Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Tách sứ



Như đa phần dân văn phòng,  mình cũng có một chiếc tách cá nhân. Đó là món quà sinh nhật từ năm xửa năm xưa, theo thời gian đã nhuốm màu cổ kính. Lặng lẽ trên bàn làm việc, chiếc tách ấy thay chàng say đắm ngắm nhìn mình hằng ngày hàng giờ bất kể mình thảnh thơi tươi tắn hay bận rộn cáu kỉnh.



Mình thích những chiếc tách cá nhân. Chúng đa dạng chất liệu, màu sắc, kiểu dáng và có vẻ gì đó rất cá tính hệt như người mạnh mẽ vậy bởi chúng luôn tự tin đứng một mình. (Nhưng cũng có những chiếc tách mê chơi rủ nhau kết thành một cặp. Khi ấy, cũng hệt như con người, chúng phải tìm được ở nhau điều gì đấy đồng điệu mới có thể trở thành một “cặp đôi hoàn hảo”). Nhìn xinh chưa nè:







Chùm ảnh từ Google

Tết năm nay, cô Bé đã dành tặng mình một món quà dễ thương là chiếc tách sứ thanh tao chứa những viên chocolate hảo hạng khiến mình và các con nảy ra ý định mở một bộ sưu tập tách.




Theo mình, đó là một ý định khả thi, vừa gần gũi với sở thích nấu nướng vừa không quá tốn kém công sức, tiền bạc. Và đây, những chiếc tách đầu tiên được sắm sửa sau dự định ấy.



Khi tình cờ thấy, mình đã thích chúng ngay với ý nghĩ rằng 2 chiếc tách đối màu này như 2 con người khác biệt nhưng chúng có thể đứng bên nhau rất hài hòa nhờ có hoa văn đồng điệu. Ờ hén, chẳng phải ta cũng nên học hỏi chúng để kiếm tìm và khơi dậy sự đồng điệu nơi gia đình, bạn bè chứ không phải chỉ biết mộng mơ hạnh phúc? Dĩ nhiên nói thì dễ hơn làm nhưng chẳng lẽ ta lại không thể hạnh phúc bằng những chiếc tách sao? Nào, có ai cùng “kiếm” và “khơi” với mình không?

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Chúc mừng lễ tình nhân

Tối qua có người “báo cáo” đi thăm nhạc phụ rồi trở về với một bó hồng đỏ thắm và một hộp kem vụn chocolate thơm ngon, một người khác thì thức khuya hơn để làm bánh Chocolate orange cheesecake (và một số người khác thì tíu tít ăn kem và ghen tị!). Kể ra cũng lãng mạn phết, so với lứa trẻ thì thua xa nhưng đọ với phần đông dân số nước Việt thì có lẽ cũng hơi màu mè hoa lá … hẹ!

 
Có người hẹn làm giúp mình một khuôn chữ Valentine để trang trí bánh nhưng rồi người ta mải chơi game rồi quên luôn nên chiếc bánh trụi lủi vầy nè, dễ giận không?

Nhưng nên vậy, rất nên vậy hén dù Valentine là một ngày lễ ngoại lai và đang dần bị thương mại hóa. Valentine như một cột mốc để ta nhìn lại những ngày bên nhau và chẳng phải vô cớ mà người ta tặng nhau chocolate vào dịp này. Chocolate thơm ngon nhờ vị nhẩn đắng rất đặc biệt như lời nhắc ta hãy biết yêu quý cả điều hay và cái dở của người thương, như mái nhà ta đang sống có cả niềm vui lẫn nỗi buồn nhưng ta sẽ luôn hạnh phúc nếu biết cách “thưởng thức” cuộc đời mình.

Những gì đi từ trái tim sẽ đi đến trái tim, nhất định vậy! Hãy luôn sôi nổi và chân tình dù cuộc sống còn nhiều bất đồng, vất vả!

Chúc mừng Valentine! Mong Tình yêu luôn thắp sáng trong tâm hồn chúng ta!

Ảnh Google images

ĐỌC THÊM:

Bạn có biết, có tới tận... 3 Valentine

Valentine Đỏ ngày 14/2, Valentine Trắng ngày 14/3 và chưa hết, có cả Valentine Đen ngày 14/4 nữa cơ!

Valentine Đỏ (14/2)
Valentine Đỏ là ngày lễ Tình nhân truyền thống, ngày mà tất cả những người yêu nhau trên thế giới mong chờ - 14/2. Truyện kể rằng, ở một xứ sở xa xôi, có một vị hoàng đế độc tài muốn ngăn cấm nam nữ yêu nhau. Nhưng dù ông ta có ngăn cấm bằng mọi cách thì những người yêu nhau vẫn đến với nhau. Cảm động trước những tình cảm chân thành này, giám mục Valentine đã hi sinh sự sống của mình để cùng những cặp tình nhân đến với Thiên đường. Và ngày lễ Tình yêu ra đời! Valentine Đỏ là dịp để những người yêu nhau bày tỏ tình cảm của mình với nửa còn lại. Vào ngày này, người ta tặng nhau chocolate, hoa hồng đỏ cùng những tấm thiệp chan chứa yêu thương…


Valentine đỏ ngọt ngào...
 
 Valentine Trắng (14/3)
Vì tình yêu luôn mới mẻ mỗi ngày, người ta dường như yêu nhau nhiều hơn sau những giấc mơ dịu dàng, nên một ngày Valentine dường như là không đủ. Bởi vậy, từ đất nước mặt trời mọc, một ngày lễ Tình nhân nữa ra đời và nhanh chóng được các bạn thanh niên đón nhận. Valentine Trắng ra đời từ đó!
Valentine Trắng còn được biết đến với những cái tên như White Valentine, White day. Đây là một cơ hội tuyệt vời để những người yêu nhau được ở bên nhau. White day diễn ra sau Valentine đúng một tháng, vào ngày 14/3, là dịp để những bạn nam đáp lễ các bạn nữ. (Vì các bạn ấy đã nhận được chocolate từ “bạn ý” trước đó rồi mà

 
Valentine trắng là ngày để teen boy tặng quà lại cho bạn gái
Valentine Trắng là ngày mà phe kẹp nơ rất yêu. Những món quà từ đối phương có thể là chocolate đen hoặc trắng, trang sức hay ấn tượng hơn là... đồ chíp trắng tinh.

3. Valentine Đen (14/4)
Mới nghe đã thấy ngày lễ này thật kỳ lạ phải không, màu đen thường khiến người ta nghĩ đến những điều không tốt mà. Nhưng sự thực lại không như bạn nghĩ đâu! Valentine Đen (hay Black Valentine, Black day) vẫn được các bạn trẻ Hàn Quốc kỷ niệm mỗi dịp 14/4. Khác với tên gọi có phần "đen tối", đây là ngày để những bạn chưa tìm được một nửa của mình hay những bạn tôn thờ chủ nghĩa độc thân cùng tụ họp và làm nên những party sôi động. Ai bảo những người cô đơn là buồn nào? Các bạn ấy cũng hẹn hò nhau, mặc những bộ quần áo màu đen và ăn món mỳ đen truyền thống Jachang. Ngày này, bạn cũng có thể dễ dàng tìm được những phong chocolate ngọt ngào và nhâm nhi ngon lành như một món quà tự thưởng cho cuộc sống độc thân vui vẻ của mình! 


Valentine đen - ngày của "hội độc thân"

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Xôi bắp


Quà của cô em út sau chuyến về thăm quê chồng ở Đồng Tháp là mấy trái bắp trắng (chắc là bắp nếp?). Thiệt tình là mình không biết làm gì với món quà này cả nhưng tiếc công em tay xách nách mang mà con thì nhỏ người thì say xe nên không nỡ bỏ, để  lăn lóc ở góc nhà cả tuần lễ bắp héo khô đành lẫy hạt và nghĩ mãi mới ra có thể dùng làm món xôi bắp. Thế thì phải cầu viện anh chàng Google chứ mình nào giờ có biết làm đâu. Phải công nhận anh chàng này dễ thương ghê, hỏi có 1 câu cộc lốc “xôi bắp” mà nhiệt tình chỉ đủ thứ cách tha hồ mà “ngâm cứu”.

Làm thì thiệt làm lâu mà ăn vèo cái đã hết. Cậu em nhấm nháp xong đĩa xôi gật gù xúi mình nghỉ làm ở nhà bán xôi cho khỏe. Ờ, để mai vào báo cho sếp biết không cưng thì tui nghỉ việc thiệt à nha!



XÔI BẮP (phỏng theo Sức Sống mới)

NGUYÊN LIỆU:
500 g bắp hạt khô
100 g nếp ngon
100 g đậu xanh không vỏ
100 g củ hành tím
1 chén dầu ăn
100g đường cát trắng (nếu thích)
1 chén dừa cứng cạy bào sợi
1 nắm lá dứa
1,5 muỗng cà phê muối
1 muỗng cà phê vôi ăn trầu
Muối mè:
100dgđâu phọng rang vàng, giã dập
50g mè trắng rang vàng, giã dập
1/2 muỗng cà phê muối, rang khô
2 muỗng súp đường

CÁCH LÀM:
-Bắp lựa loại loại còn mới để xôi được dẻo. Vo sạch, vớt bỏ hạt nổi, ngâm nước 12 tiếng.
-Nếp vo sạch, ngâm nước 4 tiếng, xả sạch để ráo, trộn với ½ muỗng cà phê muối
-Đậu xanh vo sạch, ngâm nước 4 tiếng, hấp chín, giã nhuyễn rồi nắm lại thành từng năm chắc tay.
-Hành tím bóc vỏ, bào thành từng lát mỏng, phi vàng với dầu ăn. Vớt ra giấy cho ráo dầu và giòn. Lưu ý khi hành hơi vàng thì tắt bếp, dầu nóng sẽ làm hành vàng thêm nên nếu để vàng hẳn mới tắt bếp thì hành sẽ bị khét và đắng
Muối mè: trộn chung tất cả nguyên liệu lại với nhau
Hầm bắp:
- Lần thứ nhất: Hòa 1 lít nước lọc với 1 muỗng cà phê vôi ăn trầu, để lắng lấy nước trong rồi đổ nước vôi trong này vào nồi, sâm sấp mặt bắp, nấu khoảng 30 phút cho vỏ hạt bắp bong lên hết. Cho bắp ra một cái rổ tre rồi dùng đáy chén đá chà cho hạt bắp rớt mày và bong vỏ. Xả bắp với nước nhiều lần cho hạt bắp thật sạch, để ráo. (Sau khi luộc xong bắp có màu vàng nhẹ rất đẹp nhưng hỡi ôi, mình không chà được mày bắp, chắc tại chưa có kinh nghiệm và cũng chẳng có rổ tre chén đá nên đành ngồi cắt bỏ mày từng hạt, từng hạt, từng hạt... chẵn 2 tiếng đồng hồ, thấy mình giống như nàng Lọ Lem nhặt đậu trong truyện cổ tích vậy! Một lần đủ tởn tới già, lần sau có muốn ăn xôi thì mua bắp tươi cho lẹ!)  
- Lần thứ hai: Cho bắp vào nồi, đổ nước ngang mặt bắp, thêm vào khoảng 1 muỗng cà phê muối, nấu lửa nhỏ cho bắp nở mềm rồi đổ bắp ra rổ, xả nước một lần nữa cho bắp sạch nhớt, để ráo.
Hong xôi:
-Lá dứa rửa sạch, cho vào nồi nước đun sôi
-Trộn đều bắp đã nấu mềm với nếp rồi cho vào xửng hong cho xôi chín (Nhớ soi ở xửng vài lỗ để hơi nước lên). Khoảng 10-15 phút mở nắp xửng ra, dùng đũa trộn xôi cho chín đều từ trên xuống dưới. Hong tiếp 15’ nữa cho nếp chín đều.
-Trộn 2 muỗng xúp đường vào xôi để bắp có vị ngọt nhẹ

CÁCH DÙNG:
-Dùng dao bào đậu xanh thành từng lát mỏng, vò mịn
-Múc xôi ra đĩa, rắc đậu xanh, hành phi, đường và một chút muối đậu. Ai thích ăn béo thì rưới thêm chút dầu phi hành
-Dùng nóng ngon hơn nguội

ĐỌC THÊM:
Xôi lúa - Món quà sáng thơm hương đồng quê

Ảnh Internet

Chắc chắn đây là một món ăn sáng của người Hà Nội vì tôi chưa gặp một hàng xôi lúa nào bán buổi chiều hoặc ban đêm (không kể hàng xôi lúa ế, phải bán đến trưa - là những hàng xôi đó không ngon rồi).

Có một điều đáng chú ý là không có một ông đàn ông nào bán xôi lúa, và suốt mấy chục năm qua, từ khi có ngành ăn uống quốc doanh, không thấy cửa hàng mậu dịch nào kinh doanh xôi lúa, dù rằng các cô mậu dịch viên chế biến đủ các món. Không có lãi? Không biết kỹ thuật? Hay tự nhận thua ngay một bàn từ đầu, không dám?

Đó là món ăn thông thường, món ăn quà sáng của những người lao động, thợ thuyền, người lương ít, các em học sinh... nói chung là của những người nghèo. Còn người giàu có ăn thì cũng chỉ là ăn mà chơi, ăn đổi bữa cho vui sau khi đã chán ngấy những món cao sang.

Ở nông thôn hoặc một số địa phương khác nhiều người ăn ngô bung. Bung ngô với đậu xanh thì có màu ngà. Bung với đậu đen thì có màu nâu nhợt. Có khi không có gạo nếp, không có đỗ phủ lên và ít khi có hành mỡ. Đôi khi còn mùi vôi nồng nồng. Vì vậy ngô bung chỉ là món ăn đỡ lòng cho no chứ không thành món quà. 

Xôi lúa của người Hà Nội khác hẳn. Mà có lẽ chỉ có người Hà Nội mới gọi món xôi ngô này là xôi lúa. Người gọi nó là xôi ngô, biết ngay đó không phải là người Hà Nội. Hình như chỉ có vùng Tương Mai làm xôi lúa ngon nhất.

Bao giờ xôi lúa cũng có màu hoàng yến, màu vàng chanh. Cái phớt trắng của hạt ngô đã nhừ, xen kẽ với hạt gạo đã nở, mọng như nhân hương sen non, mềm mà không nát. 

Lớp đỗ xanh đánh vào xôi cho xôi tơi xốp là đỗ xanh đồ chín, giã nhỏ nắm từng nắm như chuẩn bị gói bánh chưng, nhưng to hơn nhiều, gọt ra từng lớp mỏng tang, rơi lả tả xuống thúng xôi, có lát hơi dầy còn uốn cong như một mảnh bìa vàng, như nửa cây bài tam cúc. 

Con dao không cần sắc lắm nhưng bà hàng xôi lướt nó nhanh như làm ảo thuật, như các cô gái phục vụ ở một số khách sạn người Tàu xưa cầm dao gọt củ mã thầy chỉ một tay gọt xong, cũng vẫn chỉ một bàn tay ấy tung củ mã thầy lên cho nó rơi đúng đầu lưới dao, cô cầm con dao dâng khách. Củ mã thầy vẫn trắng tinh vì chưa có hơi bàn tay, dù ngón tay cô đã trắng nõn nà.

Xới xôi, phủ đỗ lên, rưới lên gói xôi một chút mỡ nước có hành phi thơm ròn, hành khô được thái ngang, cọng lại có màu vàng bánh rán non, thành cái nhụy nâu trên nền bông hoa vàng.

Ít người ăn xôi lúa với đường. Thường chỉ một ít hành mỡ này đã đủ dậy mùi, cái mùi đặc trưng của xôi lúa. Nhai một miếng xôi lúa có đủ cả mùi vị: bùi, béo, ngậy, thơm, ngọt, dẻo và đôi khi nhai vào cái phôi ngô còn thấy sần sật như một thứ sụn non. 

Bà hàng xôi lúa không đi rong. Bà nào ngồi ở đâu, ngã tư nào, mái hiên nào, thường cứ ngồi chỗ đó hàng chục năm. Chuyến xe điện đầu tiên từ chợ Mơ (nay không còn tầu điện thì các bà đi xe buýt, xe lam, có bà đi xích lô...) vào nội thành, chở những bà hàng xôi lúa áo quần tươm tất, nhiều bà còn mặc áo dài vải Đồng Lầm với hai thúng xôi lúa nặng còn bốc khói qua chiếc vỉ buồm có mầu nâu.

Cùng với xôi lúa các bà còn bán cả những thứ xôi khác như xôi xéo, xôi lạc.

Có lần tôi vào miền Nam , ở vỉa hè gần chợ Bến Thành cũng gặp hàng xôi lúa. Bà hàng xôi còn có một thứ cùi dìa đặc biệt. Đó là một mẩu cuống lá dứa dại, cứng, khách dùng nó xúc xôi ăn, ăn xong vứt luôn. Mỗi sáng bà dùng hàng trăm chiếc cùi dìa như thế. Tôi không kịp hỏi bà người ở đâu, chỉ kịp nghe bà nói giọng Bắc, rất Bắc. Xôi của bà ăn cũng ngon.

Khách ăn xôi lúa thường ngồi ngay trên vỉa hè. Có người đứng, có người ngồi trên xích lô của mình, người thì ghếch chân lên xe đạp, tựa lưng vào bờ tường... Có người ăn bằng bát, nhưng đa số là cầm cả gói xôi đưa lên miệng, cũng chả cần đũa chả cần thìa.
Xôi lúa không cần ăn với thứ nào khác, như thịt kho, ruốc, tôm, giò chả. Chỉ có một mình nó đã ngon rồi. Giống như xôi lạc đâu cần phải ăn với giò, xôi gấc đâu cần ăn với lạp xường.

Ngày trước gói xôi có một nét riêng một mảnh lá sen nhỏ, có cái hình quạt giấy mở nửa chừng, được đặt khum khum vào lòng tờ giấy rồi bà hàng xóm đơm xôi vào đấy, gấp mấy góc lại. Ăn xôi mà thoang thoảng mùi hương sen dễ chịu. 

Mùa sen tàn, không có lá sen thì gói bằng lá bàng, nhưng bàng hay có sâu róm, các bà thường phải lau kỹ lá từ hôm trước sạch bóng lên như quang dầu. Gói lá sen vẫn ngon hơn, lại không dính xôi ra giấy, mỡ không dây ra tay.

Nếu em nhỏ mua mang về, thì bà hàng xôi rưới mỡ nước trước rồi mới phủ đỗ lên sau, vừa sạch sẽ vừa không phí mỡ.

Cũng có người cẩn thận, loại công chức nhỏ, thầy giáo, ăn ngay ở ngoài đường thì ngại, nên hay cho người nhà mua xôi lúa về, chuyển sang bát dùng đũa hay cùi dìa để ăn. Ăn cách đó với cách ngồi ngay ở vỉa hè, cách nào ngon hơn? Mua về nhà hợp vệ sinh hơn, có thể ăn thong thả hơn, nhưng ngon hơn thì chưa chắc, nó giống như dùng đũa để và cốm, dùng tăm cắm vào múi mít đã bóc sẵn để trên đĩa, dùng đĩa bạc ăn thịt chó...
Có người chỉ thích ăn xôi lúa ngay ở vỉa hè, còn so sánh như ăn xôi phải nắm chim chim mới ngon, chứ dùng đũa gắp xôi vào bát là mất ngon đi một nửa.

Có người nói mùa mít, bà hàng xôi lúa dùng hạt mít luộc, giã nhỏ trộn dành dành để thay đỗ xanh. Tôi không tin dù có thể có. Nhưng chữ tín làm đầu. Khách hàng quen của các bà đều biết và các bà biết đến thế nên thông thường chỉ sau khi cơ quan mở cửa làm việc ít phút, gánh xôi có ngọn của bà đã hết, các bà ngả nón ra đếm tiền, xếp lại cho vào cái bị con, chuẩn bị ra về phía ngoại thành.

Có bà còn tranh thủ một lúc bóc hành, thái hành, rồi mới ra về, mùi hành xông ra cả xung quanh có người chảy nước mắt. Bí quyết của các bà hàng xôi lúa Mai Động là gì? Xin cứ để các bà giữ bí mật gia truyền. Chúng ta sung sướng có một món ăn ngon, rất Hà Nội dù nó chỉ là một món ăn phổ thông, rẻ tiền, chứ không phải cáo lương mỹ vị gì như đặc sản, gà hầm, chim quay, tái dê, ba ba tần...

Cuối cùng cái tên của nó cũng lạ: Xôi lúa. Ngô mà lại gọi bằng lúa? Có lẽ từ Việt ngô lúa có chỗ trùng nghĩa chăng?

Nhiều nơi chỉ gọi là xôi ngô, là ngô bung. Riêng Hà Nội bao đời nay vẫn chấp nhận cái tên đó, như người ta chấp nhận sự vô lý trong thơ, chấp nhận vợ mình là đáng quý nhất trên đời, đẹp nhất trên đời, chả thế mà có câu: Nhất vợ nhì giời. Hay thật./.
 

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Mai thắm

Chiều nay lại thấy ngoài đường vẫn còn xe chở cây mai. Ừ, hết Tết rồi, mai lại trở về vườn lặng lẽ đón nắng ngậm sương bền bỉ suốt năm chờ xuân đến tặng đời một mùa hoa mới. Mình cũng phải về cất cây mai bonsai thôi kẻo nấn ná thêm nữa, màu hoa sẽ phai vì bụi bẩn – hoa mai voan mà.

                                               
Tiếc quá, mai thì đẹp mà mình không biết chụp cho ra hồn

Làm sao không nâng niu được khi từng nụ từng hoa đã được cô bạn miền Tây cặm cụi tỉ mỉ kết bao ngày dù rất bận rộn. Đó là một món quà tết bất ngờ và ấn tượng để bây giờ, hễ nghĩ đến mai là lại nhớ đến cô bạn rất đỗi dịu dàng

                                                 
Mỗi hôm bạn chỉ kết được vài nụ vài hoa, làm cây mai sum suê này bạn phải thức bao khuya?

                                     
Mai voan nhưng nhìn rất duyên, nụ xanh e ấp, hoa vàng với nhụy thắm xinh xinh 

Bạn biết không, đến năm nay là 3 Tết rồi nhà mình không bưng cây mai thật vào phòng khách nữa để cây mai voan ấy tự nhiên khoe sắc bên bàn nước. Bọc mai cẩn thận vào một túi nilon rồi mình không biết năm sau mai có cùng nhà mình đón Tết được nữa không bởi đã thấy vài nhụy hoa rã rồi.

                                        
Vài nhụy bắt đầu rã phấn trơ cọng chỉ lua tua thấy thương

Bạn ơi, dù cẩn thận đến mấy rồi cũng sẽ đến lúc không dùng được cây mai nhỏ nhắn ấy nữa, nhưng đừng buồn nhé, trong lòng gia đình mình bạn như hoa mai mùa xuân đằm thắm mang niềm vui đến bao người. Và mình tự hào được làm bạn với bạn  - một cô giáo giỏi luôn chăm chút dạy dỗ bao lứa học trò như những đứa con yêu của mình, một người bạn chân tình, một người con hiếu thảo. Chúc bạn luôn vui và mạnh khỏe!

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Cranberry and orange muffin

Nghĩ nghỉ Tết tha hồ rảnh rỗi, chiều cuối năm bận rộn mình vẫn còn ráng vòng vào trung tâm thành phố mua bơ về tích trữ. Bột, đường, chocolate và các loại hạt cũng đầy đủ cả nhưng mải chơi quá đến hôm nay mình mới thực sự khai lò với một công thức từ cuốn sách mới. Cũng nhanh như những mẻ muffin khác, chỉ cần dọn rửa đồ nghề xong thì bánh cũng bắt đầu tỏa hương thơm dịu dàng của tinh dầu cam tự nhiên khiến mình thật hào hứng khi liên tưởng rằng năm mới sẽ đến với mình với nhiều điều tốt lành bởi mình không chỉ mong ước mà còn quyết tâm thực hiện. Vậy thì thú vị lắm, những buồn phiền xưa cũ sẽ chỉ thoảng qua như vị chua nhẹ của cranberry làm tôn thêm mùi thơm dịu dàng của cam và vị ngọt vừa của bánh.
Và mong rằng điều tuyệt vời ấy cũng sẽ đến với tất cả mọi người!

                                  
 
CRANBERRY & ORANGE MUFFINS
(Phỏng theo The muffin collection – Susanna Tee)

NGUYÊNLIỆU: (40 bánh cỡ 7.5)
200g cranberry khô
3 muỗng xúp nước cam
280g bột mì đa dụng
1 muỗng xúp baking powder
1/8 muỗng cà phê muối
80g đường
2 trứng
200ml sữa tươi không đường
85g dầu hoặc bơ lỏng
Vỏ 1 quả cam lớn, bào nhuyễn
Dầu/bơ lỏnh để thoa khuôn nếu không dùng cup giấy

CÁCH LÀM:
-Ngâm cranberry và nước cam cho đến khi thấm hết nước cam. Nếu cần làm gấp thì đặt thố lên bếp, đun nhẹ cho thố ấm để nước cam dễ thấm hơn
-Mở lò 180oC
-Trộn bột, bột nổi, muối, đường vào 1 tô lớn. Rây đều. Đẩy bột vào thành thố tạo thành 1 lỗ trống lớn ở giữa thố bột
-Lấy 1 cái thố khác đánh sơ trứng rồi cho dầu, vỏ cam nạo nhỏ, dầu/bơ lỏng vào, đánh đều rồi đổ từ từ vào thố bột, vừa đổ vừa khuấy cho đều sau cùng cho cranberry vào. Lưu ý: khuấy nhẹ tay và chỉ trộn càng ít càng tốt sao cho bột vừa đều là được, không trộn quá nhiều tránh bánh bị chai cứng
-Dùng muỗng múc kem để múc bột vào khuôn (sao cho bột chỉ cao 2/3 hoặc ¾ khuôn khi bánh nở sẽ vừa đẹp)
-Nướng 15’ thì xoay khay để bánh chín đều. Nướng thêm chừng 5’ nữa cho bánh nổi và hơi vàng mặt là được
-Để bánh trong khuôn chừng 5’ cho bánh nguội bớt mà không bị khô, lấy ra dùng nóng hoặc bỏ ra vỉ để nguội
*Bánh dùng nóng ngon hơn dùng nguội. Cất bánh trong hộp kín và chỉ nên dùng trong ngày kẻo bánh bị khô.

ĐỌC THÊM:

NAM VIỆT QUẤT

Tên gọi và lịch sử

Tên tiếng Anh của nam việt quất là cranberry, có nguồn gốc từ chữ "crane" nghĩa là "hạc", được dùng đầu tiên bởi những người di dân Âu châu sang Hoa Kỳ, vì họ thấy hình dáng cánh hoa, đài hoa, cuống hoa có vẻ giống như mỏ, đầu, và cổ chim hạc.

Ảnh Google images

Một tên khác cho loài này ở phía Bắc Canadamossberry, hay "dâu rêu"). Tên tiếng Anh nguyên thủy của loài Vaccinium oxycoccos, fenberry (dâu dương xỉ), xuất phát từ việc người ta tìm thấy chúng mọc lẫn với dương xỉ trong những vùng đầm lầy.

Ảnh Google images

Chế biến

Khoảng 95% nam việt quất thu hoạch được chế biến thành nước ép trái cây, sốt, và nam việt quất khô thêm đường, 5% còn lại bán tươi ở chợ. Nam việt quất ăn tươi thường quá gắt, vì nó có vị chua và đắng.
Nước ép nam việt quất là sản phẩm chính từ nam việt quất, thường được thêm đường để làm thành món "cocktail nam việt quất" hoặc pha với các loại nước ép quả khác để giảm vị chua. Nhiều loại cocktail như Cosmopolitan được pha với nước ép nam việt quất.
Trái nam việt quất cũng được nghiền thành một dạng rau câu (jelly), gọi là sốt nam việt quất (cranberry sauce), dọn kèm với các món rô ti như món gà tây trong lễ Giáng Sinh của người Anh, hay lễ Tạ Ơn của người Mỹ và người Canada. Nam việt quất cũng dùng làm mứt, được cho vào kem, vào bánh (muffins, scones và bánh gateau). Những đầu bếp sáng tạo còn dùng nam việt quất để thêm vị chua cho các món mặn như súp hay món hầm.

Kem nam việt quất - Ảnh Google images

Man việt quất tươi có thể được đông lạnh tại nhà để bảo quản trong 9 tháng. Rượu nam việt quất (Cranberry wine) sản xuất tại các vùng trồng nam việt quất ở Mỹ được làm từ nam việt quất nguyên trái hoặc nước ép nam việt quất.
Nam việt quất là một trong những loại thực phẩm được canh tác rộng rãi khắp các tiểu bang Hoa KỳCanada. Phần lớn nam việt quất thu hoạch được chế biến thành nước ép quả, sốt, và mạn việt quất sấy khô thêm đường, phần còn lại để tươi để bán cho người tiêu dùng. Sốt nam việt quất là một món truyền thống không thể thiếu trong ngày Lễ Tạ ơn của người Mỹ và người Canada, cũng như trong các dịp lễ hội mùa đông của người châu Âu.

Ảnh Google images