIỆU: (30 viên)
Vỏ bánh:
400g bột nếp
40g bột gạo tẻ
1/8 muỗng cà phê muối
2 muỗng xúp mè trắng rang vàng
250g nước nóng già
Nhân bánh:
250g đậu xanh không vỏ
100g đường
2 ống vani
1/8 muỗng cà phê muối
Nước đường:
1 lít nước
300g đường vàng
¼ muỗng cà phê muối
50g gừng
1 muỗng xúp bột năng hoặc bột bắp
CÁCH LÀM:
Làm nhân:
-Đậu xanh ngâm 4-6 tiếng, rửa sạch nước chua, để ráo, hấp chín, giã nhuyễn khi còn nóng.
-Trộn đường + vani + muối, cho vào đậu, trộn đều.
-Đảo đậu trên lửa vừa chừng 5’ cho đường tan. Chia đậu thành từng viên tròn 15g (cỡ trái tắc nhỏ)
Làm vỏ :
-Trộn đều bột nếp + bột gạo tẻ + muối vào 1 thố to. Dùng tay lùa bột vào thành tô tạo 1 lỗ trũng ở giữa, chế nước nóng già vào lỗ này, vừa chế vừa dùng đũa quậy đều. Khi bột đã ướt gần hết thì ngưng đổ nước và dùng tay nhào cho bột đều và mịn. (Nước có thể nhiều hoặc ít hơn tí chút tùy theo bột cũ hay mới).
-Đậy khăn ẩm lên mặt thố, để bột nghỉ khoảng 20’ cho tinh bột nở đều. Chia thành từng viên 25g (to cỡ trái chanh nhỏ)
Nặn bánh:
-Đun sôi 1 nồi nước chừng 2 lít.
-Chuẩn bị thêm 1 nồi nước lạnh chừng 2 lít
-Lấy 1 viên bột, ấn dẹp đường kính cỡ 5cm, đặt viên nhân đậu xanh vào, nắn nhẹ cho bột áo kín nhân, thả vào nồi nước sôi.
-Luộc bánh chừng 10’ với lửa vừa để bánh không bị bể. Khi bánh nổi lên là bánh đã chín, vớt bỏ vào nồi nước lạnh để bánh không bị dính vào nhau.
Nấu nước đường:
-Đun sôi nước + đường + muối.
-Hòa bột năng với chút nước, cho vào nồi nước đường, khuấy đều. Thấy nước hơi sánh là được.
-Gừng gọt vỏ, giã dập, cho vào nồi nước đường.
-Khi bánh đã luộc xong, vớt tất cả vào nồi nước đường. Đun sôi nhẹ thêm chừng 5’ cho viên bánh thấm đường.
Dọn chè:
-Vớt chè ra chén (3 viên/chén). Rắc mè rang gọn lên từng viên. Múc nước đường vào ngập chừng ¾ viên chè. Sau cùng, múc thêm 1 muỗng xúp nước cốt dừa lên trên.
-Dùng nóng ngon hơn nguội (không dùng lạnh vì bánh sẽ bị lại bột cứng)
MẸO VẶT:
-Bột gạo tẻ có tác dụng dễ tạo hình, giữ cho bánh không bị móp méo và khi ăn bớt ngán nhưng nếu thích dùng chè nguội thì nên dùng toàn bột nếp để khi nguội viên chè vẫn mềm và dẻo
-Có thể thay gừng bằng 1 muỗng cà phê dầu chuối hoặc 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi nhưng phải dùng đường trắng và chỉ cho dầu chuối/nước hoa bưởi vào khi chè đã nguội bớt để giữ được hương thơm.
-Nếu thích nhân mặn thì bỏ vani và đường cho thêm vào nhân 1 muỗng xúp hành phi băm nhỏ + 50g mỡ xắt hạt luộc chín ướp với 1 muỗng xúp đường cho mỡ trong.
-Nếu không ăn ngay thì vớt viên chè ra chén, khi ăn mới chan nước để chè không bị nhão
Ủa, sao vào hình những viên chè "đậm đà" dữ vậy ta?
ĐỌC THÊM:
MÂM CƠM CÚNG ÔNG CÔNG ÔNG TÁO
Không khí Tết nhộn nhịp bắt đầu kể từ ngày "tiễn" Táo quân về chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23 tháng 12 Âm Lịch). Theo tục cổ truyền của người Việt thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ, "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nhà bếp. Vào ngày này, Táo quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay Ông Trời).
Cá chép cúng ông Táo.
Táo quân cũng còn gọi là Táo công là vị thần bảo vệ nơi gia đình mình cư ngụ và thường được thờ ở nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Lễ vật cúng Táo công gồm có: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành.
Những đồ "vàng mã" này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Công.
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!
Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).
Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...v...v) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc..v...v..) để tiễn Táo công.
Sự tích Táo quân bắt nguồn từ Trung Hoa, truyện đã được "Việt Nam hóa" với nhiều tình tiết khác nhau. Tuy nhiên, các câu truyện vẫn nói lên "tình nghĩa yêu thương" giữa một người vợ và hai người chồng cũ và mới. Chính vì những mối ân tình đó mà ba người đều đã quyên sinh vì nhau. Thượng đế thông cảm mối tình sâu nghĩa đậm này đã cho về bếp núc ở gia đình... Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là "Định Phúc táo Quân" nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.
Như Anh - Tạp chí món ngon
Nguồn ảnh: photobucket.com |
Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012
Chè xôi nước
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét