Thế là những ngày bận rộn đã qua, cả phòng tụi mình không ai còn phải bơ phờ ôm việc về nhà, không phải tất tả chạy theo tiến độ, không phải bận rộn với những giấy tờ đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối nữa. Công việc vẫn còn nhiều nhưng không căng thẳng, mình có thời gian để kịp nhìn nắng lên, cảm nhận gió thổi và phát hiện ra trong bồn hoa củ gừng đã nẩy lộc. (Mấy củ gừng này rõ là lì lợm, cứ ngủ mãi trong lòng đất làm mình tưởng thối gốc vì mưa nhiều rồi chứ)
Nhìn cây gừng non mới nhú, mình chợt nhớ nhà vẫn còn 1 nắm lá gừng… đông lạnh cứ để dành chưa dám dùng, ngày mai mình sẽ “xử lý” ngay. Chỉ thêm mươi hôm nữa là mình sẽ có mẻ cá kho lá gừng mới và chẳng thèm đầu cơ tích trữ làm gì cho mệt. Mình thích món cá kho lá gừng thế mà giờ mới nghĩ đến chuyện trồng lấy vài cụm gừng, thiệt là dở!
Cá bống trứng kho lá gừng non (ảnh bổ sung ngày 27/07/2011)
Cá thì có nhiều loại phong phú lắm nên cách nấu nướng cũng đa dạng nhưng có lẽ cá đồng kho gừng là món người thành thị ít làm. Định viết bài về món ngon này nhưng khi tìm tài liệu cho phần đọc thêm thì may quá vớ được 1 bài vừa hay vừa chi tiết chẳng cần viết chi thêm nữa. Hãy đọc bài này đi và hẳn ngày mai sẽ có ai đó kho cá với lá gừng… Nhớ cho mình nếm thử với nha!
ĐỌC THÊM:
CÁ ĐỒNG KHO LÁ GỪNG NON
Miền Trung mấy hôm nay trời trở lạnh. Hay thật, ở cái xứ chỉ có nắng, gió và cát này tự nhiên năm nay lại lạnh thế không biết! Xem bản tin dự báo thời tiết, thấy quê mình chỉ là cái chấm nhỏ xíu trên tấm bản đồ hình chữ S. Gió mùa đông bắc đang về!
Chiều! Đi làm ngang qua một nhà hàng, mùi lá gừng thơm lừng, làm cho một kẻ xa quê đang nhớ đến cồn cào cái lạnh ngoài Bắc lại thèm được ăn một bữa cơm với cá kho lá gừng non. Một món ăn đặc sệt chất quê, cả cái lá gừng non kia cũng được hái trong vườn nhà và những con cá đồng béo ngậy được vũ thật kỹ, nhừ cả xương…
Để có một nồi cá kho lá gừng cũng đơn giản lắm. Cá dùng để kho lá gừng chủ yếu là cá mè. Những con cá mè trắng tinh và bụng đầy mỡ được làm sạch, cạo sạch máu cho khử mùi tanh. Sau đó được ướp với nước mắm, muối, hành, tiêu, bột ngọt và một chút dầu ăn. Sau đó, ta chọn những lá gừng non, còn tươi ngay trong vườn nhà, cắt khúc 3 - 4 cm, xếp thành một lớp mỏng để ở đáy nồi. Cá sau khi ướp gia vị được đặt lên trên lá gừng. Cho một chút đường nấu lên thành nước màu và đổ vào xâm xấp con cá. Đun nhỏ lửa cho đến khi sôi khoảng 5 phút, lấy một tấm lá chuối nhỏ đậy lên và vùi vào trong than nóng hay một ít vỏ trấu cho đượm lửa. Khoảng 2h sau, khi nước trong nồi khô hết, bắc nồi cá lên ta được một nồi cá có mùi thơm của lá gừng, mùi nồng nồng của lá chuối, màu vàng vàng của nước màu. Những miếng cá lúc này nhìn bên ngoài rất cứng nhưng bên trong xương rệu ra, ăn không sợ bị hóc xương. Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi thích nhất là được ăn cái bụng cá và tất nhiên nó chỉ được dành cho ông bà (người lớn tuổi) hay đứa con út trong nhà, nên chị cả như tôi chỉ dám nhìn cái bụng cá béo ngậy đó mà... “chảy nước miếng”.
Nồi cá kho lá gừng mẹ nấu bằng bếp rạ, từng đám khói lam chiều bay lên từ những mái nhà. Những bữa ăn gia đình “ tứ đại đồng đường” quây quần bên nồi cơm nghi ngút khói. Miếng cá gắp ra đĩa thơm cả mấy gian nhà, nhưng chẳng ai dám gắp. Ai cũng chờ được bố gắp cho một miếng và miếng cá đó được để dành đó cho đến bát cơm cuối cùng. Nếp nhà tôi là vậy.
Bây giờ cuộc sống ngày càng phát triển, những người có điều kiện đi hàng trăm cây số hay thậm chỉ nửa vòng trái đất về tận quê để ăn những món dân dã. Những nhà hàng với các món ăn quê mùa đang ngày càng ăn nên làm ra bởi ai cũng muốn tìm trong đó một chút ký ức. Phải chăng những hương vị của một thời đói khổ, một thời lam lũ vẫn còn trong máu của mỗi con người và rồi trong mỗi giấc mơ, trong mỗi buổi chiều đông ở một nơi xa xứ, chúng ta thèm đến cồn cào màu khói lam chiều và mùi thơm nồng của nồi cá kho lá gừng – một món ăn dân dã của mẹ ta.
Cá kho lá gừng (ảnh: webtretho.com)
Uyên Thu (Sài gòn tiếp thị)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét