Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Liệt dây thần kinh số 7

Chúc tất cả bạn bè gần xa một mùa Noel vui vẻ, một năm mới tốt lành!

Ây da, riêng mình năm nhận quà năm mới hơi sớm và rất đặc biệt: LIỆT DÂY THẦN KINH SỐ 7. Giờ đây vấn đề cấp thiết không phải là xấu đẹp mà là một con mắt mình
không nhắm được luôn cay sè, chảy nước mắt sống và có nguy cơ bị loét giác mạc. Phiền lắm đấy, bà con giữ gìn sức khỏe đừng để bị như mình nha.

(Xin lỗi các bạn 12A2, đây là lý do mình đã không dự họp lớp năm nay được. Hẹn năm sau với những món bánh thơm ngon nhé)

ĐỌC THÊM:

Làm gì khi bị méo miệng, liệt mặt?

Vào mùa lạnh hoặc thời gian giao mùa, những người hay làm việc khuya rất dễ bị tăng nguy cơ liệt mặt, méo miệng Bệnh có đặc điểm là phục hồi nhanh, song dễ để lại di chứng, nhất là thẩm mỹ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Dấu hiệu dễ nhận biết

Bệnh thường xảy ra đột ngột, người bệnh cười nói khó, đánh răng, súc miệng, nước trào ra một bên mép. Rõ nét nhất là mặt mất cân xứng: bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, miệng và nhân trung méo về bên lành.

 
(Mặt mình giờ giống vầy nè, duyện... lạ hén!) 

Sự mất cân xứng càng rõ khi bệnh nhân làm một số động tác chủ động như khi cười méo lệch sang bên lành. Đặc biệt, mắt bên liệt nhắm không kín do liệt cơ khép vòng mi và nhãn cầu bị đẩy lên trên để lộ một phần lòng trắng.
Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác ít gặp hơn như cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc ngay sau bữa ăn. Đa số các trường hợp mắc bệnh thường khỏi sau khoảng 1-3 tháng nếu được cấp cứu và điều trị đúng. Nếu không sẽ để lại biến chứng và di chứng như viêm loét giác mạc (do mắt nhắm không khép kín dễ bị gió bụi bẩn bám vào gây nhiễm khuẩn), co giật cơ mặt (do hồi phục thần kinh không hoàn toàn) hoặc co cứng nửa mặt (do dây thần kinh thoái hóa).
Bệnh xảy ra khi nào?
Những người thường xuyên  thức khuya khiến cơ thể luôn mệt mỏi, tinh thần sa sút, thần kinh bị căng thẳng, sức đề kháng giảm dễ nhiễm lạnh... dẫn tới sự gia tăng gốc tự do làm hủy hoại dây thần kinh số 7. Liệt thần kinh mặt xảy ra khi dây thần kinh điều khiển các cơ mặt bị viêm và bị chèn ép. Có  thể hiểu là dây thần kinh điều khiển các cơ mặt phải đi qua một khe xương hẹp, khi nhiễm virut sẽ bị sưng lên, kẹt trong các hốc xương nên bị tổn thương lớp màng bọc khiến tín hiệu thần kinh bị cản trở gây ra tê liệt và yếu các cơ mặt.
Ai dễ mắc?
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, dễ mắc là phụ nữ có thai, người bệnh đái tháo đường, cảm cúm, suy giảm miễn dịch, lứa tuổi trung niên và người già, người có thể trạng yếu, ít tập luyện, ít tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường bên ngoài (ít ra gió), có tiền sử hạ đường huyết, tăng huyết áp, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch… Đặc biệt là những người uống nhiều bia rượu và đi về trong đêm khuya sẽ bị lạnh. Mặt khác, lượng cồn trong máu đưa đến não và các cơ quan khác khiến mạch máu co lại (hoặc giãn ra tùy thể trạng mỗi người), làm cơ thể mất nhiều nhiệt, hơi ấm thoát ra ngoài không được bảo vệ, gặp phải khí lạnh sẽ bị cảm.
 Cần làm gì?
Khi phát hiện thấy một bên mặt hơi cứng khác thường, soi gương thấy một bên bị xệ xuống, miệng méo, mắt bên bệnh không thể nhắm kín và có nước mắt chảy ra… thì không nên cho rằng mình bị tai biến mạch máu não. Cần bình tĩnh xem xét, nếu thấy các triệu chứng chỉ có ở mặt thì nên nghĩ tới chứng liệt dây thần kinh mặt. Nếu liệt mặt, méo miệng xảy ra ban ngày sẽ gây tê liệt đột ngột, yếu hẳn một bên mặt gây khó cười nói, khó nhắm mắt, cử động mặt bên, đau trong tai bên bệnh, nhức đầu; mất vị giác, nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn… 
Khi người thân bị liệt mặt, méo miệng, tuyệt đối không được cạo gió. Nếu những người có bệnh sử mạn tính như tăng huyết áp thì cần cho uống thuốc hạ huyết áp và  nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán chính xác và loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não để được cứu chữa kịp thời.
BS. Trần Thanh Hà

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Bún chả cá nấu ngót

Đọc được tâm sự của mình về việc hoạt động của Câu lạc bộ Bếp Ấm bị gián đoạn vì hết quỹ nhiều bạn đã gọi điện động viên, chia sẻ. Đặc biệt có bạn T đã nhiệt tình đến tận bệnh viện Nhi đồng 2 khi tụi mình làm bánh Cupcake tặng bệnh nhi nhân ngày 1/6 để tìm hiểu về hoạt động của Câu lạc bộ và gợi ý những cách hoạt động khác, có bạn P rủ tham gia cùng các nhóm khác để vừa chung tay góp sức vừa có cơ hội học hỏi, có các đồng nghiệp đã góp quỹ để có thể tiến hành chuyến thăm nhà dưỡng lão Thiên Ân ngày 24/8/2013 đúng như dự định và mới đây chị N đã âm thầm dành dụm tặng Câu lạc bộ chi phí nấu 300 suất ăn trưa tại Trung tâm bảo trợ người tàn tật vào ngày 7/9/2013 (chị rất chu đáo mua cả nước uống và quà sáng cho tình nguyện viên). Mình thật hạnh phúc có những người bạn giàu lòng nhân ái vậy và mình biết ơn đồng thời học hỏi được thêm nhiều điều hay.

Vâng, xin cám ơn tất cả mọi người! Những điều ngọt ngào ấy sẽ ở mãi trong mình và giúp mình tin rằng cái xấu, điều ác rồi sẽ đến lúc thưa dần và mất hẳn!


CLB Bếp Ấm thăm trung tâm nuôi dưỡng người già Thiên Ân ngày 24/8/2013


 (Ảnh MNVN)

Nhổ đinh cũng là công việc cực nhất của ngày hôm đó do các bạn nam đảm nhận (Ảnh MNVN)

Nụ cười vui vẻ sau khi xong việc (Ảnh Thành Nhân Nguyễn)

CLB Bếp Ấm nấu ăn tại trung tâm bảo trợ người tàn tật ngày 8/9/2013






Đây là công thức món Bún chả cá nấu ngót mà đầu bếp Trần Hoàng Phúc đã tư vấn. Hôm ấy tụi mình được báo là mọi người đều mong chờ vì đó là lần đầu tiên Trung tâm bảo trợ có món Bún chả cá nấu ngót. Khi chưa nấu xong, các chị nhà bếp đã hỏi xin công thức vì thấy hấp dẫn, vui chưa! 



NGUYÊN LIỆU: (300 phần)
60kg bún
13kg chả cá ba sa hấp
12kg thịt đùi 
4kg xương gà
2kg củ cải
8kg hành tây
11.5kg cà chua
3 hộp cà chua cô đặc
3kg đường
9kg hành lá
9kg cần tàu
3 chai mắm 750ml
1kg hạt nêm
3kg chanh/me/bột chua

CÁCH LÀM:
-Thịt luộc cùng 90 lít nước + hạt nêm + ít đầu lá hành đập dập. Thịt chín vớt để nguội, xắt miếng mỏng to bản
-Củ cải: gọt vỏ, xắt khúc, cho vào nồi nước lèo
- Hành tây: xắt múi cam
-Xương gà: rửa sạch,lọc bỏ mỡ, trụng nước sôi rồi bỏ vào nồi nước lèo
-Hành củ: phi gần vàng, vớt ráo dầu (hành còn nóng sẽ vàng thêm, đừng để hành vàng trên bếp khi vớt ra sẽ bị cháy)
-Cà chua: xắt hình múi cam
-Dùng dầu phi hành xào cà chua cô đặc, hành tây và cà chua. Nêm ít hạt nêm
-Chiên chả cá: dùng dầu phi hành chiên chả cá nguyên cả miếng lớn đến khi chả vàng thì vớt ráo dầu. Để nguội, xắt lắt mỏng cỡ 4x6cm dầy 0,5cm
-Hành lá + cần tàu: rửa sạch, cắt khúc ngắn 2cm
-Lược nước lèo. Cho cà +  hành tây xào + hành phi vào. Nêm nếm với đường + nước cốt chanh/me/bột chanh + hạt nêm + nước mắm
--Ớt xắt lát để ăn kèm

THƯỞNG THỨC:
Mỗi phần ăn gồm:
-200g bún
-Chả cá chiên           
-Thịt luộc     
-Rải ít tiêu lên mặt
-Chan nước lèo (chừng 350ml/tô)
-Dọn ăn nóng

YÊU CẦU THÀNH PHẨM:
-Nước chan bún có màu đỏ tự nhiên của cà chua, vị chua/ngọt dịu và thơm mùi hành cần

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Điềm lành

Tối qua trời mưa, sớm nay trời mưa, sáng nay trời mưa và chiều nay trời cũng mưa nhưng lúc đại gia đình mình tề tựu thì trời rót nắng vàng như mật. Đây là điều may mắn và là lời chúc tốt lành cho những ngày nhiều bận rộn và lắm lo toan này. 

Hôm nay nhà mình khởi công xây nhà mới!

Ảnh internet


Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Tin vui

Sau 4 bận thót tim, cuối cùng bạn Cún đã chính thức trở thành sinh viên trường Đại học Quốc tế TP. HCM. Vậy cũng có nghĩa là bạn không học trường truyền thống của gia đình - nơi bạn đã đạt á khoa khối thi mà chọn trường... đậu vớt (cùng nghĩa với việc ba mẹ bạn sẽ phải mỏi thêm nhiều tí với cái học phí ngất ngưởng!) Nhưng thế vẫn vui vì bạn rất dũng cảm dám sống theo đam mê dẫu biết rằng việc học sẽ vất vả gấp bội khi phải học toàn bằng tiếng Anh.

Chúc mừng nhé Cún con! 


Cún ơi, Bò ơi, ba mẹ chúc các con một năm học mới nhiều niềm vui!




Cám ơn cô giáo Cap Tain Bear đã tặng món quà rất ý nghĩa này, bé đã đeo suốt đó cô
.
 Giờ đây "bùa may mắn" được cẩn thận cất đi để dành cho em.



Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Chuyện bạn gái

Lần trước chị lo lắng than anh bệnh mà không kiêng cữ cứ đòi tòm tem. Lần này chị nhăn nhó nói chị bệnh anh cũng... tới luôn chẳng chút e dè. Chị không ngại bày tỏ chuyện riêng tư mà mình lại... nhột chỉ biết lẳng lặng nghe, lẳng lặng thở dài và lẳng lặng tự hỏi hay mình lạc hậu cổ hũ quá rồi ???

Ảnh internet

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Giận

Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò...

Hứ!

(Ảnh internet)

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Cháo gà

Sau 6 tiếng vật vạ chờ đổi chuyến bay, cuối cùng thì rạng sáng qua chàng đã về nhà để mình được kết thúc tình trạng độc thân bất đắc dĩ. Đón chàng cùng với nồi cháo gà suýt khét vì mỏi mòn chờ đợi mình bỗng nhớ da diết chàng… Tom Hanks trong vai người đàn ông lận đận  mắc kẹt ở sân bay trong phim Không Tổ quốc và thấy yêu gia đình cùng nếp sinh hoạt thường nhật hơn bao giờ hết. Hạnh phúc mới bình dị làm sao!

Cháo lót dạ khuya nên không có gỏi gà

NGUYÊN LIỆU: (4 phần ăn)
½  con gà mái tơ
1 củ hành, nướng cháy vỏ, bỏ vỏ, đập dập
1 củ gừng, nướng cháy vỏ, bỏ vỏ, đập dập
100g gạo
100g nấm rơm
1 củ cà rốt nhỏ
Gia vị
2 muỗng súp hành phi
Hành ngò xắt nhỏ, tiêu xay
Chanh xắt miếng

CÁCH LÀM:
-Cho gà vào nồi, đổ nước lạnh ngập gà, cho thêm hành + gừng + hạt nêm, đun sôi, hớt bọt rồi bớt lửa liu riu chừng 20' cho gà mềm
-Vớt gà để ráo, xé sợi vừa ăn
-Vớt bỏ xác hành, gừng trong nước luộc gà
-Nấu cháo bằng nước luộc gà (nếu thích cháo lỏng thì rang sơ gạo trước khi nấu, nếu thích cháo đặc thì nấu luôn với nước gà). Đun sôi rồi hạ nhỏ nấu chừng 30' cho gạo mềm. Gia giảm nước cho có độ đặc vừa ý.
-Cà rốt: bào vỏ, xắt hạt lựu nhỏ 0,5cm cho vào nồi cháo sau khi cháo sôi
-Nấm gọt bỏ chân, ngâm nước muối, trụng nước sôi cho hết hôi rồi chẻ làm 4
-Cháo chín nêm nếm vừa ăn với hạt nêm, đường rồi cho nấm vào. Đun sôi lại.

THƯỞNG THỨC:
-Múc cháo ra tô, gắp thịt gà xé lên trên rồi rắc hành ngò, hành phi và tiêu xay. 
-Dùng nóng với chanh

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Ốc hương xào tỏi

Cậu em rủ đi Vũng tàu nhưng mình có việc phải ở nhà thế là giờ đây khi mọi người tung tăng nô đùa cùng sóng nước mây trời thì mình thui thủi ở nhà một mình. Thôi thì ra chợ nhón mấy con ốc hương về nhâm nhi cho có hương vị biển với người ta vậy.

Ôi, mùi tỏi phi thơm nức mũi rồi nè, mời cả nhà cùng dùng bữa trưa với mình cho vui:

 


NGUYÊN LIỆU:
300g ốc hương lọai nhỏ
30g tỏi (3 củ tỏi cô đơn)
2 muỗng súp dầu ăn
1 củ gừng nhỏ
1 nắm rau răm
1 muỗng cà phê (nhỏ) hạt nêm
1/2 muỗng cà phê (nhỏ) đường
1/4 muỗng cà phê (nhỏ) tiêu xay
Muối tiêu, chanh, ớt

CÁCH LÀM:
-Ốc hương rửa sạch, ngâm với nước có ớt đập dập chừng 1 tiếng cho ốc sạch rồi vớt ra rửa lại, để ráo
-Đun sôi 0.5 lít nước + gừng đập dập thì cho ốc hương vào tiếp tục đun lửa lớn đến khi vừa sôi lại thì đổ ốc ra rổ xốc cho ráo nước
-Trong lúc đun nước thì bắc chảo dầu nóng phi tỏi thật vàng với lửa nhỏ. 
-Cho ốc luộc vào chảo tỏi đã phi vàng, nêm hạt nêm và đường, đảo đều trên lửa lớn cho gia vị thấm đều ốc. Khi chảo bắt đầu sém cạnh thì tắt bếp, cho tiêu vào đảo đều

YÊU CẦU THÀNH PHẨM:
-Ốc chín tới (thịt ốc đục và dễ lấy ra khỏi vỏ)
-Vỏ ốc áo đều gia vị
-Tỏi phi giòn, thơm, không khét

THƯỞNG THỨC:
-Dọn ăn nóng kèm muối tiêu chanh, rau răm

XEM THÊM:

Một đêm đi rập ốc hương

Thứ tư, 21/03/2012, 06:19

Bây giờ ốc loại này không nhiều như cách đây 30 năm trước. Một ký ốc hương loại 1 bây giờ giá 350 ngàn đồng, do nó ngày một ít đi. Ở La Gi ngày trước, trong chợ mới lúc nào cũng có trên chục người bán ốc hương. Song hồi đó người lớn rất lo khi thấy con mình ăn nhiều ốc hương, bởi ai cũng cho rằng thịt ốc độc… Ốc bây giờ mà nhiều như hồi đó thì hốt bạc!”- Tư Cương nói.



 Ra biển
“Mấy giờ mình xuất phát hè?” – miệng hỏi, chân tôi bước trên tấm ván gỗ bắc lên chiếc thuyền đánh cá công suất nhỏ của Tư Cương đang đậu dưới sông… Một chương trình đã  soạn sẵn: tôi sẽ  theo Tư Cương đi một chuyến biển để tìm hiểu về nghề  bẫy ốc hương mà dân địa phương ưa gọi là thả “rập”. Đây là một nghề đang có xu hướng ngày một ít đi cho dù trước đây nó từng tạo việc làm cho không ít người vùng biển.

Tư Cương năm nay ngoài 40 tuổi, ở cùng phường Phước Hội với tôi. Anh có hơn 20 năm đi biển. Khởi nghiệp là học rồi chính thức câu khơi  dài ngày trên một chiếc thuyền công suất lớn tại những vùng biển giáp nước bạn. Vào thời điểm đó, nghề câu khơi giúp cho bao gia đình khá lên, song gần đây khi giá xăng dầu tăng cao mọi chuyện đã khác đi. Tư Cương quyết định bỏ câu khơi, làm nghề ven  bờ, kiếm sống.

Đi trên thuyền  của Tư Cương còn có 5 lao động. Họ là những người mà nếu rời biển sẽ khó tìm việc. Lúc này tất cả đã lên thuyền, chờ nước lớn hơn một chút để ra khơi. Họ đang sắp xếp mấy chồng bẫy ốc hương  đến trên trăm chiếc, cao nghệu, cũng như lấy dây buộc chúng lại trước khi đặt lên trên tấm ván dày của hầm chứa con thuyền.

Đó là loại bẫy đĩa hình dáng như chiếc trống cơm. Mỗi chiếc đều bọc lưới màu xanh, trong có khung sắt, bên hông có  cửa để ốc hương vào… “Bẫy đĩa này đã là một sự cải tiến rồi đó. Ngày trước bẫy đơn giản lắm: chỉ là 2 chiếc thanh tre uốn cong, xếp giao nhau như hình chữ thập, 4 góc phía dưới căng đều lưới, có một chiếc móc móc mồi nhử ốc, thế thôi!”,  Tư Cương nói  khi chồng bẫy đã đặt đâu vào đó.

Mặt trời xuống nhanh. Mới đó nhá nhem tối. Ở phía đuôi con thuyền, nước ngập bánh lái, có thể xuất hành. Tư Cương vào  buồng lái, kéo sợi dây cước đề máy nổ. Tiếng máy âm vang một khúc sông Dinh, trước khi  con thuyền hướng ra cửa La Gi, từ đó ra biển.
 


Phân loại ốc hương ở một điểm thu mua ốc.

Bẫy ốc hương
Gió càng trở mạnh. Mũi con thuyền  nhô lên hụp xuống bởi nó đi ngược hướng gió, và chỉ cách bờ  vài trăm mét. Tư Cương nói: “Trước tui đánh từ Hòn Bà ra, nhưng hôm nay  mình đi  Mũi Điện”,  Mũi Điện là tên gọi của ngọn hải đăng Ke Gà xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.

Theo Tư Cương: khu vực Mũi Điện hiện chưa có nhà máy công nghiệp, chưa có nước thải chưa qua xử lý đổ ra biển, nên nước biển đặc biệt trong, thích nghi với nhiều loại hải sản, trong đó có ốc các loại. Càng nghe càng lý thú, cũng như không khỏi ngạc nhiên khi từ ca bin Tư Cương nói vọng ra, nhắc một lao động biển: “Coi đáy thử, Năm!”. Ngay lập tức, anh chàng tên Năm bước tới mũi thuyền,  dạng chân giữ tấn, hơi khòm người ra bên ngoài, hay tay thả thoăn thoắt sợi dây có cột cục chì to xuống biển.

Công việc thả  dây chì diễn ra khá lâu, chốc chốc tôi nghe tiếng Năm hô rõ to: “Chỗ này bùn quá”… “có rạn đá anh Tư”, “ít bùn có cát, anh Tư!”. Chỉ đến khi nghe có cát, chiếc thuyền mới chậm dần, rồi chạy tại chỗ. Tư Cương vẫn chưa yên tâm, bảo Năm đưa sợi dây chì, tự mình kéo lên thả xuống một chập, quay sang bảo mấy lao động biển. “Cát dày, có chỗ hơi bùn. Thả bẫy được rồi đó anh em”.

Sau mấy tiếng đó, lao động biển trên thuyền, người  mở dây buộc, người chui xuống hầm bưng lên một thùng xốp đậy kín, và khi nắp thùng mở ra, một cái mùi tanh hôi của cá thối, cá ươn liền xông lên…  Những thứ ươn thối đó lập tức được móc vào từng chiếc móc bên trong của chiếc bẫy đĩa. Công việc này kéo dài gần một giờ đồng hồ, và phải cần một giờ đồng hồ nữa để chạy vòng vòng thả bẫy.

Thả ở đâu thì đánh dấu bằng phao ở đó. Đêm đã về khuya, song những lao động biển vẫn chưa buồn ngủ. Họ lôi từ trong thuyền ra những chiếc dây câu và  bông kim tuyến bắt đầu câu mực. Lúc đó là lúc Tư Cương nói với tôi về  cách dò đáy biển, cách thả bẩy hay thả rập ốc hương nhiều nhất.

“Tập tính ốc hương là sống  ở nơi ít bùn, nhiều cát. Sống từng cặp, nhưng khi gặp mồi ngon thì kéo từng đàn. Thích nhất là bã động vật chết. Hồi nãy anh biết vì sao bọn này biết chỗ nào cát, chỗ nào không cát, hoặc  bùn dày ở đáy biển? Nếu là bùn dày, cục chì không hồi âm lại đâu, nhưng nếu gặp cát thì mình nghe tiếng “bịch bịch” từ dưới nước vọng lên.

Bây giờ ốc loại này không nhiều như  cách đây 30 năm trước. Một ký ốc hương loại 1 bây giờ giá 350 ngàn đồng, do nó ngày một ít đi. Ở La Gi ngày trước, trong chợ mới lúc nào cũng có trên chục người bán ốc hương. Song  hồi đó người  lớn rất lo khi thấy  con mình ăn nhiều ốc hương, bởi ai cũng cho rằng thịt ốc độc… Ốc bây giờ mà nhiều như hồi đó thì hốt bạc!”- Tư Cương nói.

Không  như mong đợi
Cả đêm trên biển, nhưng sáng ra lượng ốc Tư Cương thu được chỉ khoảng 10 kg. Trung bình  mỗi kg ốc hương bán ra từ 200 – 250 ngàn đồng, tổng cộng  trên 2 triệu đồng. Trừ  chi phí, mỗi lao động trên thuyền được khoảng 250 ngàn đồng.

“Thường chỉ như vậy chứ không nhiều hơn đâu vì mình làm nghề ven bờ. Sản phẩm mà anh em được thêm là số mực câu được. Ốc hương ngày mỗi ít vì con lớn, con bé ngư dân đều  bắt. Đến một lúc nào đó phải ăn ốc hương nuôi thôi.

Tư Cương cho hay: trước đây vài năm, La Gi có khoảng chục thuyền thả rập ốc hương. Số thuyền này được đầu nậu ứng trước tiền, cũng như trang bị cho cả bẫy đĩa, với điều kiện có ốc hương thì phải bán cho họ. Nhưng vì ốc mỗi ngày mỗi ít nên nhiều thuyền chuyển nghề, quay sang nuôi ốc.

Hiện nay, do vùng biển Tân Thắng chưa ô nhiễm, nên một người bà con của Tư Cương đang nuôi ốc tại đó. Ốc giống thì mua tận Nha Trang. Có nhiều cách nuôi ốc: trong hồ, hoặc quay đăng nuôi trên biển. Nuôi trên biển thì ốc con ăn nhiều phiêu sinh, còn nuôi hồ phải dựa vào nguồn thức ăn chế biến.

“Biển rộng lớn vậy đó nhưng nếu không biết giữ thì cái gì cũng hết. Đồ biển thực sự bao giờ cũng ăn ngon hơn  đồ nuôi trong hồ chứ, vì vậy mà hôm nào kéo lên thấy ốc nhỏ quá tôi đều nhờ anh em thả xuống lại”, Tư Cương nói. Tôi học ở người ngư dân dày dạn kinh nghiệm này về lòng yêu biển, yêu tài nguyên thiên nhiên của đất nước mình.
 
Theo Thegioif5

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Kem cà phê

Đường thì xa, trời thì mưa, đồ đạc thì lỉnh kỉnh vậy mà 2 bà tám ròm vẫn quyết hò hẹn. Công nhận siêng thiệt!

Cô bạn nhỏ ơi,
Mới mấy tuần thôi, em đã khác hẳn. Khuôn mặt vẫn dịu dàng nhưng có nét rắn rỏi rất cuốn hút chẳng còn vẻ yếu ớt tiểu thư ngày nào. Nhìn em cười tự tin, nghe em say mê nói về công việc chị thấy thật an lòng và nể phục em. Chị tin rằng em sẽ sớm đến bến bờ hạnh phúc. Chị và bạn bè luôn bên em.

Tặng em công thức kem cà phê đơn giản nhưng rất hấp dẫn này, vị mát lạnh của kem đá quyện cùng mùi thơm quyến rũ của cà phê sẽ giúp em thư giãn khi trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng đó. Yêu mến



Khuôn kem nhà chị giống hệt vầy nè, mua ở Daiso cũng có, ở Bến Thành thì có lọai khuôn tròn

NGUYÊN LIỆU
25g đường
1 lít nước ấm
10 gói cà phê hòa tan G7
60ml rượu Kahlúa

CÁCH LÀM:
-Hòa tan các nguyên liệu, để nguội
Có 3 cách làm kem 
-Đổ hỗn hợp kem vào khuôn kem cây, để vào tủ lạnh đến khi đông
-Đổ hỗn hợp kem vào khuôn lớn, để vào tủ lạnh đến khi đông rồi dùng máy bào đá bào mịn (hoặc cho vào túi vải đập), dùng như si rô đá bào
-Đổ hỗn hợp kem vào khuôn lớn, để vào ngăn đá khoảng 1 tiếng sau hỗn hợp đông cứng ở phần rìa thì lấy ra cào tơi bằng nĩa lớn hoặc cây đánh trứng (dùng số nhỏ). Lập lại chừng 2 lần cho kem xốp. 
Dọn ăn trong chén đã để lạnh sẵn trong ngăn mát tủ lạnh để đá bào lâu tan

THAM KHẢO:Coffee granita  - The ultimate ice cream book  - Bruce Weinstein 

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Cơm gà

Dù đã chọn món cơm gà đơn giản mừng sinh nhật Mẹ mình vẫn phải nhờ siêu thị giao hàng, nhờ em làm dưa bắp cải và nhờ con gái út luộc gà vì lu bu quá. May sao, không hẹn mà gặp, em nào cũng đem món ngon đến góp vui, thế là bữa cơm gia đình hóa ra rất xôm tụ. Ngày vui, Mẹ ngồi giữa đám con cháu ồn ào miệng cười mắt cười như trẻ ra cả chục tuổi. Mẹ ơi, chúng con chúc Mẹ luôn vui và mạnh khỏe!


(ai còn nợ hình thì trả mình đi nha)



Ảnh bổ sung ngày 11/8/2013. Cám ơn Nam nhé.



NGUYÊN LIỆU: (8 người ăn)
1 con gà mái tơ
500g gạo dẻo
Lá chanh
1 nhánh nghệ nhỏ, giã nhuyễn (dùng bột nghệ tiện hơn nhưng không thơm bằng)
2 muỗng dầu ăn
2 muỗng hành tỏi bằm
1 của hành tím nướng sơ, đập dập
1 nhánh gừng nhỏ nướng sơ, đập dập
Muối tiêu chanh
Lá chanh
Canh gà lá giang:
1 bó lá giang
hành, rau ôm, tiêu, gia vị
Bắp cải muối xổi:
500g bắp cải 
1 bó rau cần nước
1 nắm rau răm
Giấm, đường (nếu làm gấp) hoặc 1 lít nước + 3 muỗng súp muối + 1 muỗng súp đường (nếu muối trước 1 hôm)

CÁCH LÀM:
-Cho gà vào nồi, đổ nước vừa ngập, cho hạt nêm, hành tím và gừng vào, đun sôi. Hạ nhỏ lửa luộc và trở gà đến khi xăm vào đùi gà không thấy chảy nước đỏ là gà đã chín. Vớt ra ngâm nước đá đến khi gà nguội (cho thịt không bị thâm) rồi để thật ráo nước (cho thịt săn, da giòn). Nếu muốn lớp da bóng bẩy hơn thì dùng mỡ gà quết lên.
-Lược nước luộc gà bỏ xác hành, gừng
-Gạo vo sạch để ráo nước
-Phi thơm hành tỏi bằm với dầu cho hơi vàng, bỏ gạo vào xào đến khi gạo rám hạt thì cho hạt nêm và nghệ vào, đảo đều rồi cho nước luộc gà vào vừa đủ để nấu cơm dẻo khô (nhớ châm ít nước hơn cơm nấu bình thường)
Nấu canh:
-Lá giang lựa lá non, rửa sạch và vò nát 
-Đun sôi 6 chén nước luộc gà, bỏ lá giang vào đun sôi lại thì cho hành + rau ôm xắt khúc vào. Nêm đường,  tiêu và hạt nêm vừa ăn
Bắp cải muối xổi:
-Bắp cải bỏ lá già, xắt sợi 0,5cm x 5cm
-Cần nước xắt khúc 5cm
-Rau răm xắt khúc 2cm
-Trộn đều bắp cải và rau cần
-Nếu làm gấp thì pha nước + giấm, đường + muối cho vừa ăn (nổi vị chua) ngâm bắp cải và cần vào chừng 3 tiếng là được ăn
-Nếu có thời gian thì pha nước ấm + 3 muỗng súp muối + 1 muỗng súp đường, muối bắp cải trước 1 hôm là được. Cách này dưa thơm ngon hơn 
-Trước khi ăn vớt dưa cho ráo nước, trộn với rau răm

YÊU CẦU THÀNH PHẨM:
-Cơm dẻo khô, hạt cơm bóng, vừa ăn, có màu vàng nhạt, không hăng mùi nghệ
-Canh có vị chua vừa
-Dưa bắp cải giòn và chua vừa

THƯỞNG THỨC:
-Gà chặt miếng lớn
-Xới cơm ra đĩa, xếp gà luộc và đồ chua để kế bên. 
-Dùng kèm muối tiêu chanh + lá chanh non xắt sợi nhỏ

XEM THÊM:

Nét tinh hoa trong món dưa muối Việt Nam

Không chỉ phong phú về chủng loại, cầu kì trong cách chế biến mà dưa muối còn đa hương vị nữa! 

Đừng có đánh giá thấp các món dưa muối của Việt Nam bạn nhé! Bởi nó có sự phong phú về chủng loại, cầu kì trong cách chế biến và sự đa hương vị nữa đấy! Cứ đơn giản như loại dưa cải bẹ chẳng hạn. Miếng cải bẹ được muối đúng độ có màu vàng nhạt, chua nhẹ và giòn tan. Đặc biệt hơn thì có dưa giá, từng cây, từng cây trắng ngần, không hăng, thơm mát và chua dịu. Cầu kì nhất thì có hành muối, đặc biệt phải là hành muối với mía. Củ hành nhỏ nhắn trắng óng như những hạt ngọc, không cay, không nồng, ngọt và chua. Rồi còn rất nhiều, rất nhiều các loại dưa khác như: dưa cải củ, dưa cải bắp, dưa cần, dưa nhút… Mỗi loại một sắc, một vị.
Cũng có đến hàng trăm kiểu loại dưa muối, tùy nguyên liệu hay cách chế biến, nhưng nếu xét về phương thức muối, dưa muối thường được làm theo hai cách chính là dưa muối xổi và dưa muối nén (hay còn là dưa muối chua).
Dưa muối xổi là loại dưa được muối trong thời gian ngắn, và có thể sử dụng ngay trong ngày, mặc dù ít chua nhưng vị cay, hăng thì rõ rệt. Các loại rau, củ, quả như: cà pháo, cà tím, cải bắp, cà rốt… thường là những nguyên liệu phổ biến đối với món dưa muối xổi. Những nguyên liệu này thường được cắt lát mỏng hoặc bổ miếng nhỏ để có thể ngấm đều gia vị trong khoảng thời gian ngắn.
Với vị chua nhẹ nhưng có phần đậm đà hơn so với dưa muối xổi, dưa muối nén hay còn là dưa muối chua thường được muối trong một khoảng thời gian dài hơn và có lẽ do vậy dưa muối nén cũng sử dụng được lâu hơn. Vì muối trong một khoảng thời gian dài nên những miếng dưa muối nén thường được thái dày hơn, thậm chí có loại dưa muối nén không thái như su hào muối thường được muối cả củ, đến khi ăn mới thái từng lát mỏng, vị chua nhẹ và giòn tan rồi ngay cả cải bẹ cũng có lúc để nguyên cây, cải củ để nguyên củ... Điều hấp dẫn ở món dưa muối nén này đó là khi chín tới, món ăn thường có chung một màu vàng nhạt nom rất bắt mắt, gia vị ngấm đều vào từng miếng dưa tạo nên một vị rất đặc trưng mà không phải món ăn nào cũng có. Thế nhưng, để muối được món dưa nén này thật ngon thì các khâu nêm gia vị, cách nén cũng là những khâu vô cùng quan trọng.
Điểm đặc biệt của món ăn dân dã này chính là khả năng tăng vị đậm đà, hấp dẫn cho nhiều món ăn khác, chúng là những món chua không thể thiếu khi đi kèm với một số món ăn như dưa hành củ ăn kèm với món bánh chưng ngày Tết, dưa kiệu ăn với thịt quay, dưa sung ăn với ốc luộc, cà pháo ăn kèm với canh cua…
Dưa muối giản dị là vậy mà nhiều biến thể vô cùng! Nếu miền Bắc trung thành với những cách muối dưa quen thuộc và phá cách bằng những món dưa muối đa dạng khác nhau thì người dân miền Trung đã vô cùng sáng tạo khi sử dụng xơ và múi mít xanh để chế biến thành món nhút, một dạng của dưa muối chua, đặc biệt nổi tiếng! Hay người miền Nam lại ưa chuộng hơn việc muối những loại quả chua, non như xoài, cóc rồi trộn với ớt bột hoặc ớt tươi, đường, tỏi… tạo nên những món ăn với vị lạ mà vẫn vô cùng hấp dẫn. Không chỉ vậy, ở nhiều vùng gần biển còn dùng các loại mắm từ hải sản (như tôm sú, cua…) kết hợp với củ kiệu hoặc đu đủ xanh xắt lát mỏng bỏ vào hũ tạo chua nữa cơ đấy!.
Trời ban đất Việt một nền khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mang theo đó là một nền ẩm thực vô cùng phong phú, đa dạng. Người xa xứ có ngóng về quê hương cũng không khỏi nhung nhớ hũ dưa muối của mẹ, của bà, vị chua chua đọng lại trong từng luồng kí ức mà ấm áp đầy tình yêu thương!


Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Mì Ý sốt pa tê

Nghiện sách đã khổ rồi giờ mình lại thêm nghiện đồ bếp nữa, hễ trông thấy là ngắm nghía rờ rẫm không biết chán. Biết là thú vui lành mạnh nhưng cũng lắm phiền phức: tốn kém thời gian tiền bạc đã chớ nhà cửa lại cứ chật dần, bề bộn hơn sau mỗi lần mua sắm nên mình cũng phải hạn chế dữ lắm. Vậy mà bà ngoại sắp nhỏ thi thoảng lại chép miệng thương chàng rể chiều vợ. Ui, bà khéo lo chứ nếu con gái bà mà mê mẩn quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, spa, ăn hàng... thì chàng rể còn khổ hơn vạn lần chứ chẳng chơi chàng nhỉ?

Món đồ bếp mới toanh là ít đĩa Minh Long nho nhỏ xinh xinh, chàng mỉm cười hiền lành còn con gái thì bảo ăn mì Ý rất vừa. Ừ, thế thì nấu mì Ý. Và chỉ nửa tiếng sau, con đã nấu xong món mì Ý sốt pa tê ngon lành cho bữa trưa vội.



NGUYÊN LIỆU: (6-8 người ăn)
1 gói mì Ý loại spaghetti
4 trái cà chua chín
2 hộp pa tê Vissan
1 củ hành tây lớn
1 muỗng súp xốt cà chua (hoặc 1 muỗng cà phê tomato paste)
1/2 muỗng cà phê Italian herb
200g phô mai bào sợi
1 muỗng súp dầu ăn
Đường,tiêu,gia vị
Bơ tỏi:
1 muỗng súp dầu ăn
20g bơ
1muỗng súp tỏi bằm
Salad:
2 búp xà lách
2 trái cà chua 
1 trái táo đỏ
4 muỗng dầu giấm Cholimex

CÁCH LÀM:
-Phi tỏi với 2 muỗng súp dầu + bơ cho vừa vàng
-Luộc mì theo chỉ dẫn trên bao bì. Mì chín đổ ra rổ, bỏ nước luộc, xả nước lạnh, xóc ráo rồi trộn với dầu phi tỏi
-Trụng cà chua với nước sôi để lột vỏ rồi bỏ hạt, xắt nhỏ. Cho cà vào cối sinh tố xay nhuyễn
-Xào thơm hành tây với 1 muỗng dầu còn lại, cho cà xay và patê  vào, dằm nhuyễn, cho thêm chừng 1 chén nước sao cho sốt có độ sệt. Đun sôi, nêm gia vị cho vừa ăn rồi thêm Italian herb vào. 
Salad:
-Rửa xà lách sạch rồi vẩy ráo, để vào ngăn mát cho rau giòn
-Táo gọt vỏ, xắt miếng hình múi cau rồi bỏ lõi, trộn dầu giấm. Để vào ngăn mát tủ lạnh  cho táo giò
-Ngay trước khi ăn xếp táo vào đĩa, xếp rau mầm và cà chua lên trên, rưới dầu giấm

THƯỞNG THỨC:
-Trước khi ăn cho mì vào lò viba quay chừng 2' ở nhiệt độ trung bình cho mì nóng lại
-Gắp mì ra đĩa, múc sốt patê lên trên mì
-Rải pho mai bào lên trên cùng
-Khi ăn đảo đều cho pho mai tan vào sốt nóng, áo đều sợi mì rồi dùng nĩa gạt chừng 3 sợi mì ra rìa đĩa, xoay vòng cho sợi mì quấn vòng quanh nĩa và... ùm!
-Dùng kèm salad

MẸO VẶT:
-Có thể thêm xúc xích xắt nhỏ nếu thích dùng nhiều thịt.

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Cháo cá giò sống

Có gì ngon, bổ, rẻ và hợp với tiết trời lành lạnh hơn món cháo cá? Và nhất định mình phải nấu món ấy chiều nay vì cô bạn đảm đang vừa cho ít rau đắng nhà  trồng. 

Thích thế những cọng rau đắng non xanh mơn mởn hệt ở góc vườn xưa mà nếu bây giờ ra chợ mình chẳng dám chọn chính vì cái mơn mở ấy hẳn đã cõng ngập hóa chất độc hại. Mươi năm trước thôi, ai tưởng tượng ra được rằng giờ đây những nhánh rau trồng nơi chậu hoa, thùng xốp lại là món quà quý trao nhau? Chỉ một chuyện bé tẻo teo thế cũng đủ biết con người thời hiện đại chắc gì đã sướng hơn thuở nghèo khó!


NGUYÊN LIỆU: (5 người ăn)
170g gạo
1kg cá điêu hồng (nhưng ngon nhất là cá lóc ruộng)
250g  giò sống
1 củ gừng nhỏ, đập dập
1 củ hành tím, đập dập
1 muỗng súp hành phi, bắm nhỏ
1 muỗng súp hành tỏi bằm
300g giá sống
300g rau đắng
1 cái bắp cải thảo nhỏ
500g rau cần nước
Hành ngò, chanh, ớt
Gia vị
2 muỗng súp dầu ăn

CÁCH LÀM:
-Phi thơm hành tỏi bằm với dầu ăn, cho gạo vo sạch vào đảo sơ cho gạo hơi vàng thì cho nước vào nấu cháo. Nếu thích cháo sánh hoặc kiêng dầu mỡ thì bỏ qua bước này.
-Đun nước sôi, cho gừng, hành tím, hạt nêm và cá vào đun cho sôi lại rồi hạ nhỏ lửa chừng 20' cho cá chín. Vớt cá ra đĩa, gỡ thịt thành từng miếng vừa ăn. Xương cá bỏ trở lại nồi hầm lấy nước ngọt. (Nếu có thời gian thì nên hấp để cá được ngọt và dai hơn)
-Rau cải thảo tách lá, xắt miếng vừa ăn
-Rau cần nước, rau đắng cắt khúc 5cm
-Giò sống nêm hành phi và ít hạt nêm, tiêu. Múc vào túi nilon. Cắt 1 góc túi, trước khi ăn 1 tay bóp túi cho giò sống chảy ra qua lỗ vừa cắt, 1 tay cầm đôi đũa kẹp vào túi và vuốt xuống cho giò rơi thành từng viên vào nồi cháo
-Khi cháo chín, gạn nước luộc cá vào sao cho cháo hơi loãng để còn trụng rau. Nêm nếm rồi cho giò sống vào. Khi viên giò sống nổi lên mặt cháo là đã chín, rắc hành ngò và tiêu vào cháo.

THƯỞNG THỨC:
-Múc cháo vào nồi nhỏ đặt lên bàn ăn, đun sôi thì nhúng rau vào.
-Khi rau chín vừa ý thì múc cả cháo + rau vào từng tô, gắp cá lên trên. Dùng nóng kèm nước mắm, chanh, ớt

XEM THÊM:

Ngọt lòng rau đắng


Với người miền Nam, cây rau đắng là thứ rau không thể thiếu khi ăn lẩu cá kèo, hoặc cháo cá lóc thơm ngon. Rau đắng đã trở thành niềm thương nỗi nhớ khi đi vào lời hát bình dị: “Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh”.
Chưa có loại cây nào hiền hòa dễ chịu như rau đắng. Rau rất dễ sống, có thể mọc hoang ở các chỗ đất trống hay mọc bên cạnh các bức tường, hàng rào, mọc lẫn vào cỏ trong vườn cây… Vốn thuộc thân cỏ, rau đắng chia làm hai dòng: rau đắng đất và rau đắng biển. Rau đắng đất thường được dùng trong các bài thuốc nam chữa bệnh. Rau đắng biển thì phổ biến trong các món ăn. Rau đắng sống quanh năm, nhưng ăn rau đắng ngon nhất là vào các ngày mưa.



Đắng như... rau đắng
Rau đắng có vị… đắng như tên của nó, tính mát, tác dụng thanh nhiệt và giải độc. Đặc biệt, giống như nhiều món ăn có vị đắng khác, dư vị để lại chính là cái ngọt hậu, khi vị đắng tan biến hết, sẽ thấy vị ngọt và bổ dưỡng của nó. Thành phần quan trọng nhất của rau đắng là hợp chất saponin, một loại chất có tác dụng dẫn truyền thần kinh và chống oxy hóa cao, do vậy đây là món ăn giúp bổ não, tỉnh táo và ngăn ngừa lão hóa tốt, thích hợp cho người hay bị yếu mệt. Một thành phần nữa rất nhiều trong rau đắng là chất alkaloid, được biết đến với công dụng hạ huyết áp và diệt khuẩn, tiêu độc cho cơ thể. Rau đắng cũng chứa khá nhiều tanin, một loại chất có tác dụng ngăn ngừa ung thư.
Nhiều dưỡng chất
Rau đắng nhiều chất xơ nên rất tốt trong việc ngăn ngừa cholesterol và chất béo trong máu như tryglyceride, tốt cho những người ăn kiêng giảm béo, giảm huyết áp. Đặc biệt, tính mát, vị thanh và thành phần vitamin C cực cao trong rau đắng còn giúp lợi tiểu, chống viêm, giảm hen suyễn, long đờm. Ngoài ra, trong dân gian, rau đắng là bài thuốc mát gan, phòng chống viêm gan hiệu quả. Ít ai biết, trong những nhánh rau đắng nhỏ vươn dài còn có chất ngăn ngừa hình thành sỏi thận và phòng bệnh suy tĩnh mạch chân ở người. Do chứa nhiều chất giúp làm se, kết dính nên rau đắng còn được dùng ăn hoặc giã, vắt lấy nước nhằm làm mát, mau lành vết thương, ngăn ngừa chảy máu ngoài da và bên trong cơ thể.
Ăn rau đắng ngon nhất là tầm tháng 10 - 11 âm lịch. Ai chịu được vị đắng có thể ăn sống, tuy nhiên thường rau đắng được ăn dạng tái. Từ lâu những món ăn của miền sông nước Nam bộ không thể thiếu vị đặc trưng của rau đắng là món cháo cá lóc và lẩu cá kèo.
Ăn sống rất ngon
Xem như loại rau ghém ăn kèm trong “họ” rau sống đặc sắc, rau đắng trộn lẫn với bắp chuối, giá, rau muống bào, xà lách non dùng ăn với món nướng, trộn gỏi, hoặc luộc lên chấm với mắm của các loại cá kho… rất được người Nam bộ yêu thích.
Ngọc Hà



Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Đằng sau những chặng đường từ thiện

Đang lúc loay hoay tìm hướng đi phù hợp thì mình đọc được bài này, mình lưu vào đây như một sự nhắc nhở, một lời động viên

SGTT.VN - Làm từ thiện, chỉ có cái tâm và vật chất thôi thì chưa đủ. Tiêu chí và hướng thực hiện đúng, vẫn chưa đủ. Từ thiện còn đòi hỏi sự cố gắng, một sự cố gắng hầu như không có điểm dừng.

Phát cơm trưa tại bệnh viện Ung bướu, TP.HCM.

Chuyện thứ nhất
Tôi có một cô bạn nhà báo quê Quảng Nam, dù viết mảng đối ngoại nhưng rất quan tâm tới mảng xã hội, đặc biệt là từ thiện. Một lần trở về từ K., cô điện thoại cho tôi đầy xúc động: “Chị ơi, không thể tưởng tượng được, trẻ con ở đó đi học phải đu dây qua sông, rồi đi bộ hàng chục cây số tới trường”. Rồi khi nghe tôi bày tỏ sự quan tâm và hứa đi tìm nguồn để xây một cây cầu bêtông, cô rốt ráo liên lạc với địa phương, hướng dẫn và lãnh toàn bộ công việc, thu thập hồ sơ, hình ảnh, trình bày đơn xin tài trợ, dịch hết sang tiếng Anh. Cô làm tất cả bằng thời gian vốn rất eo hẹp của mình, và tự trả chi phí để một lần nữa lặn lội tới đó hoàn tất hồ sơ. Gửi giấy tờ đi rồi, chúng tôi hồi hộp chờ… và thất vọng não nề khi dự án bị từ chối với lý do nhà tài trợ “nghe nói” vùng đó có rất nhiều lâm tặc. Họ không xây cầu để phá rừng, đơn giản thế. Và họ không xây cầu chỉ để phục vụ 30 đứa trẻ của một buôn làng heo hút.

Chuyện thứ hai
Đầu những năm 1990, tôi đưa một cặp vợ chồng người Đức đi xuyên Việt. Người chồng là nhà báo, còn vợ là thư ký văn phòng. Bẵng đi mười năm sau, tôi nhận được một cú điện thoại: họ đã quay trở lại Việt Nam. Trong cuộc gặp năm ấy, tôi được biết người chồng đã là chủ bút của năm tờ báo và tạp chí thể thao danh tiếng tại miền Nam nước Đức, người vợ đã nghỉ việc, họ là những tỉ phú. Và ngạc nhiên hơn nữa: sau chuyến đi duy nhất ấy, họ đã đóng góp rất nhiều vào những quỹ từ thiện dành cho trẻ em Việt Nam, đã nhận đỡ đầu cho một em bé nghèo ở Sài Gòn... để rồi khi đã ngấp nghé tuổi hưu, họ muốn lập ra một quỹ từ thiện hỗ trợ trẻ em nghèo Việt Nam trên con đường học vấn. Nhưng họ không muốn đi theo lối mòn của những quỹ khác mà muốn làm thật cụ thể, kết nối và tạo quan hệ cá nhân với từng em trong dự án. Dự án đầu tiên dành cho năm thiếu niên nghèo từ phổ thông cơ sở tới trung học tại một tỉnh miền Tây Nam bộ. Các em được hỗ trợ xe đạp, đồ dùng học tập, các khoá học tiếng Anh và cả gia đình cũng được giúp đỡ. Những năm đầu, tất cả mọi người đều phấn khởi, sự giúp đỡ mang lại hiệu quả thấy rõ. Nhưng cùng với thời gian, sự phấn khích ban đầu, lòng say mê học tập giảm sút rõ rệt. Các em mang tâm lý của những-người-may-mắn-hơn-người-khác, và vì thế thái độ đối với bạn bè, trường lớp thay đổi rất nhiều. Rồi những yêu cầu theo kiểu “mọi sự phải hoàn hảo” theo quan điểm phương Tây từ nhà tài trợ, dần dần làm các em nản chí. Nhà tài trợ thất vọng và giảm dần mức độ tài trợ…

Chuyện thứ ba
Người đàn ông ấy lúc nào cũng tất bật. Không tất bật sao được khi phải dậy từ 2 giờ sáng để cùng vợ chồng người bạn nấu 1.000 phần cháo cho kịp phát vào lúc 4 giờ trước cửa bệnh viện Ung bướu, từ thứ ba tới thứ sáu. Chủ nhật nào cũng 3 giờ sáng, anh cùng nhóm từ thiện nấu 500 phần cơm trưa để kịp phát lúc 7 giờ, rồi quay lại tiếp tục nấu cơm chay miễn phí cho người nghèo tại một ngôi chùa. Tuần nào cũng vậy, gần 20 năm nay. Anh còn đi tìm nhà tài trợ cho dự án xe lăn, xe lắc, đi xin tiền xây nhà tình thương cho người nghèo, người dân tộc. Rồi tháng nào cũng kêu gọi một xe đầy nhóc người, đi tắm cho bệnh nhân tâm thần, gây dựng bếp ăn miễn phí tại những bệnh viện vùng xa. Những lần đưa người khiếm thị đi mổ mắt, anh lo cho họ chu đáo từ chi phí mổ, phương tiện đi lại tới những cái khăn lau mồ hôi, hộp sữa... Chiếc xe cứu thương cũ kỹ của anh đã vượt hàng trăm ngàn cây số, chở miễn phí những bệnh nhân nghèo hấp hối về nhà để họ được ra đi trong vòng tay gia đình. Biết bao lần anh thấy đuối sức, nhưng rồi cứ nhìn thấy hàng ngàn thân nhân người bệnh xếp hàng từ 2 giờ sáng trước cửa bệnh viện chờ nhận cháo, nhìn thấy những người hấp hối mở mắt nhìn ngôi nhà họ đã sinh ra rồi mới ra đi là anh lại tiếp tục.

Chuyện thứ tư nhưng chưa phải là cuối cùng
Kết thúc chuyến làm việc tại Q., chúng tôi có lịch làm việc với đối tác tại Đ. về dự án khoan giếng tại một số huyện của Đ. Đối tác là một tổ chức xã hội của Nhà nước, đã nhiều lần xin tài trợ một số dự án nhưng chưa thành, cả hai phía đều hết sức mong chờ vào đợt gặp này. Đối tác đón chúng tôi vào buổi sáng, mọi việc đều suôn sẻ và hai bên hẹn nhau sẽ ký hợp đồng vào buổi chiều. Nhưng trong tôi cứ gợn lên một điều gì đó không bình thường về thái độ của người dân trong vùng dự án. Trái với vẻ hồ hởi của cán bộ xã, dân tiếp chúng tôi không mấy mặn mà. Chúng tôi quyết định dời cuộc hẹn và âm thầm quay đầu xe trở lại vùng dự án thăm những xã khác mà không vào uỷ ban xã. Những người dân cho biết: nước ở đây nhiễm phèn, dù cho có áp dụng mọi biện pháp để tẩy phèn cũng không thể nào dùng được nước giếng. Đã có nhiều đoàn về xem xét và những nơi có thể thì người ta đều đã khoan giếng! Tìm hiểu thêm thông tin của một quỹ nước ngoài đang hoạt động tại đó, chúng tôi có đủ những bản xét nghiệm chất lượng nước với rất nhiều điểm không trùng khớp với hồ sơ mà đối tác đã trình bày. Đồng thời những tính toán về chi phí dự án cũng vượt xa con số thực tế tại địa phương.

Rời Đ. mà lòng trĩu nặng. Không thể quên hình ảnh những người dân ở vùng đất khô cằn khắc nghiệt ấy. Không thể quên những bộ mặt đang hồ hởi bỗng cúi gằm trước những gì chúng tôi đưa ra…

Những câu chuyện như thế còn nhiều lắm. Nhưng chặng đường vẫn tiếp tục. Người vẫn đi. Và tôi chợt nhớ tới câu ca của nhạc sĩ họ Trịnh: “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng…”

BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THUỲ LINH