Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Cơm chiên cá mặn

Ảnh hưởng bão, trời xám xịt và sũng nước cho ai kia có lý do chính đáng để nghỉ chơi mấy bà bạn hàng ngoài chợ 1 bữa, thong thả ăn sáng và nhâm nhi  tách trà nóng cùng chàng, diện chiếc áo sơ mi hoa dài tay đã ngủ ngoan lâu lắm nơi góc tủ, và có dịp hiếm hoi thả cho tóc tự do chơi đùa với gió khoe những lọn loăn xoăn điệu đà… để ai kia như đằm thắm hơn, duyên dáng hơn! Đâu phải ngày mây xám nào cũng đáng chán khi ta bỗng có một nhịp sống khác lạ thật chậm rãi, thú vị. Chúc một ngày mới tốt lành!

Mưa mỗi lúc thêm nặng hạt, con khô sặt rằn không thể trốn mãi trong tủ lạnh đâu nha, cùng với chút rau củ sót lại từ hôm trước hãy hóa thành món cơm chiên cá mặn thật hợp với ngày mưa gió se lạnh này !

Cơm chiên cá mặn.jpg

NGUYÊN LIỆU:
4 chén cơm nguội, nấu khô
1 con cá khô sặt rằn vừa
1 củ hành tây nhỏ, xắt hột lựu 0,5cm
1 củ cà rốt nhỏ, xắt hạt lựu 0,5 cm
1/2 trái ớt xanh xắt hạt lựu 0,5cm/50g đậu petit pois/1 nắm đậu que, xắt khúc 0,5cm
1 nắm hành lá (phần lá xanh), xắt nhỏ
½ muỗng cà phê tiêu
1 muỗng cà phê đường
½ muỗng cà phê hạt nêm
1 muỗng xúp hành tỏi bằm nhỏ
2 muỗng súp dầu ăn
Nước tương và ớt xắt lát ăn kèm

CÁCH LÀM:
-Cá quay trong lò viba mức trung bình chừng 1'30'' hoặc ngâm nước 10’ cho mềm, gỡ bỏ đầu và xương. Phần thịt và da còn lại xắt thật nhỏ để cá dễ quyện với cơm và mặn đều
-Luộc đậu petit pois và đậu que với chút muối cho vừa mềm, xả nước lạnh cho đậu giữ màu xanh, để ráo
-Luộc cà rốt với chút muối cho vừa mềm, để ráo
-Dùng bao tay nilon thấm nước, bóp nhẹ cho cơm rời từng hạt
-Bắc chảo nóng, cho 1 muỗng xúp dầu vào xào hành tây cho thơm rồi cho cá mặn vào xào thơm
-Bắc 1 chảo khác, phi thơm hành tỏi với 1 muỗng xúp dầu còn lại (phi hành tỏi thơm chứ không phi vàng sẽ làm hành tỏi khét khi chiên cơm). Cho cơm vào đảo đều cho săn mới cho cá vào, đảo đều cho cơm thấm vị mặn của cá thì cho cà rốt và đậu vào. Nêm gia vị cho vừa ăn, cho hành lá vào đảo đều rồi tắt bếp.
-Dùng nóng với nước tương và ớt xắt lát

MẸO VẶT:
-Cà rốt và đậu nên luộc riêng để đậu giữ được màu xanh đẹp

ĐỌC THÊM:


Vị mặn mà của khô cá bổi U Minh


Tây Nam Bộ được xem là Vương quốc của các loài cá nước ngọt. Vì thế mà khi đến mảnh đất U Minh, du khách đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức khô cá bổi nhé!

Cá bổi là loài cá quen thuộc của miền Tây sông nước, nhưng phải đến vùng U Minh thì cá bổi mới nức danh hơn cả. Bởi U Minh là vùng đất phần lớn còn chìm ngập dưới mặt nước, lại được che phủ bởi rừng tràm trầm thủy, là môi trường lý tưởng cho phù du và rong tảo sinh sôi. Cá bổi lại rất “khoái khẩu” món này, vì thế mà chúng phát triển nhanh và rất ngon thịt.
Cá bổi
Cá bổi thuộc nhóm cá đồng, bởi chúng sinh sống trên đầm lầy và đồng cạn. Cá bổi còn được gọi là cá sặc rằn, vì nó cùng họ với cá sặc nhưng trên thân có màu rằn ri nâu xám. Cá bổi lớn hơn cá sặc, khi chưa thành khô có con phải nặng đến nửa ký! 
Điểm đặc biệt ở con cá này là làm khô mới ngon và đặc biệt, nếu đem kho nấu như những loại cá khác thì quả thực không ngon bằng.
Để làm nên khô cá, tưởng đơn giản nhưng hóa ra không dễ chút nào. Cá bổi U Minh thường được khai thác và chế biến vào mùa khô, khi con cá đồng về đìa. Những con cá được “tuyển chọn” sẽ là những con to bằng bàn tay xòe ra. 
Cá lớn và tươi sống được đem về cạo vảy thật sạch, làm ruột rồi ngâm với nước muối (vừa mặn) trong khoảng thời gian quy định rồi ngâm lại bằng nước lạnh trước khi phơi. 
Cá bổi được đem phơi nắng
Cá bổi phơi chừng 3 nắng, mà phải là nắng “tốt”, đúng “chuẩn” thì mình của con khô bổi mới trong và sớ thịt nó mới dai. Phơi ít quá thì dở mà kéo dài ngày quá thì thịt khô bổi sẽ bủn và mất đi mùi vị.
Cá bổi chưa được nuôi mà hiện vẫn đang khai thác nguồn lợi từ tự nhiên. Chính vì sự khan hiếm dần đó mà người dân đã có ý thức trong việc bảo vệ nguồn lợi từ những cá bổi. Thông thường, nếu bắt được con cá nào có trứng thì người dân sẽ thả trở lại.
Làm nên khô cá bổi thì mất thời gian nhưng chế biến nó lại không mấy khó khăn. Thịt cá bổi thơm, dai mà lại ít xương nên rất dễ hợp khẩu vị của nhiều người. 
Khô cá bổi.
Cách chế biến nhanh nhất là nướng khô, xé nhỏ chấm muối ớt, hoặc chặt nhỏ từng miếng rồi chiên lên chấm với với nước mắm me và nhâm nhi với tí rượu hay bia đều ngon cả. Người ta cũng có thể nướng lên ăn chung với cơm, đơn giản mà lại nhanh no.
Khô cá bổi có thể “biến hóa” thành nhiều món nhưng tuyệt nhất vẫn là làm gỏi. Khô cá bổi sau khi nướng hoặc chiên thì dùng dao đập giập cho mềm sớ thịt. Sau đó xé nhỏ ra, loại bỏ xương và trộn với xoài sống băm sợi hay lá sầu đâu (là một loại lá đắng tựa lá xoan đào, có nhiều ở vùng biên giới Châu Đốc).
Lá sầu đâu.
 
Gỏi xoài và cá bổi.
Dĩa gỏi làm xong, bạn chan nước mắm chua ngọt vào, ngộn thêm ít rau mùi xắt nhỏ là bạn đã có một món gỏi ngon tuyệt rồi! Món này mà làm mồi nhậu lại càng được chuộng hơn.
Khô cá bổi đã trở thành món ăn quen thuộc đối với mỗi người dân miền Tây Nam Bộ nói chung và niềm tự hào của mảnh đất U Minh nói riêng. Có những món ngon, trở thành đặc sản không nhất thiết phải là cao lương mỹ vị. Điều quan trọng khởi nguồn cho một món ngon là đức siêng năng, sáng tạo và cái tâm của mỗi người đặt vào trong nó. 
Phơi cá bổi qua lăng kính nhiếp ảnh gia Đinh Thanh Vũ.
Phải chăng vì thế mà khô cá bổi - cái nghe tên giản dị chân chất mà thấm đẫm vị mặn của sự cần lao…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét