Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Sinh tố đu đủ


Bữa sáng nhà mình thường có món sinh tố, không phải là bày vẽ cầu kỳ mà là một cách để con có chút vitamin vào người chứ tụi nhỏ đi cả ngày chẳng biết ăn trái cây lúc nào.

Trừ chuối, bơ và xoài không lột vỏ trước sợ thâm còn hầu hết trái cây đều được cắt gọt sẵn từ tối, sáng ra chỉ cần đổ vào cối xay là xong, khi các con chưa dùng hết món điểm tâm thì đã có ly sinh tố kề bên rồi. 

Đôi khi uể oải con bỏ dở món điểm tâm nhưng chưa bao giờ bỏ dở ly sinh tố cả. Chẳng cần dài dòng chỉ dạy rồi sẽ đến lúc con hiểu rằng dù chỉ là việc nhỏ nhoi nhưng để có những ly sinh tố ngọt mát đầu ngày ta cần có nhiều yêu thương và khi được sống trong yêu thương ta sẽ luôn nghĩ đến những điều ngọt mát dâng đời.



NGUYÊN LIỆU:
400g đu đủ vàng chín mềm
4 muỗng xúp whipping cream
4 muỗng cà phê đường
200ml sữa tươi không đường

CÁCH LÀM:
-Đu đủ gọt vỏ, bỏ hạt, cắt miếng nhỏ
-Cho đu đủ + whipping cream + đường và ít sữa vào cối sinh tố, khi đu đủ nhuyễn mới cho sữa tươi vào từ từ đến hết (không cho hết sữa vào ngay từ đầu để tránh hỗn hợp lỏng quá đu đủ sẽ bị lợn cợn)
-Tùy ý cho đá bào vào xay chung hoặc đổ đu đủ ra ly rồi mới cho đá bào vào trộn đều.

ĐỌC THÊM:

Đu đủ: rẻ tiền, giàu công dụng


Trái đu đủ chín lẫn xanh đếu có công dụng riêng. Ảnh: Lê Kiên

Trong các vườn gia đình của nước ta, đu đủ là một trong những cây ăn trái được trồng phổ biến. Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm bổ dưỡng, đu đủ từ lâu còn được xem là dược liệu có nhiều công hiệu đáng quý.

Đu đủ có tên khoa học Carica papaya L., thuộc họ đu đủ (Caricaceae). Chúng là cây đa tính: các cây đực có hoa đực và hoa lưỡng tính, cây cái có hoa cái và hoa lưỡng tính. Trái kết từ hoa cái thường tròn, khoảng rỗng trong trái to, thịt mỏng, nhiều hạt. Còn các trái kết từ hoa lưỡng tính thì dài hình quả lê, có khi có những trái dị dạng do số lá noãn không phải là năm như bình thường mà chỉ có 2 hoặc 3, có khi đến 9 – 10 lá noãn hợp lại thành bầu một ô; thịt dày và chứa ít hạt.

Thức ăn bổ dưỡng
Người ta trồng lấy đu đủ chín làm thức ăn bổ dưỡng. Trong 100g ăn được của đu đủ chín có: nước 87,1%; protein 0,5%; lipid 0,1%; đường tổng số 11,8%, các vitamin B1 0,03mg; tương đương vitamin A 710microgram, vitamin C 73mg; vitamin B2 0,05mg, vitamin P 0,4mg; các chất khoáng: calcium 24mg, phosphor 22mg, sắt 0,7mg, natrium 4mg, kalium 221mg. 100g đu đủ cung cấp cho cơ thể 45 calo.

Trái đu đủ khi còn xanh cũng có nhiều công dụng: dùng nấu thịt (nhất là thịt ba rọi) cho chóng nhừ, luộc ăn, dùng muối dưa, làm mứt... Đu đủ xanh sống có tác dụng tiêu mạnh nhưng ăn nhiều thì xót ruột (do đó người đau dạ dày nên kiêng ăn). Lá đu đủ gói thịt trong vài giờ sẽ làm cho thịt mềm nhanh.

Thuốc hay đa dụng
Trái đu đủ chín có vị ngọt, rất bổ, ăn nhiều thì nhuận tràng, giúp tiêu hoá các chất thịt, các chất albumin. Những người táo bón nên ăn nhiều để thông đại tiện; nếu ăn nhiều thịt, trứng và thức ăn nhiều đạm, thì nên ăn đu đủ tráng miệng vừa làm thuốc tiêu thực tốt
.
Người bệnh loét dạ dày, kém ăn, dùng đu đủ xanh nấu chín với thịt gà, ăn cách ngày trong vài tuần. Bị chấn thương bầm giập, dùng ngay trái đu đủ xanh xẻ đôi, đổ vào ly rượu trắng và đặt lên bếp nấu cho chín, đem ra áp lên vết thương, có thể bóp nát rồi băng lên. Để trị giun kim, dùng vài miếng đu đủ buổi sáng sớm, ăn lúc đói, liên tục 3 – 4 ngày. Lá đu đủ nấu nước dùng tẩy sạch vết máu ở vải và các vết loét, vết thương, sát trùng. Rễ đu đủ dùng chữa rắn cắn (rửa sạch nhai nuốt nước, lấy bã đắp). Hoa đu đủ được nấu lên dùng làm thuốc hạ sốt, chữa ho (phối hợp với các vị thuốc khác, hấp đường) và cũng dùng trị giun. Hạt đu đủ ép có thể chiết xuất 25% một loại dầu thực phẩm. Trong y học hiện nay, người ta dùng nhiều nhất là nhựa đu đủ làm khô mà thành phần chính là papain, một hoạt chất có rất nhiều tác dụng (tiêu hoá protid, biến đổi các chất có albumin thành pepton; còn làm dễ tiêu hoá và giải độc...)

GS.TS Võ Văn Chi 
(Chuyên gia cây thuốc Việt Nam; nguyên giảng viên đại học Y dược TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét