Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Bánh bông lan bơ nhân chocolate

Lần đầu tiên, đến tận bây giờ - gần nửa đêm Giáng sinh cây thông  nhà mình mới xuất hiện dù thực ra việc trang hoàng không quá vất vả, chỉ bởi cả nhà đều quá bận rộn và quan trọng hơn cả là đến chập tối, đồ trang trí mới trở về với khổ chủ sau khi rong chơi thỏa thích với lớp 11CA vui nhộn của Cún.
 
Sau khi trở về, những món đồ này rối nùi những dây rợ lạ hoắc khiến mình đúng là “khổ chủ”
 
Thực ra, muộn quá rồi mình cũng định bỏ qua luôn nhưng dù là dân ngoại đạo, thiếu cây thông xanh lúc lỉu những mòn đồ trang trí nho nhỏ cùng những ánh đèn led nhấp nháy vui mắt vào hôm nay mình thấy trống trải lắm bởi hôm nay không chỉ là lễ Giáng sinh mà còn là sinh nhật Cún, sinh nhật của bạn thân Cún và sinh nhật của 2 người bạn mình .
 
Hình chụp xấu ình nhưng cây thông bất ngờ xuất hiện này đã làm các con rất thích thú khi đi sinh nhật bạn về
 
Cũng vì bận rộn nên mình đã chọn món bánh bông lan bơ nhân chocolate để con mang vào lớp chung vui cùng bạn bè thay cho bánh kem, bánh cake nhân trái cây như đã dự định. Của ít lòng nhiều, có bữa tiệc nhỏ cùng bè bạn, sinh nhật sẽ càng thêm ý nghĩa và mai này những nụ cười hôm nay hẳn sẽ là kỉ niệm đáng yêu khi con nhớ về thời đi học.
 
Giáng sinh đã thật sự đến rồi, chúc mọi người luôn an vui và xin gởi tới con gái yêu cùng bạn bè và những ai có sinh nhật trùng với ngày đặc biệt này một sinh nhật thật thú vị, một tuổi mới tốt lành!
 
BÁNH BÔNG LAN BƠ NHÂN CHOCOLATE (phỏng theo Crazycupcke)
 
 
NGUYÊN LIỆU: 50 bánh nhỏ
220g bơ
220g bộ mì đa dụng
100g đường, xay nhỏ
100g chocolate cắt chocolate thành từng 50 miếng nhỏ 4 trứng lớn
2 muỗng cà phê baking powder
2 ống vani
¼ muỗng cà phê muối
4 muỗng xúp sữa tươi
CÁCH LÀM:
-Bật lò trước 10’ nhiệt độ 170oC
-Nếu dùng vani extract thì trộn với sữa tươi, khuấy đều
-Nếu dùng vani bột thì trộn đều với bột, muối, baking powder
-Bơ để mềm nhưng còn lạnh, đánh cho bơ mịn rồi cho đường vào từ từ và đánh tiếp đến khi bơ nhạt màu
-Cho từng trứng vào đánh đều đến khi hỗn hợp mịn, dẻo
-Rây 1/3 hỗn hợp bột vào và trôn nhẹ tay. Cho sữa vào, trộn tiếp. Cứ thế sao cho lần cuối cùng là bột. Trộn đều nhưng cố gắng càng ít trộn càng tốt để bánh không bị chai
-Múc bột vào túi bắt bông kem lớn, bóp bột vào 1/3 khuôn
-Bỏ một miếng chocolate nhỏ vào giữa khuôn cupcake
-Bóp bột phủ lên miếng chocolate sao cho tất cả đầy chừng 2/3 khuôn
-Nướng 15 cho đến khi bánh vừa vàng, lấy ra khỏi khuôn, để trên giá cho nguội
 
Bánh này dùng nóng lúc chocolate còn mềm sẽ ngon hơn

MẸO VẶT:
-Nếu muốn nhân chocolate mềm và béo hơn thì phải chưng cách thủy 70g chocolate với 30g whipping cream rồi để nguội, bỏ vào bao bắt bông kem nhỏ, gắn đuôi tròn to vừa. Sau khi bóp bột vào 2/3 khuôn thì dùng bao chocolate bóp nhẹ cho lượng chocolate nhỏ nằm giữa khuôn. Cách này cực và tốn công hơn nhưng đảm bảo bánh sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.
-Nếu không dùng nhân, có thể dùng bột trà xanh (bỏ vani để không át mùi trà), chocolate chưng cách thủy hoặc sirô dâu trộn với 1/3 hỗn hợp bánh để tạo vân cho bánh
 
ĐỌC THÊM:
Giáng sinh ở Châu Âu
 
1.  Bàn tiệc giáng sinh Pháp
Là một trong những quốc gia có nền ẩm thực phong phú nhất thế giới, Pháp tự hào với  lễ giáng sinh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến Pháp trong mùa giáng sinh này, bạn sẽ được đón tiếp vô cùng nồng hậu với những món ăn thật tuyệt vời.
 
alt
Nguồn ảnh: listvese
 
Một bữa tiệc giáng sinh của Pháp thường được tổ chức từ đầu buổi ngày hôm trước đến sáng ngày hôm sau. Trong bữa tiệc, mọi người quây quần bên nhau, cùng trò chuyện và thưởng thức các món hàu sống, tôm hùm hay cá hồi hun khói. Đặc biệt, trong bàn tiệc không thể thiếu các món đặc sắc như: ngan ngỗng béo, ngỗng quay, vịt quay, gà tây nhồi nhân hạt dẻ bỏ lò cùng với đó là các loại rượu vang và Champagne . Cuối cùng là các loại bánh ngọt Noel. Đây là loại bánh có nhân kem tươi và phủ ngoài bằng chocolate dày như bánh Pudding, bánh khúc cây…

2.  Bàn tiệc giáng sinh của người Đức
Đối với người Đức, Giáng sinh có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là ngày mừng chúa giáng trần mà còn là dịp để mọi người sum họp bên nhau, cùng say sưa theo những bản nhạc Noel và thưởng thức những món ăn ngon tuyệt. Thông thường người Đức thường ăn kiêng vài tuần trước lễ Giáng sinh, nên bữa tiệc trong đêm Noel sẽ luôn được chuẩn bị rất chu đáo. 
 
alt
Nguồn ảnh: afamily.vn
 
Món ăn chính của quốc gia này là ngỗng quay, thịt chân giò bỏ lò. Ngoài ra còn có xúc xích, salát và mì ống… khoai tây nướng, bắp cải xoăn, cải bắp đỏ. Đặc biệt, bữa tiệc giáng sinh của người Đức không thể thiếu các loại bánh ngọt và kẹo. Đó là những loại bánh quy truyền thống hay bánh hạnh nhân.
 
3. Bàn tiệc của Anh và  Ireland
Là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, giáng sinh ở vương quốc Anh luôn thể hiện rõ bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người nơi đây. Bữa tiệc giáng sinh ở Anh và Ireland thường được tổ chức vào buổi chiều. Trong bữa ăn, gà tây bỏ lò là món không thể thiếu. Món này thường được ăn cùng với khoai tây nướng và rau quả luộc. Ngoài ra còn có món canh đậu và thịt chân giò.
 
alt
Nguồn ảnh: hinhtran.com
 
Một tục lệ hay ở Anh là trò chơi “giật xương gà tây”. Thường sau bữa ăn, hai người sẽ đôi co xương sống gà tây đến khi xương gãy, ai bẻ được phần to hơn sẽ nhận được điều ước đặc biệt. Ở vùng này pudding làm từ hoa quả khô và rượu brandy là món ăn tráng miệng truyền thống. Pudding được chuẩn bị từ trước, nó đặc biệt vì chứa mỡ bò, đường, bánh mì, trứng, vỏ chanh, hồi và mận.

4. Đến Ý thưởng thức tiệc giáng sinh
 
alt
 
Người Ý nổi tiếng thân thiện và mến khách. Giáng sinh ở Ý luôn là sự lựa chọn đầy thú vị cho mọi du khách. Du khách đến đất nước xinh đẹp này không chỉ bởi những phong cảnh nên thơ trữ tình mà còn bởi những món ăn đặc sắc khác. Bạn đã từng đến đất nước hình chiếc ủng trong dịp lễ giáng sinh chưa? Nếu đến đây trong dịp giáng sinh, bạn sẽ được thưởng thức bữa tiệc đầy hương sắc. Đó là bữa tiệc có cá biển, thịt cừu hoặc gà trống tây. Một số gia đình khác lại thưởng thức cả cá bống, thịt rừng, cá thu, tôm, kem hạt dẻ và bánh ngọt nho khô. 
5. Giáng sinh ở ÁoLà một trong những ngày lễ lớn của người Áo, giáng sinh luôn là niềm vui không chỉ cho các cô bé, cậu bé mà ngay cả những người trưởng thành cũng coi đây là khoảng thời gian tuyệt vời để nghỉ ngơi.
 
alt
Nguồn ảnh: blog.cheapoair.com
 
Giáng sinh ở Áo tuyệt vời với cây thông Noel được trang hoàng lộng lẫy, cùng những ánh nến lung linh huyền ảo. Bên bàn tiệc mừng giáng sinh, gia đình cùng bạn bè thân thiết sum họp cùng thưởng thức những món ăn truyền thống như: gà tây nướng, sôcôla…và các món bánh ngọt tráng miệng khác.

6. Giáng sinh ở đất nước có sông Volga
Một đất nước rộng lớn nhất thế giới, một đất nước nằm giữa hai châu lục Á  - Âu với mùa đông lạnh giá. Đất nước đó có một lễ giáng sinh tuyệt vời và ấm áp. Sự ấm ấp đó lan tỏa khắp đất trời xoa tan màn đêm lạnh giá. Và chính bữa tiệc Giáng sinh đã mang đến sự ấm ấp tuyệt vời đó.  
 
alt
Nguồn ảnh: clusterflock.org
 
Một bữa tiệc Giáng sinh ở Nga bắt đầu bằng bữa điểm tâm được tạo bằng nấm, bánh mì thái lát với trứng và sốt majonéza, trứng cá hồi, thịt hun và salát. Salát Nga không thể thiếu dưa chuột muối, thì là và hành muối. Mỗi người tự lấy bữa điểm tâm riêng, phái mạnh phục vụ phái yếu ở bên cạnh mình. Về mặt thức uống đó là vodka, cognac và rượu vang cũng như nước ngọt. Món ăn chính thường là cá.
 
7. Giáng sinh tại Séc
Giáng sinh ở Séc là một ngày lễ được đi kèm với bao món ăn truyền thống, kể cả những thức ăn đặc biệt dành cho thú vật. Một gia đình người Séc gìn giữ tục lệ của ngày trọng đại này không thể thiếu táo, hạt dẻ, hạt đậu, nấm, nhất là cá chép.
 
alt
Nguồn ảnh: www.dekor.vn
 
Cá chép rán ăn với salát khoai tây, ở Việt Nam thịnh hành dưới cái tên salát Nga là bữa ăn chính. Bên cạnh đó các nhà nông dùng đậu, đây là thứ hạt mang đến sức khỏe, bội thu. Cũng quan trọng không kém là sốt nấm với bánh mình đen, bánh ngọt nhân táo hoặc cà rốt và bánh ngọt Giáng sinh.
Một ít bánh được phát cho cả thú vật như đàn gà, vịt, một ít thì được trồng ở vườn để cây cối lớn nhanh và cho nhiều hoa quả, phần khác thì ném cho lửa và nước để chúng không làm hại con người. Gà trống, trâu đực, vịt đực nhận một củ tỏi thì sẽ mạnh mẽ.

8. Giáng sinh ở Hi Lạp
 Theo truyền thống ngày nghỉ giáng sinh ở Hi Lạp kéo dài 12 ngày. Có nhiều phong tục  cũ liên quan đến “12 ngày của giáng sinh” nhưng cũng có những tập tục mới như cây trang trí Noel và gà tây Giáng sinh. Những ngày này, người dân Hy Lạp ăn tiệc tại các câu lạc bộ, tại bouzoukia, hoặc ở nhà và xem một số chương trình dành cho dịp lễ trên truyền hình. Nhưng vào đúng đêm Noel, tất cả mọi người trong gia đình đều tụ họp lại  cùng quây quần bên bàn tiệc và đón chào một giáng sinh an lành.
 
alt
Nguồn ảnh: sintagespareas.gr
 
Bàn tiệc mừng giáng sinh của người Hi Lạp luôn được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bởi trước đó họ đã có hơn một tháng ăn kiêng. Thông thường, bàn tiệc thường có những món cá, bê nướng hoặc cừu quay. Ngoài ra không thể thiếu các món ăn được chế biến từ thịt heo. Các món ăn này được người Hi Lạp sử dụng vào ngày thứ 2 của lễ giáng sinh. Các món ăn chính là vậy, còn tráng miệng thì thường là các bánh quy Giáng sinh. Đó là loại bánh quy mật ong (melomakarona) thơm ngọt chỉ giành riêng cho ngày lễ Giáng sinh này.

9. Giáng sinh ở Ucraina.
Ucraina là một trong những nước giữ được nhiều nét đặc sắc ẩm thực truyền thống trong lễ giáng sinh. Một truyền thống đặc biệt nữa cũng vẫn còn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay - đó là trên bàn tiệc của lễ Giáng sinh phải có đủ 12 món ăn, tượng trưng cho 12 vị Thánh tông đồ. Đối với người Ucraina, bữa tiệc Giáng sinh còn nhất thiết phải có loại nước nấu từ hoa quả khô pha với mật ong (gọi là "uzvar"), bánh mì mới và những chiếc bánh nướng có đồng xu giấu trong nhân bánh.
 
alt
Nguồn ảnh: cookorama.net
 
Theo quan niệm, ai chọn đúng chiếc bánh có đồng xu, người đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Khi ăn tiệc, người ta không chỉ kể những truyền thuyết về Chúa cứu thế, mà còn hát những bài hát Giáng sinh và ôn lại những gì tốt đẹp nhất trong năm sắp qua. Ngoài những món ăn truyền thống đó thì ngày nay trên bàn tiệc giáng sinh của người Ucraina còn có các món  chính khác như: gà mái tây và sốt kem từ lúa mạch, hạt dẻ.

10. Bữa tiệc trong Giáng sinh ở Đan Mạch
Nằm ở vùng Bắc Âu, Đan Mạch có nền ẩm thực rất phong phú và đa dang. Ẩm thực Đan Mạch mang những đặc trưng chung của các nước vùng Bắc Âu nhưng cũng có sắc thái riêng mang bản sắc của mảnh đất và con người nơi đây. Cùng với các lễ khác như lễ phục sinh, lễ mừng năm mới thì lễ Giáng sinh cũng là lễ lớn của người Đan Mạch
 
alt
Nguồn ảnh: fyraften.nu
 
Trong lễ Giáng sinh của người Đan Mạch, bàn tiệc đêm Noel là một trong những điểm nhấn thể hiện rõ bản sắc ẩm thực truyền thống của dân tộc. Bàn tiệc truyền thống phục vụ cho lễ Giáng sinh bao gồm thịt heo, thịt ngỗng hay thịt vịt quay ăn cùng khoai tây, bắp cải đỏ và nước xốt. Món tráng miệng là bánh pudding gạo, nhân hạnh nhân. Đồ uống trong lễ Giáng sinh là rượu và các loại bia Giáng sinh truyền thống, đặc biệt là bia ủ, loại bia này thường có độ cồn cao.

Trên đấy là những bữa tiệc chào mừng giáng sinh của một số quốc gia tiêu biểu ở Châu Âu. Ngoài các quốc gia này thì bữa tiệc Noel ở các quốc gia khác cũng vô cùng phong phú và đa dạng, mang những sắc thái riêng trong cái chung.

Slovakia:  Nằm Đông Âu. Bữa tiệc Giáng sinh của quốc gia này gồm rau cải, súp thịt hun, bánh ngọt.

Rumani: Là một quốc gia nằm ở đông nam Châu Âu, bữa tiệc mừng giáng sinh của Rumani gồm có sốt kem từa lúa mạch, hoa quả, mật ong và nho khô.

Bungari :vương quốc của hoa hồng, hàng xóm láng giềng của Rumani sẽ vui Noel bằng các món như thịt lợn, đậu, cơm và cải.

Balan: Thuộc vùng Trung Âu. Đến Balan dịp Noel này bạn sẽ được thưởng thức các món gà trống tây nướng và súp thịt.

Bỉ: Nằm ở Tây Âu. Bàn tiệc Giáng sinh của Bỉ sẽ gồm gà mái tây, patê từ gan ngỗng, hàu và cá hồi.

Nauy:  Thuộc Bắc Âu. Giáng sinh của nước này gồm các món gà hoặc lợn quay cùng bánh kem.

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Chúc mừng sinh nhật!

Mình chẳng còn trẻ nữa để háo hức mong chờ sinh nhật nhưng vẫn rộn ràng với những “toan tính” từ… tháng trước của bạn bè.
Không nến hồng, bánh kem, không cả điệu hát Happy birthday, sinh nhật mình vẫn thật vui nhộn và ấm cúng với những nụ cười vui tươi, những lời chúc tốt lành, những món quà bất ngờ, những cái bắt tay nồng nhiệt và những bó hoa tươi thắm. À suýt quên, còn có cả cái ôm trộm hồi chót của hotboy nữa chứ!
Cảm ơn gia đình ngày càng thân thương, cảm ơn bạn bè đã đến chung vui, cảm ơn bạn bè nơi xa còn nhớ tới, cảm ơn những nụ cười và ánh mắt ngọt ngào hôm nay đã cho mình vững tin rằng mọi buồn phiền sẽ mãi đọng lại nơi tuổi cũ để cuộc đời mình qua một trang mới nhiều niềm vui.
Chúc mừng sinh nhật! Mong một tuổi mới tốt lành!


Có người tay đẹp, lúc liên hoan cứ nhất định khoe. Đố biết ai?
Nào, mở quà đi:



Chả bắp nóng hổi đây!

Quà từ Trà vinh nè

Quà cho chính mình
Lemon grater.jpg

Quà từ phương xa: đồ mài vỏ chanh
(ảnh bổ sung ngày 09/12/11)

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Quà sớm

Hi hi, chưa tới sinh nhật mà mình đã nhận được quà rồi nghen. Nó nè:


Biết không, sáng nay chị Thanh ùa vào phòng với 2 chiếc giỏ xách để mình chọn làm mình bất ngờ và cảm động hết sức. Thật thú vị khi nhận được món quà ưng ý từ người mình quý mến.
Giỏ xách là người bạn thân thiết của dân văn phòng. Với một đứa hay quên như mình thì giỏ xách lại càng không thể thiếu và không thể… nhỏ thế nên chiếc giỏ này mình hết sức vừa ý: hoa văn thanh nhã, độ cứng vừa phải, không quá to và có nhiều ngăn. Chị cứ cảnh báo chiếc giỏ này “già” nhưng lo gì, thế thì càng tốt mình sẽ dùng nó tới lúc… về hưu luôn thể, không phải mất công sắm sửa nữa!
Phải chi một năm có vài lần sinh nhật nhỉ?

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Bánh bông lan cam

Chẳng khác chi cánh đàn ông chỉ cần tụ họp bên ly rượu ít phút là vỗ vai bá cổ nhau hò vang “Zô Zô” như thân thiết từ thưở nào, các nàng mê làm bánh gặp nhau thì sẽ nhanh chóng kết bạn chia sẻ đam mê. 
 
Nhờ thích bếp núc, mình có thêm nhiều bạn mới và học hỏi được bao điều mới lạ. Mình không chỉ biết thêm các công thức bánh ngon, thủ thuật hay, nơi bán đồ tốt mà còn thấy những người bạn ấy thật đáng yêu: người thì đằm thắm, người thì hóm hỉnh, người thì hết sức nhiệt tình, người thì dịu dàng lễ phép, người thì đa tài… Có phải những phụ nữ chăm chỉ vào bếp đều dễ thương cả?
 
Hẹn với QuỳnhTrang và Kiều Hân – hai cô bạn mới là sẽ up bài Chiffon nhưng chưa đi mua được khuôn Chiffon nên lần lữa mãi chưa đăng bài. Bạn chẳng hối (trên mạng thiếu gì công thức nhỉ) nhưng mến bạn và đã hứa rồi nên mình định đăng công thức trước up hình sau (công thức này mình đã làm 2 lần bằng khuôn thường rồi, bánh vẫn mềm và ngon nhưng chưa đẹp và xốp bằng khi làm bằng khuôn lõi giữa) may sao lò mò tìm được blog của chị Châu – chủ tiệm khuôn bánh Ngọc Thư
 
Vậy mời Trang và Kiều Hân ghé qua blog ấy nhé, chị Châu giỏi lắm và có dạy làm bánh miễn phí vào cuối tuần đó (chỉ mỗi tội đồ xịn nên giá mắc quá, hic!) Chúc 2 bạn thành công và luôn vui, khỏe!
 
Mã hàng 1050
Khuôn lõi giữa (ảnh khuonbanh.com)
 
BÁNH BÔNG LAN CAM - ORANGE CHIFFON  CAKE:
NGUYÊN LIỆU: 1 ổ 25cm
7 trứng gà (khoảng 440g – 450g)
250g bột mì đa dụng
250g đường (chia thành 100g và 150g)
½ muỗng café muối
3 muỗng café bột nổi (baking powder)
110g dầu ăn
120g nước cam
60g nước
1 muỗng café vanilla extract
1 muỗng canh vỏ cam mài nhuyễn (cam vàng)
¼ muỗng café cream of tartar
CÁCH LÀM:
-Tách lòng trắng trứng vào thau sạch và lòng đỏ trứng vào chén
-Rây chung bột mì + 100g đường + muối + bột nổi vào một cái thau riêng
-Đẩy hỗn hợp bột ra chung quanh tạo thành hố ở giữa
-Cho vào thau bột trên: lòng đỏ trứng + dầu ăn + nước cam + nước + vani + vỏ cam
-Đánh hỗn hợp lòng đỏ từ số nhỏ tăng dần lên số lớn khoảng 2 phút, tắt máy
-Rửa sạch que đánh, lau khô
-Cho cream of tartar vào thau lòng trắng
-Đánh lòng trắng, bắt đầu từ số 1, tăng dần dần lên số lớn, cho 150g đường còn lại vào từ từ, tiếp tục đánh cho đến khi hỗn hợp lòng trắng nổi đặc (không nên nổi cứng như khi làm kem bơ, khoảng 7 phút), tắt máy
-Cho hỗn hợp lòng đỏ vào thau lòng trắng, dùng balloon whisk trộn thật nhẹ cho đến khi hỗn hợp quyện đều và đẹp
-Cho bột bánh vào khuôn (khuôn đã lau sạch hết chất béo, không thoa khuôn), dùng cây vét cắt bột vài lần cho thoát bọt khí, nướng ngăn dưới cùng, 165oC từ 45’ đến 55’ tùy khuôn lớn nhỏ
-Bánh chín, mang ra khỏi lò, lật ngược ngay lại lên 2 cái chén hoặc trên một cái chai (nếu dùng khuôn lõi giữa)
-Lấy bánh ra khỏi khuôn: Bánh nguội hẳn, dùng dao nhỏ chạy một đường quanh thành bánh thật nhẹ, nhấc bánh lên, dùng dao nhỏ hoặc cây nhấc bánh tách đáy bánh ra khỏi khuôn, lật ngược bánh lại vào khay hoặc dĩa.

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Hạnh phúc

Hạnh phúc là một quyết định. Khi quyết định hạnh phúc, bạn sẽ hạnh phúc.
(?)

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Bánh đa cua


Bánh đa cua là món cả nhà mình đều thích, nhất là mình vì thường món này sẽ được cô con gái lớn xung phong đảm nhận và nấu ngon như đầu bếp chính hiệu vậy.

Thực ra bạn nấu bánh đa cua kiểu… lai bún riêu. Có người còn nấu bánh đa cua với mọc, mực và thịt thăn heo xắt lát nữa nhưng chị bạn chính gốc dân đất cảng bảo rằng đúng điệu thì bánh đa cua Hải phòng không có đậu hũ và huyết mà có miếng chả lá lốt. Để hôm nào nấu thử kiểu ấy xem sao nha.


Ngày xưa, 16 tuổi mình đâu có biết nấu nướng như Cún
BÁNH ĐA CUA

NGUYÊN LIỆU: 12 tô
500g cua xay
1 muỗng xúp mắm tôm
1 cà phê hạt điều dầu
50g hành tím, bào mỏng
200g huyết chín
200g da heo
200g mỡ khổ
4 miếng đậu hũ
½ chén hành lá + ngò gai + ngò rí xắt nhỏ
1 bó rau nhút to
1/2kg rau muống
2 trái cà chua, xắt múi cau
500g bánh đa đỏ
4 lít nước lạnh
200g chả lụa, xắt miếng mỏng
Chanh, ớt, mắm tôm ăn kèm
Hạt nêm, muối, đường

CÁCH LÀM:
-Da heo: rửa sạch, chần nước sôi rồi lóc bỏ mỡ, xắt miếng hình chữ nhật cỡ 3x4cm
-Huyết chín: xắt miếng hình chữ nhật cỡ ngón tay cái
-Mỡ khổ xắt hạt lựu 1cm, chiên vàng, vớt tóp ra để riêng
-Phi hành tím với mỡ nước. Khi hành hơi vàng, tắt bếp vớt hành ra chén và múc bỏ bớt mỡ chỉ chừa lại chừng 2 muỗng xúp. Cho hạt điều dầu vào và chờ chừng 2’ cho hạt điều ra hết màu thì vớt bỏ hạt. Mở bếp trở lại, cho hành phi và gạch cua đã rửa sạch, để ráo vào xào sơ cho gạch thơm.
-Đậu hũ cắt miếng vuông 2cm, chiên vàng, để ráo dầu
-Chả lụa xắt miếng mỏng 0.5cm thành từng miếng hình bán nguyệt hoặc mỗi khoanh xắt làm 4-6 miếng tùy ý
-Bánh đa ngâm nước chừng 15’ cho mềm, cắt khúc vừa ăn. Trụng riêng từng tô cùng với rau hoặc trụng nước sôi, xả nước lạnh, vẩy thật ráo rồi trộn với 1 muỗng xúp mỡ hành phi, khi ăn xếp vào tô
-Rau nhút nhặt cọng ngon, rau muống xắt khúc dài 10cm, trụng từng tô hay trụng nước sôi rồi xả nước lạnh, vẩy ráo, khi ăn xếp vào tô.
-Cua lược kỹ nhiều lần với 4 lít nước, cho thêm mắm tôm rồi bắc lên bếp vừa khuấy vừa đun lửa to đến khi nước nóng và bắt đều đóng riêu mới thôi khuấy. Chờ nước sôi, vớt riêu cua ra tô. Cho gạch cua và cà chua vào. Nêm nếm vừa ăn
-Khi ăn: xếp bánh đa vào tô cùng với rau muống, rau nhút, huyết, chả, đậu hũ, rải hành ngò, tóp mỡ rồi chan nước riêu cua thật nóng. Ăn kèm mắm tôm, chanh, ớt 

MẸO VẶT:
-Nếu có rạm dùng thay cua thì nước riêu sẽ thơm, ngon và đặc hơn

ĐỌC THÊM:
BÁNH ĐA CUA HẢI PHÒNG

Từ cua, những người phụ nữ đảm đang đã chế biến ra biết bao nhiêu là món ăn: cua rang muối, cua sốt me, bún riêu cua, bánh đa cua… nhưng món bánh đa cua vẫn được nhiều người ưu ái hơn, nhất là vào dịp hè bởi vị thanh mát, ngọt lành của nó.
Bánh đa cua ăn mùa nào cũng hợp. Mùa hè, bánh đa cua khéo léo gọi mời thực khách bằng màu xanh mát mắt của rau muống đầm xanh và giòn, còn mùa đông là vị ấm áp của cua đồng béo ngậy. 

Nguyên liệu chế biến bánh đa cua không có gì là cao sang, đắt đỏ, chỉ những sản phẩm của vùng quê như cua đồng, lá lốt, rau muống… nhưng chính từ những nguyên liệu có từ đất, có từ đồng ruộng ấy qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các bà, các chị đã trở thành đặc sản. Một bát bánh đa cua ngon, hấp dẫn phải hội tụ đủ năm màu: màu gạch cua nâu hồng, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của lá lốt, rau muống, hành lá, chanh; màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng rộm của hành khô. Chính cái màu sắc bắt mắt kết hợp với hương vị thơm ngon, béo ngậy ấy đã níu chân thực khách dù chỉ một lần được thưởng thức. 

Cái làm cho bánh đa cua đặc biệt lại chẳng phải rau muống, chả lá lốt, vị cua đồng hay hành phi - những thứ đâu đâu cũng có, mà lại chính là thứ bánh đa đỏ, đặc sản của Hải Phòng. Bánh đa có màu nâu sậm, là loại bánh được tráng khá kỳ công, sợi bánh mỏng tang, mềm và dai, có vị giòn và đậm, muốn ngon phải ngâm vào nước lã, rồi chần qua. Thứ bánh này được người làng Dư, Hàng Kênh một ngôi làng nhỏ cách trung tâm thành phố không xa - nơi cung cấp bánh cho toàn Hải Phòng và đi các nơi khác của cả nước sản xuất. Làm bánh này phải nắm rất rõ và giữ bí quyết từ khâu ngâm gạo, chế nước khi xay, pha bột và điều chỉnh lửa lò lúc tráng bánh… để đảm bảo những mẻ bánh ra lò vừa ngon, vừa giòn, vừa dai, vừa quánh.

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Chả trứng hấp

CHẢ TRỨNG
(Theo đầu bếp Trần Văn Giảng – Tạp chí Món ngon Việt nam)
NGUYÊN LIỆU: (1 khuôn tròn 22cm)
Chả trứng:
250g nạc xay
4 trứng vịt
2 lọn bún tàu, ngâm nước lạnh, xắt khúc ngắn 1cm
½ củ sắn
1 muỗng súp hành tím bằm
3 tai nấm mèo to, ngâm nước lạnh, xắt sợi nhỏ
2 muỗng cà phê hạt nêm
½ muỗng cà phê muối
¼ ,uỗng cà phê tiêu
¾ muỗng cà phê đường
1 muỗng cà phê dầu điều
1 nắm tôm khô nước, bằm nhuyễn (nếu thích)
1muỗng cà phê dầu ăn phết khuôn
Nước mắm:
150g đường
200g nước mắm
40g dấm Lisa hoặc nước chanh
½ muỗng cà phê bột ngọt
CÁCH LÀM:
-Củ sắn xắt hạt lựu thật nhỏ, vắt bỏ bớt chừng 2 muỗng xúp nước
-Trứng: tách riêng 2 lòng đỏ, phần còn lại đánh đều
-Cho tất cả mọi nguyên liệu vào 1 cái thố, trộn đều.
-Lót khuôn bằng giấy nến, phết dầu quanh thành khuôn. Cho hỗn hợp thịt vào khuôn, dùng phới dẹp dàn cho thịt dẽ và bằng mặt. Cho vào xửng nước sôi, hấp 25’ tr6en lửa vừa. Khi hấp được 15’ nhớ giở nắp nồi để nước trên nắp không rỏ làm rỗ mặt chả.
-Chả chin lấy ra đổ bỏ nước (nếu có), ém bằng mặt (nếu bị phồng)
-Trộn lòng đỏ trứng và dầu điều, phết đều lên mặt khuôn chả, hấp tiếp chừng 5’ cho lòng đỏ chín.
-Mở lò (lửa trên) 200oC trước chừng 10’. Cho khuôn chả vào chừng 8’ cho mặt chả se lại, chả sẽ đẹp chắc hơn.
-Để thật nguội mới lấy chả ra, cắt miếng. Dùng kèm nước mắm chua ngọt

Vội cắt khi còn nóng, sớ chả sẽ không mịn giống vầy nè
Nấu nước mắm:
-Cho tất cả nguyên liệu trừ bột ngọt (nếu dùng dấm) vào nồi, đun sôi rồi hạ lửa liu riu cho nước mắm sánh (nhưng không mặn). Trước khi tắt bếp cho bột ngọt và nước cốt chanh.
-Chờ nước mắm thật nguội cho ớt bằm
ĐỌC THÊM:

5 sai lầm nghiêm trọng khi ăn trứng

Trứng là món ăn phổ biến trong danh sách chế độ ăn uống của mỗi người. Nhưng ăn trứng tốt tới đâu và cần tránh những gì thì mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Trong trứng có chứa nhiều canxi, sắt, phốt pho và vitamin, đặc biệt là lượng vitamin B rất phong phú. Ngoài ra, tỷ lệ acid amin và protein trong trứng cũng rất tốt cho nhu cầu sinh lý của con người và giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ chế độ ăn uống giàu giá trị dinh dưỡng.

Mặc dù có giá trị dinh dưỡng cao nhưng hầu hết chúng ta khi ăn trứng đều mắc phải 5 sai lầm lớn như sau:
1. Dù chế biến kiểu gì món trứng cũng có giá trị dinh dưỡng như nhau
Các cách chế biến trứng rất đa dạng: hấp, chiên, luộc... và với mỗi cách giá trị dinh dưỡng còn lại của trứng cũng khác nhau. Trứng luộc, hấp là coi là tốt nhất vì giữ nguyên 100% giá trinh dinh dưỡng, trứng chiên còn lại 97-98%, trứng kho còn lại 92,5%, trứng chiên kĩ còn lại 81,1% và trứng sống chỉ có 30% ~ 50%
2. Trứng có vỏ sậm màu thì có giá trị dinh dưỡng cao hơn
Mối quan hệ giữa màu sắc vỏ trứng và giá trị dinh dưỡng của trứng đã được chứng minh là ít có liên quan với nhau. Giá trị dinh dưỡng của trứng cao hay thấp phụ thuộc chủ yếu vào cấu trúc dinh dưỡng của loại thức ăn cho gà. Các kết luận rút ra chỉ có thể là, vỏ trứng rõ ràng và có vẻ dày cho thấy hàm lượng protein cao hơn, chất lượng của các protein tốt hơn. Trong những trường hợp bình thường, lòng đỏ trứng hơi tối hơn thì tức là trứng có dinh dưỡng tốt.
3. Ăn trứng với sữa và sữa đậu nành
 Trong sữa đậu nành có chứa protein thực vật, chất béo, carbohydrate, chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin, khoáng chất… có tác dụng bổ dưỡng rất tốt. Sữa đậu nành còn chứa chất ức chế trypsin, có thể ức chế hoạt động của con người, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ protein trong cơ thể người.
 Nếu ăn trứng cùng với uống sữa đậu nành thì protein trong trứng có thể kết hợp với trypsin trong sữa đậu nành làm cho quá trình phân hủy protein bị cản trở và làm giảm tỷ lệ hấp thụ protein trong cơ thể.
4. Trứng đun càng lâu càng tốt
Trứng đun quá lâu thì lòng đỏ trứng và protein của các ion sắt sẽ kết hợp tạo ra ion lưu huỳnh không hòa tan của các sunfua sắt khiến cơ thể rất khó hấp thụ. Trứng chiên quá kĩ có thể khiến các axit amin protein chuyển thành các chất hóa học, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người.
Nếu luộc trứng thì tốt nhất nên luộc trong nước lạnh, đun sôi trong khoảng 3 phút. Trứng lòng đào một chút sẽ giữ được chất dinh dưỡng tốt và dễ hấp thụ cho cơ thể nhất.
5. Trứng sống chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn trứng chín
Trong thực tế, ăn trứng sống dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn và không có nhiều chất dinh dưỡng như chúng ta vẫn tưởng. Một số bất lợi khi ăn trứng sống:
- Khó tiêu hóa, lãng phí chất dinh dưỡng: Sự hấp thụ và tiêu hóa protein trong trứng thường được thực hiện trong ruột non. Trong lòng trắng trứng sống có một chất kháng trypsin, sẽ cản trở sự tiêu hóa và hấp thụ của protein.
- Suy nhược cơ thể: Trứng sống có chứa protein avidin có ảnh hưởng đến sự hấp thu biotin trong thực phẩm khiến cơ thể dễ chán ăn, suy nhược, đau cơ, viêm da.
- Cấu trúc protein của trứng sống đa số rất dày và cứng, cơ thể không thể được hấp thụ được, chỉ có protein nấu chín sẽ trở nên mềm mại, có lợi cho tiêu hóa và hấp thụ của con người.
- Khoảng 10% số trứng tươi có chứa khuẩn salmonella gây bệnh nấm, ký sinh trùng. Nếu trứng không mới, nguy cơ chứa khuẩn còn cao hơn.
- Ngoài ra, trứng sống còn có một mùi đặc biệt, cũng có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương, nước bọt, dịch vị và bài tiết nước ruột của dịch tiêu hóa giảm, dẫn đến chán ăn, khó tiêu.
Lưu ý:
- Trứng phải được nấu chín trước ăn
- Khi chế biến cũng cần cẩn trọng, tránh vi khuẩn gây ô nhiễm trú ngụ trên vỏ trứng
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người già, người bệnh nên ăn trứng luộc, kho, hấp, và là tốt nhất.
- Những người bị bệnh tim mạch vành không nên quá nhiều trứng, ngày không quá một quả.