Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Cơm rượu vuông cho người lười

Đặt chén cơm rượu lên bàn thờ gia tiên mình nghĩ đến câu tình ta men rượu nồng mà chịu chết chẳng nhớ nổi nó nằm trong bài thơ nào, của ai. Chẳng là năm nay sinh nhật chàng trùng với tết Đoan ngọ mà. 

Cái ngọt ngào của sinh nhật quện cùng sự rộn ràng ngày tết mang đến một phong vị thật khác lạ. Cám ơn bạn bè gần xa vẫn nhớ tới, cám ơn các đồng nghiệp đã nhiệt tình chuẩn bị một buổi tiệc trà ấm cúng giữa chiều mưa, cám ơn các con đã chọn một món quà ý nghĩa. Mở đầu một tuổi mới bằng những niềm vui, hẳn người đàn ông dễ thương nhất trên đời này sẽ luôn hạnh phúc!


Chúc mừng sinh nhật nhé người yêu và mong rằng tình ta sẽ luôn thơm nồng như chén cơm rượu ta trao nhau sớm nay!




NGUYÊN LIỆU:
1kg gạo nếp
Men ngọt: mỗi hàng men sẽ có công thức khác nhau nên khi mua men ta nói số lượng và loại nếp người bán sẽ đưa đủ dùng.
1/2 muỗng cà phê muối 
100g - 120g đường + 500ml nước để pha nước đường dùng thêm nếu thích 

CÁCH LÀM
-Men: bỏ vào cối chà thiệt mịn
-Gạo vo sạch, ngâm nước ít nhất 4 tiếng hoặc qua đêm. Vo lại và xả  sạch nước ngâm rồi đổ ra rổ cho gạo ráo nước
-Bắc nước sôi, lượng nước nên đầy 2/3 nồi để có nhiều hơi nước.
-Cho gạo vào xửng, soi 2 lỗ dưới đáy xửng để hơi nước có chỗ bốc hơi lên làm xôi chín đều và nhanh
-Hấp xôi 20, xới đều, rảy nước rồi lại soi lỗ hấp thêm 10’ nữa rồi lại xới đều, rảy nước và hấp thêm 10' nữa sao cho xôi hơi mềm.
-Dỡ xôi ra mâm, tải mỏng, chờ đến khi xôi chỉ còn hơi ấm mới rắc men vào từ từ và đảo đều
-Lót giấy nến vào khuôn bánh, múc xôi vào, ém chặt rồi nhấc xôi ra. Nhớ chừa 2 đầu giấy nến dài để dễ nhấc xôi ra khỏi khuôn. 
-Để vỉ vào khuôn, xé lá chuối đặt lên trên (Nếu không có lá chuối thì cắt bịch nilon hoặc giấy nến dùng tạm để che bới khe hở của vỉ) 
-Nhẹ nhàng úp xôi nằm ngay ngắn trên mặt lá chuối. Gỡ bỏ giấy nến
-Bọc thật kín khay xôi bằng  một túi niolon sạch, cột chặt. Bên ngoài quấn thêm cái mền và một lớp nilon để ủ
-Nếu men tốt, sau 3 ngày cơm rượu rất thơm và vừa ăn, dùng dao sắc nhẹ tay cắt cơm rượu thành từng miếng vuông 1,5-2cm (đừng cắt to hơn sẽ dễ bị bể nát). Cất cơm rượu vào tủ lạnh để làm chậm quá trình lên men tránh cơm rượu bị cay.
-Nếu thích ăn nhiều nước hoặc muốn giảm bớt độ nồng thì pha nước đường vào ăn cùng.
-Cơm rượu này dùng ăn không hoặc ăn kèm xôi vò, ngon hơn khi để lạnh.

MẸO VẶT:
-Cách làm này tiết kiệm được thời gian vo viên nhưng nếu muốn cơm rượu có hình tròn truyền thống thì không nấu nếp với muối mà dùng 1 muỗng cà phê muối hòa với 1 chén nước chín để nguội dùng xoa tay sau khi đã rắc men vào xôi.

XEM THÊM:

CỖ GIẾT SÂU BỌ
Băng Sơn

Đoan Ngọ hay Đoạn Ngũ hoặc Đoan Dương cũng là nó, là cái tết nhỏ, mùng năm tháng năm âm lịch. Tết Thanh Minh là tiết trời trong sáng đã qua từ lâu. Bây giờ là lúc nói như Nguyễn Du: "Thưa hồng rậm lục", nghĩa là mùa xuân tràn ngập hoa nở,lá mọi loại cây đã xanh rì, xanh biếc và cũng là lúc mùa hè đã hoàn toàn chế ngự thiên nhiên, lúc các loài hoa quả đua nhau chín rộ trong một thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều.

Nắng bắt đầu gay gắt, đất trời đỏng đảnh có lúc đang mưa chợt nắng, đang nắng đổ mưa nên dân gian có câu: "Vừa mưa vừa nắng, trâu trắng chết toi, làng dòi mổ lợn, khỏe như con trâu trắng còn chết và đàn dòi ăn xác con lợn toi. Thời tiết khá độc, con người nhất là trẻ em dễ bị ốm nếu không biết giữ gìn. Vì vậy mà ở các chợ quê có nhiều người bán các lọai chỉ ngũ sắc có kèm theo cái túi nhỏ đựng ít chu sa để trừ khí độc và cái bùa nào cũng có nhiều tua chỉ cho đẹp nên gọi là bùa tua, bừa túi...

Tết Đoan Ngọ có một bữa tiệc linh đình ăn vào sáng sớm. Trẻ nhỏ dậy sớm, ra sông tắm mát rồi rủ nhau ra cánh đồng, tìm đến các ruộng vừng, nghiêng từng bông hoa, hứng lấy sương đêm đọng lại, tra vào mắt, tin rằng mắt sáng láng không bị đau rồi về nhà ăn cỗ.

Đó là bữa tiệc giết sâu bọ hay triết sâu bọ. Bữa cỗ chỉ toàn quả tươi kèm theo ít rượu nếp thơm ngát cho ngây ngất lâng lâng.

Những quả đào miền núi xuôi về, da còn phủ mượt lông tơ, quả nào cũng có mảng đỏ hồng như má cô gái Mông e thẹn. Những quả tím thâm mà ngọt lừ, sau làn vỏ tím ấy là bí mật ngàn năm, ruột vàng mọng nước, cùng với mận Lạng Sơn quả nhỏ mà da màu vàng tươi, tròn như những viên sỏi trong lòng suối vớt lên khuya đêm qua, ăn no mà không chán, cũng không sôi bụng. Mùa này chuối tiêu đã hết, nếu có cũng là thứ chuối chín ép, ruột đã nhũn gọi là chuối bánh âm, chua nhiều hơn ngọt, vì thế mà trong cỗ giết sâu bọ người ta dùng chuối tây, quả mập mạp như bắp tay con trẻ, quả nào cũng như vừa được đánh phấn, ngọt lừ. Dưa hấu đỏ tươi bổ ra chưa ăn đã thấy mát lòng, cát lấp lánh, những hạt dưa màu đen ẩn mình mập mờ trong màu đỏ mọng ấy khiến cái lưỡi thấy thèm áp vào đấy cho thỏa cơn thèm.

Dứa, một quả to, bổ ra trong suốt như toàn mật, cắt ngang thành những chiếc bánh xe răng, bổ dọc thành những thỏi vàng mười lấp lánh, cắn vào miếng dứa mật cứ ứa ra. Cũng có quả dứa còn nguyên cái hoa xanh như cái vương miện nàng công chúa, dứa này xưa gọi là dứa tây, thơm hơn dứa mật và ăn không rát lưỡi. Từng chùm vải vỏ đỏ hồng xen lẫn màu xanh nhạt, bên trong là những viên bạch ngọc mờ ảo, cùi dầy cắn ngập răng, cái hạt nhỏ tí chỉ bằng hạt đỗ đen. Những quả dưa hồng vỏ vàng thẫm một màu nắng mới, nó nhạt nhưng ăn lẫn với kẹo bột thì thành món ngon tuyệt trần.

Bữa cỗ giết sâu bọ ấy có cả nhà quây quần, ai có sức bao nhiêu thả sức ăn bấy nhiêu vì ăn để giết chết hết lòai sâu bọ trong ruột người ta, ăn càng nhiều càng tốt. Toàn là quả chín, những quả đầu mùa, đã chín, đã ngọt, đã ngon, không hiểu các loài sâu bọ có chết không, không biết nhưng trẻ thơ được hưởng một bữa cỗ ngay khi mở đầu một mùa hè óng ả là điều thú vị, đã trở thành một phong tục lâu đời của dân ta, dù sau này là ai, làm gì cũng nhớ đến bữa cỗ giết sâu bọ ấy, cùng những gương mặt thân yêu của những người thân trong gia đình mình một thời đã lăng lắc xa xôi.

Ngày nay khoa học phát triển phân tích ăn nhiều quả một lúc không có lợi cho sức khỏe. vả lải các nhà khoa học đã nhân giống nhiều loại quả quý có quanh năm, không chỉ cứ đầu mùa hè mới có nên tết Đoan Ngọ có chiều mờ nhạt dần.

Các em bé cũng không còn đeo bùa tua, bùa túi nữa. các thôn nữ cũng không đi lấy lá móng để nhuộm đỏ móng chân móng tay vì đã có nhiều lọai sơn mỹ phẩm đủ các màu cũng khá đẹp.

Tết Đoan Ngọ đến theo thời tiết, nó chỉ còn trong ký ức nhiều hơn là thực tế.

Theo: Ẩm thực Thăng Long Hà Nội (Nhà xuất bản phụ nữ - 2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét