Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Cháo cá giò sống

Có gì ngon, bổ, rẻ và hợp với tiết trời lành lạnh hơn món cháo cá? Và nhất định mình phải nấu món ấy chiều nay vì cô bạn đảm đang vừa cho ít rau đắng nhà  trồng. 

Thích thế những cọng rau đắng non xanh mơn mởn hệt ở góc vườn xưa mà nếu bây giờ ra chợ mình chẳng dám chọn chính vì cái mơn mở ấy hẳn đã cõng ngập hóa chất độc hại. Mươi năm trước thôi, ai tưởng tượng ra được rằng giờ đây những nhánh rau trồng nơi chậu hoa, thùng xốp lại là món quà quý trao nhau? Chỉ một chuyện bé tẻo teo thế cũng đủ biết con người thời hiện đại chắc gì đã sướng hơn thuở nghèo khó!


NGUYÊN LIỆU: (5 người ăn)
170g gạo
1kg cá điêu hồng (nhưng ngon nhất là cá lóc ruộng)
250g  giò sống
1 củ gừng nhỏ, đập dập
1 củ hành tím, đập dập
1 muỗng súp hành phi, bắm nhỏ
1 muỗng súp hành tỏi bằm
300g giá sống
300g rau đắng
1 cái bắp cải thảo nhỏ
500g rau cần nước
Hành ngò, chanh, ớt
Gia vị
2 muỗng súp dầu ăn

CÁCH LÀM:
-Phi thơm hành tỏi bằm với dầu ăn, cho gạo vo sạch vào đảo sơ cho gạo hơi vàng thì cho nước vào nấu cháo. Nếu thích cháo sánh hoặc kiêng dầu mỡ thì bỏ qua bước này.
-Đun nước sôi, cho gừng, hành tím, hạt nêm và cá vào đun cho sôi lại rồi hạ nhỏ lửa chừng 20' cho cá chín. Vớt cá ra đĩa, gỡ thịt thành từng miếng vừa ăn. Xương cá bỏ trở lại nồi hầm lấy nước ngọt. (Nếu có thời gian thì nên hấp để cá được ngọt và dai hơn)
-Rau cải thảo tách lá, xắt miếng vừa ăn
-Rau cần nước, rau đắng cắt khúc 5cm
-Giò sống nêm hành phi và ít hạt nêm, tiêu. Múc vào túi nilon. Cắt 1 góc túi, trước khi ăn 1 tay bóp túi cho giò sống chảy ra qua lỗ vừa cắt, 1 tay cầm đôi đũa kẹp vào túi và vuốt xuống cho giò rơi thành từng viên vào nồi cháo
-Khi cháo chín, gạn nước luộc cá vào sao cho cháo hơi loãng để còn trụng rau. Nêm nếm rồi cho giò sống vào. Khi viên giò sống nổi lên mặt cháo là đã chín, rắc hành ngò và tiêu vào cháo.

THƯỞNG THỨC:
-Múc cháo vào nồi nhỏ đặt lên bàn ăn, đun sôi thì nhúng rau vào.
-Khi rau chín vừa ý thì múc cả cháo + rau vào từng tô, gắp cá lên trên. Dùng nóng kèm nước mắm, chanh, ớt

XEM THÊM:

Ngọt lòng rau đắng


Với người miền Nam, cây rau đắng là thứ rau không thể thiếu khi ăn lẩu cá kèo, hoặc cháo cá lóc thơm ngon. Rau đắng đã trở thành niềm thương nỗi nhớ khi đi vào lời hát bình dị: “Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh”.
Chưa có loại cây nào hiền hòa dễ chịu như rau đắng. Rau rất dễ sống, có thể mọc hoang ở các chỗ đất trống hay mọc bên cạnh các bức tường, hàng rào, mọc lẫn vào cỏ trong vườn cây… Vốn thuộc thân cỏ, rau đắng chia làm hai dòng: rau đắng đất và rau đắng biển. Rau đắng đất thường được dùng trong các bài thuốc nam chữa bệnh. Rau đắng biển thì phổ biến trong các món ăn. Rau đắng sống quanh năm, nhưng ăn rau đắng ngon nhất là vào các ngày mưa.



Đắng như... rau đắng
Rau đắng có vị… đắng như tên của nó, tính mát, tác dụng thanh nhiệt và giải độc. Đặc biệt, giống như nhiều món ăn có vị đắng khác, dư vị để lại chính là cái ngọt hậu, khi vị đắng tan biến hết, sẽ thấy vị ngọt và bổ dưỡng của nó. Thành phần quan trọng nhất của rau đắng là hợp chất saponin, một loại chất có tác dụng dẫn truyền thần kinh và chống oxy hóa cao, do vậy đây là món ăn giúp bổ não, tỉnh táo và ngăn ngừa lão hóa tốt, thích hợp cho người hay bị yếu mệt. Một thành phần nữa rất nhiều trong rau đắng là chất alkaloid, được biết đến với công dụng hạ huyết áp và diệt khuẩn, tiêu độc cho cơ thể. Rau đắng cũng chứa khá nhiều tanin, một loại chất có tác dụng ngăn ngừa ung thư.
Nhiều dưỡng chất
Rau đắng nhiều chất xơ nên rất tốt trong việc ngăn ngừa cholesterol và chất béo trong máu như tryglyceride, tốt cho những người ăn kiêng giảm béo, giảm huyết áp. Đặc biệt, tính mát, vị thanh và thành phần vitamin C cực cao trong rau đắng còn giúp lợi tiểu, chống viêm, giảm hen suyễn, long đờm. Ngoài ra, trong dân gian, rau đắng là bài thuốc mát gan, phòng chống viêm gan hiệu quả. Ít ai biết, trong những nhánh rau đắng nhỏ vươn dài còn có chất ngăn ngừa hình thành sỏi thận và phòng bệnh suy tĩnh mạch chân ở người. Do chứa nhiều chất giúp làm se, kết dính nên rau đắng còn được dùng ăn hoặc giã, vắt lấy nước nhằm làm mát, mau lành vết thương, ngăn ngừa chảy máu ngoài da và bên trong cơ thể.
Ăn rau đắng ngon nhất là tầm tháng 10 - 11 âm lịch. Ai chịu được vị đắng có thể ăn sống, tuy nhiên thường rau đắng được ăn dạng tái. Từ lâu những món ăn của miền sông nước Nam bộ không thể thiếu vị đặc trưng của rau đắng là món cháo cá lóc và lẩu cá kèo.
Ăn sống rất ngon
Xem như loại rau ghém ăn kèm trong “họ” rau sống đặc sắc, rau đắng trộn lẫn với bắp chuối, giá, rau muống bào, xà lách non dùng ăn với món nướng, trộn gỏi, hoặc luộc lên chấm với mắm của các loại cá kho… rất được người Nam bộ yêu thích.
Ngọc Hà



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét