Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Mong một năm mới tốt lành!

Những ngày nghỉ Tết đã hết. Dự định ở nhà dọn dẹp không thành vì ngày nào cũng “trên từng cây số” hết chúc tết hai bên nội ngoại và thầy cô giáo cũ lại đi chơi đường hoa đường sách, đến hội hoa Xuân, xem phim rồi ghé thăm bạn bè lâu ngày không gặp… Thôi thì chuyện riêng từ từ làm sau vậy, các con được thoải mái vui chơi sau một học kỳ khá vất vả và họ hàng bằng hữu có dịp hàn huyên là quý lắm rồi.

Đồng nghiệp ơi, đừng trách móc không ghé thăm nhau ngày Xuân nhé, chúng ta đã ngồi bên nhau mỗi ngày 8 tiếng suốt bao năm rồi xin hãy để mình dành những ngày đặc biệt này cho gia đình nhé, điều quan trọng là mình vẫn luôn bên nhau và cùng giúp nhau giữ được sức sống mạnh mẽ của mùa Xuân dù bù đầu với công việc hay có khi bất đồng, dù mùa Hạ sắp đến, mùa Thu có sang hay mùa Đông sẽ về. Vậy nghen.
Mong một năm mới tốt lành!

Đây vài kiểu ảnh kỷ niệm Xuân này:

Khoa và Tâm đi chúc Tết

                                              
A, Bí được lì xì nè!

                                                
Dâu thì chỉ thích bong bong thôi

                                              
Đợi chút nha để Bích Zero xem có nên nhận lì xì không
 
                                      
Bữa cơm đưa ông bà ở nhà Thiện - Yến

                                             
Cây khế bonsai được giải vàng ở hội hoa xuân Tao đàn

                                               
Thứ quả to đùng này là quả chanh đó, lạ chưa?

                           
Cây dâu tằm bonsai sum suê trái này làm thèm ly nước dâu ngâm đường quá!

                                     
Hãy như cây: tràn đầy sức sống!

                                   
Các con say mê với giọt nước long lanh trên lá sen

                            
Massage chân ở hồ cá - một thử nghiệm mới

                                    
Cánh bướm vườn xuân
                           
Bữa trưa tốc hành thiệt ngon ở nhà Hồng Loan

                                                
Chút thẫn thờ khi hết vé xem phim!

                                                
Vietnam's next top model 2012 (trên đường Lê Duẩn) 

ĐỌC THÊM:
Có những phong tục gì trong ngày Tết?

(DVHNN) Dân tộc ta có nhiều ngày Tết. Tết là cách nói tắt hai chữ lễ tiết. Có Tiết Thương Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên, Thanh Minh, Đoan Ngọ, TrungThu… Ngày tết nêu ở đây tức là nói tắt Lễ tiết Nguyên Đán (ngày đầu năm). Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ…

Từ trẻ đến già ai ai cũng biết, không nhắc thì thanh thiếu niên cũng mua cho được cành hoa bánh pháo, nghèo cũng có chiếc bánh chưng, chai rượu. Vì vậy xin miễn liệt kê dài dòng, để trao đổi một vài phong tục đáng được duy trì phát triển.

Tống cựu nghênh tân: Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, đình chùa, đường sá phong quang, tắm giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.

Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác viết vẽ bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dầu lạ dầu quen.

Đối với bà con xóm giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều xúy xoá hết. Dầu có thực lòng hay không nhưng không để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi: Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến, đi hái lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn tôn nghiêm mang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người “Nhẹ vía” mà mình thích đến xông nhà.

Bạn nào vinh dự được người khác mời đến xông thì nên chú ý, chớ có sai hẹn sẽ xúi quẩy cả năm đối với gia đình người ta và cả đối với bạn. ở thành thị thời trước, sáng mồng một, có một số người nghèo gánh một gánh nước đến các gia đình giầu có lân cận và chúc họ “Lộc phước dồi dào”. Những người này được thưởng tiền rất hậu.

Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng phải dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay đổ tại mình “Nặng vía”. Chính vì vậy, đáng lẽ sáng mồng một đông vui lại hoá ít khách, trừ những nhà đã tự xông nhà, vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà, từ người thứ hai trở đi không tính.

Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cùng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc có ca có kệ hẳn hoi nhưng xem người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất.

Chú ý tránh phạm tên huý gia tiên, tránh nhắc tới lỗi lầm sai phạm cũ, xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc. Chúc Tết nhưng người trong năm cũ gặp rủi ro tai hoạ thì động viên nhau “Của đi thay người”, “Tai qua nạn khỏi”, nghĩa là ngay trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.

Kể cả đối với người phạm tội vẫn với thái độ nhẹ nhàng, khoan dung. Nhưng, nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.
Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thật là đặm đà ý vị; hoặc điếu thuốc miếng trầu, hoặc chén trà ly rượu, chẳng tốn kém là bao.

Hiềm một nỗi, nhiều người còn quá câu nệ, công thức ruờm rà, không chủ động được kế hoạch. Nhiều vùng nông thôn, hễ đến chúc Tết nhau nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn gì đó chủ mời vui lòng, năm mới từ chối sợ bị giông cả năm.

Quà Tết, lễ Tết: Bình thường qua lại hỏi thăm nhau có khi cũng có quà, biểu lộ mối ân tình, nhưng phong tục ta đi lễ Tết vẫn có ý nghĩa hơn, nhất là đi trước Tết càng quý. Loại trừ động cơ hối lộ quan trên để cầu danh cầu lợi thì việc biếu quà Tết, tổ ân nghĩa tình cảm là điều đáng quý.

Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ… quà biếu, quà Tết đó không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: Không có quà, ngại không dám đến. Dân tộc ta tuy nghèo nhưng vẫn trọng nghĩa tình, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.

Lễ mừng thọ: Ở các nước Tây Âu thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ở ta ngày xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ nên vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thấp tuần, cửu tuần… tính theo tuổi mụ. Ngày tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.

Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ấn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày: Sĩ, Nông, Công, Thương “Tứ dân bách nghệ” của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thôn làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng cờ bạc, rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà.

Sau ngày mồng một, dù có mãi vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày “Khai nghề”, “Làm lấy ngày”. Nếu như mồng một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo bắt đầu không kể mồng một là ngày tốt hay xấu.

Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm, dụng vụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn). Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.

Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì ông bố cho phép vui chơi, có cả trẻ con người lớn những nhà hàng xóm, những gia đình thân cận cùng vui.

Tam cúc, cơ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm… ai thích trò nào chơi trò ấy. Đế lế khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn khi hoá vàng.

Tóm lại, ngày Tết là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Giá như phát huy thuần phong mỹ tục đó, từ gia đình ra xã hội, ai ai cũng đối xử với nhau trên thuận dưới hoà, kính giá yêu trẻ… thì đất nước quê hương sẽ tươi đẹp, giàu mạnh, và an lành biết bao…

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Bánh bông lan nho chuối - Banana raisin cake

Vốn hậu đậu, từ nhỏ mình đã không mê những con số khô khan rối rắm nhưng hỡi ôi, ghét của nào trời trao của nấy, lơ ngơ lớ ngớ thế nào mình lại “kết” một chàng đam mê những con số và vớ phải một nghề cũng đầy số và số, rõ khổ!

Những ngày năm cùng tháng tận này cũng là mùa cao điểm, công việc ngập đầu, mình ngụp lặn suốt ngày với trùng điệp các con số đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối, chao ơi là mỏi mệt !
Hôm nay, tới 18g20 mình đành rời phòng làm việc khi không thể làm thêm nổi nữa. Mắt nhức, đầu căng, vai mỏi, chân tay rã rời, về nhà ráng nuốt chén cơm mà như phải thi hành án phạt vậy. Vào giường nằm nghỉ bỗng thèm được ngửi mùi bánh thơm ngát từ căn bếp nhỏ, thế là lồm cồm mò dậy làm bánh bông lan nho chuối – thứ bánh đã lâu không làm mà mới tối kia có chị bạn mới nhắc hôm nào thong thả làm dùm chị 1 ổ.

Lần này bánh được đổ vào 2 khuôn loaf vừa mau chín vừa có cái tặng một “chiến hữu” cũng đang lu bu chứ không đổ vào khuôn bundt  xinh đẹp như mọi lần nên kìa, chẳng mấy chốc, mùi bơ quyện với mùi chuối bắt đầu đưa hương thơm thật dễ chịu. Mình biết mà, mùi hương quyến rũ này và chút bận rộn của việc làm bánh sẽ nhanh chóng khiến mình nhẹ nhàng đầu óc, lãng quên mỏi mệt để ngày mai lại bắt đầu cuộc chiến…sống còn với những con số (nghe ớn hen, nhưng mà căng thẳng thật đấy!)

BANANA RAISIN CAKE (phỏng theo Kiwi)
NGUYÊN LIỆU: (1 khuôn bundt 20cm hoặc 2 khuôn loaf 12x24cm)
180g bơ mềm nhưng còn lạnh
60g đường nâu, xay nhỏ
250g bột mì đa dụng
1,5 thìa cà phê bột nở
3 quả trứng gà lớn
3 quả chuối Đà lạt lớn
50g whipping cream
75g nho khô đen
3 muỗng xúp rượu rhum
1 ống vani
1 /4 muỗng cà phê muối

 
CÁCH LÀM:
-Ngâm nho khô với rượi rhum chừng 15’ cho nho mềm, vớt ráo
-Dùng bơ/dầu thoa khuôn rồi áo sơ qua bột để chống dính
-Trộn đều: bột mì, bột nở, vani, muối. Cho bơ đường vào tô trộn, dùng máy đánh trứng đánh cho bơ trắng tan ra
-Đánh bơ mịn, cho đường vào từ từ, đánh đều rồi cho từng quả trứng vào, dùng máy đánh cho trứng quyện đều với bơ, đường thành một hỗn hợp dẻo mịn.
-Cho chuối nghiền sơ, whipping cream vào trộn đều. Rây bột và trộn đều bằng cây trộn bột. Cho nho khô vào, trộn sơ
-Đổ bột vào khuôn đã chống dính, nướng 140oC trong 40-60’ đến khi bánh nâu vàng, dùng tăm thăm bánh không thấy dính là bánh đã chín (hình như lò nhà mình nóng hơn chỉ số nhiệt thì phải. Một cách chính xác để kiểm tra độ nóng là dùng nhiệt kế chuyên dụng – dĩ nhiên – nhưng bằng cách thường có thể thấy là bánh nở nhưng mặt bánh không nứt do quá lửa hay lõm do thiếu lửa là ổn)

ĐỌC THÊM:

Bảo quản và chế biến chuối

Chuối là loại trái cây thông dụng ở Việt Nam , từ quả chuối, hoa chuối, thân chuối. Có thể chế biến ra nhiều món ăn như chuối khô, chuối sấy, mứt chuối, rượu chuối, nước cốt chuối, bột chuối...
 
 
Chuối khô
Chuối chín tới hoặc chuối xanh bóc vỏ, thái lát, trải lên khay thủng, xông lưu huỳnh 15 phút, sau đó đem phơi hoặc sấy khô ở 55 – 91OC trong 18 đến 20 giờ. Để nguội cho vào túi nilông. Có thể giữ được trong 25 ngày. Nếu sau khi cho vào túi hàn kín lại để được 90 ngày.
Chuối khô có thể nghiền ra làm bột chuối hoặc làm thức ăn liền.
Lấy 5 kg chuối chín, bóc vỏ, thái lát, ngâm vào dung dịch bicacbonat sedium ( ½ thìa cà phê pha với 2 lít nước), xếp vào khay đem xông lưu huỳnh trong 1 giờ, đem ra phơi nắng hay sấy trong lò có nhiệt độ 55 – 60OC trong 20 giờ. Để nguội cho vào hộp sắt đậy kín.
Lát chuối khô có mùi thơm như mùi bánh mỳ, dùng làm nộm quả khô, kem đều được

Chuối khô (phương pháp dân gian)
Chuối chín bóc vỏ, thái lát ngang mỏng, trải đều trên nong, nia. Sấy bằng than củi khoảng 10 giờ. Chuối khô giòn, mùi thơm. Cho vào lọ thủy tinh dành ăn dần.
Chuối chín bóc vỏ, để cả quả trải trên nia, phơi héo, đưa vào sấy bằng than củi một đêm. Chuối khô, dẻo , ăn ngọt. Cho vào lọ đậy kín hoặc túi buộc kín. Chuối khô dùng làm món tráng miệng với nước trà đặc.

Kẹo chuối khô
Chuối khô thái chỉ, cho đường vào nước cốt dừa đun sôi, thả chuối, gừng non thái chỉ, dừa nạo trộn đều, đun nhỏ lửa, tới khi chuối đặc sền sệt vừa khô, bắc xuống. Chuối đã ngọt nên chỉ cần cho thêm một ít đường, 1 kg chuối khô chỉ cần cho 0,2 kg đường là đủ. Đổ chuối vào khuôn đã láng một lớp dầu dừa, nén chặt. Rắc ít lạc rang vàng bỏ vỏ, tách đôi lên trên. Dùng chày cán nhẹ lên chuối cho lạc dính vào chuối. Để nguội, cắt thành thanh, cho vào lọ thuỷ tinh hoặc bọc giấy bóng. Kẹo chuối thơm, ngon, màu đỏ óng rất đẹp.

Chuối hộp
Chuối chín bóc vỏ, thái lát dọc quả, bỏ vào lon lùn, đổ ngập sirô đường 25 – 30o Brix và 0,2% axit xitric, để chuối có độ pH = 4,5 – 5,3. Dập kín nắp, thanh trùng trong nước sôi 100o C 15 phút hạõc trong nồi áp suất, rồi làm nguội nhanh để tránh sirô thay đổi màu, đục trong thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng.
Chuối hộp thơm, ngon, màu hồng, rất được người nước ngoài ưa thích

Nước cốt chuối
Chuối chín bóc vỏ, chần nước sôi hoặc hơi nước sôi (88o C), xay nhuyễn, thêm đường và axit xitric để đạt độ pH = 4,2 – 4,3 (khoảng 100 ga axit xitric cho 45,50 kg nước cốt). Đun sôi, đóng hộp, hàn kín, lật ngược hộp xuống trong 5 phút, làm nguội đến 35oC. Khi đóng hộp hàn lon phải nhanh để tránh không khí lọt vào làm giảm chất lượng sản phẩm.

Dưa chuối chát
Chuối chát (chuối hột) gọt sạch vỏ, thái mỏng, ngâm vào nước có pha chanh khoảng 10 phút cho chuối đỡ chát, vớt ra ép ráo, rồi lại ngâm vào nước chanh có thêm tý muối, để chuối chuyển màu trắng. Xếp vào thẩu, đổ ngập nước chanh pha muối, gài chặt, để một ngày. Vớt chuối ra, ép ráo nước chanh, lại xếp vào thẩu, dội nước muối, đường, giấm đun sôi để nguội, gài chặt. Sau 4 ngày là ăn được. Trước khi ăn thái gừng, ớt, tỏi, băm nhỏ hoà thêm nước mắm, ngâm chuối vào. Ăn kèm chả, ném, tré. Món ăn của người Huế.

Rượu chuối
Chuối tây già bóc vỏ, thái mỏng, hấp chín. Bỏ chuối vào lọ thủy tinh, đổ ngập nước đường đun sôi để nguội, cho men rượu vào, đậy kín (cứ 1 kg chuối cho khoảng 300 kg đường và 5 viên men). Sau 1 tháng, gạn lấy nước trong cho vào chai, đậy kín. Rượu chuối uống thơm, ngon, dễ tiêu
Theo Khucthuydu [http://agriviet.com]

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Dưa hấu Tết

Năm rồi có người xóm bên bảo chị chưng cặp dưa hấu tròn từ Tết tới tháng 11 vẫn thấy bóng đẹp, định chờ xem chừng nào mới hư nhưng tò mò quá xẻ thử thấy bên trong thúi hết mà lạ là vẫn không bị xì nước. Mình đoán là vỏ dưa được ngâm formol rồi (Cụ Mai An Tiêm mà biết chuyện con cháu giỏi sáng tạo thế này chắc khóc ngất !)

Thế là Tết nay mình chỉ mua dưa hấu dài chứ sợ vớ nhằm của dỏm thờ Ông Bà tội chết! Để bù vào cái xấu xí của hình dáng, bé Bò trổ tài họa sĩ khắc dưa hấu. Mùa đầu, đường nét chưa thật sắc sảo nhưng cũng ra hình, rõ chữ lại được anh chị bé nhờ khắc thêm, cả nhà cùng vui. Từ nay tới cuối năm tuần nào mình cũng mua dưa hấu tráng miệng cho bé Bò có cái thực hành thì đảm bảo Tết tới mấy mẹ con sẽ dư sức chen chân ra chợ bán dưa hấu khắc nhỉ? 
 
Tiếc quá, trái dưa đầu tay bé Bò khắc chữ CHÚC MỪNG NĂM MỚI chưa kịp chụp hình đành phải hi sinh vì nhà bà ngoại đông khách đột xuất. Những tác phẩm còn lại đây:

Thấy trái dưa này, ngay hôm sau anh Chương đón bé Bò đến nhà khắc thêm 1 cặp

                                     
                                                         ...chưng ở bàn thờ ông Địa

Chị Yến cũng thích, tối phi ra chợ mua dưa nhờ khắc thêm nữa nhưng thợ mới chưa có nhiều kinh nghiệm oải quá chỉ dám nhận làm 1 quả (tại chị Yến không đãi nem và nước ngọt nên tay mau mỏi là phải rồi!)

                                    
 
Còn đây là món quà bất ngờ của thầy Khang khi thấy mấy mẹ con thích thú với chuyện này. 

Đấy, chỉ là những trái dưa bình thường nhưng thêm chút tỉ mỉ 2 thầy trò bé Bò đã đem yêu thương và niềm vui cho mọi người. Và mùa Xuân tươi đẹp hơn, cuộc sống đáng yêu hơn, gia đình gắn bó hơn từ  những điều nho nhỏ như vậy.

Cám ơn thầy Khang, cám ơn bé Bò và cám ơn anh Chương, chị Yến đã giúp bé thêm tự tin. Chúc một năm mới tốt lành!

ĐỌC THÊM:

Sự tích quả dưa hấu

                                           

Đời xưa, thời vua Hùng Vương, đất nước ta có núi cao, có sông rộng, trời đẹp nắng vàng, nhưng đồng ruộng thưa thớt, hoa quả chưa có nhiều thứ thơm ngọt như bây giờ. Vua Hùng Vương thứ mười bảy có một người con nuôi là An Tiêm có tài tháo vát và có trí hơn người. Vua yêu mến An Tiêm thường ban cho của ngon vật quý.

Thói thường, các quan được một chút lộc vua thì nâng niu ca tụng; riêng An Tiêm thường bảo: "Của biếu là của lo, của cho là của nợ!" và xem thường các thứ ấy. Việc đến tai vua, vua giận lắm, bảo: "Đã thế ta cho nó cứ trông vào tài sức của nó xem có chết rũ xương ra không".

Thế là một buổi sớm, tự nhiên An Tiêm thấy lính đến giải cả chàng lẫn vợ con xuống thuyền, chẳng cho mang theo một cái gì hết. Chàng nói mãi chúng mới để cho đem một cái gươm cùn hộ thân. Buồm căng gió, thuyền tròng trành nhằm biển khơi thẳng tiến. Bãi cát trắng, vệt cây xanh trong bờ lần lượt khuất đi, rồi bèo bọt, rác rểu, dấu vết của dân cư cũng không còn nữa, bây giờ chỉ thấy trời với nước xanh ngắt một mầu.

Hôm sau thuyền đến một đảo nhỏ. Họ để gia đình An Tiêm lên bờ với năm ngày lương thực, một chiếc nồi, rồi nhổ neo quay lái. Nàng Ba, vợ An Tiêm, bế con nhìn theo chiếc thuyền dần dần ra xa rồi khuất mất, nước mắt nhỏ như mưa. Từ nay có bao giờ nàng lại được cùng hàng xóm chia nhau những bắp ngô đầu mùa, hay nói một câu chuyện gia đình dưới ánh trăng! Quay vào hòn đảo hoang vu nàng lại càng khiếp sợ hãi hùng, không biết rồi đây lấy gì mà ăn để sống tạm cho qua ngày tháng.

An Tiêm dắt vợ con tìm được một cái hốc đá ở tạm. Rồi chàng cắp gươm đi thăm dò. Hòn đảo quả thật hoang vu, chỉ có ít cây cỏ lơ thơ và mấy loài chim biển. Tìm mãi mới thấy vài thứ quả chát chua và rau dại ăn tạm cho đỡ đói. Từ đấy, ngày ngày An Tiêm trồng rau và tìm quả, nàng Ba thì ra bờ biển mò con ngao, cái hến. Đứa con lớn của An Tiêm bắt chước cha cũng cặm cụi làm bẫy đánh chim. Nhưng rồi chim dần dần quen bẫy, có khi suốt ngày thằng bé không bắt được một cái lông. Cá nhiều nhưng không lưới, quả thì có mùa. Cho nên thức ăn chính của vợ chồng con cái An Tiêm vẫn là mấy thứ rau dại mà chàng trồng thành rau vườn. Cuộc đời của bốn người vô cùng lao đao, vất vả, chẳng khác giống chim muông bao nhiêu. Tuy vậy An Tiêm vẫn tin rằng một ngày kia, mình có thể làm cho đời sống khá lên.

Một hôm có con chim đương ăn ngoài bãi thấy An Tiêm đến, vội bay đi, bỏ lại một miếng mồi đo đỏ. An Tiêm cầm lên xem thì là một mảnh quả dưa bằng hai ngón tay. Chàng nghĩ thầm chim ăn được có lẽ người cũng ăn được, bèn nếm thử thì thấy có vị ngọt. Chàng ăn hết miếng dưa và nhặt hạt gói lại. Ngồi nghỉ một lát thấy mát ruột, đỡ đói, chàng có ý mừng, lấy gươm xới một khoảnh đất mà gieo hạt xuống.

Ít ngày sau mấy hạt dưa mọc mầm đâm lá, bò tỏa ra khắp khoảnh đất. Nàng Ba cũng giúp chồng sớm chiều săn sóc mấy dây dưa lạ. Vợ chồng hồi hộp trông thấy mấy cái hoa đầu tiên hé nở, rồi hoa kết quả, lúc đầu bằng ngón tay út, ít lâu sau đã như con chuột, rồi con lợn con. Thấy nó lớn mãi như không bao giờ thôi, An Tiêm cũng không biết lúc nào nên hái.

Một buổi sớm tinh mơ, nghe tiếng quạ kêu ngoài bãi, nàng Ba bảo chồng:
- Ở đây hoang vắng, quạ không tụ họp bao giờ, nay chúng nó kêu inh ỏi một nơi, tất là có sự lạ. Anh ra xem thế nào!
An Tiêm ra đến bãi thì đàn quạ bay đi bỏ lại quả dưa chúng vừa mổ thủng vài nơi. Chàng cắt dưa về. Khi chàng bổ dưa ra, cả nhà lóa mắt vì mầu đỏ tươi của ruột dưa. Đây đó giữa mầu đỏ, có những hạt đen như hạt huyền và bọc ngoài một lớp vỏ trắng viền xanh. Hai đứa bé thèm nhỏ nước rãi, nàng Ba thì cứ tấm tắc khen quả trông ngon mắt. An Tiêm cẩn thận cắt cho mỗi người một mảnh nhỏ ăn thử. Bốn người như một, khen ngợi cái vị thanh ngọt, cái mùi thơm nhẹ nhàng của quả lạ, ăn vào không những không xót ruột lại còn thấy đỡ khát và khỏe người ra. Đến trưa, An Tiêm mạnh dạn bổ hết quả dưa cho con ăn đến no.

Bấy giờ cả nhà An Tiêm mừng rỡ, bồng bế nhau ra bãi, chọn những quả sẫm mầu da đem về, còn lại thì thay phiên nhau canh quả. Và từ đấy, họ cứ trồng thêm ra mãi. Tất cả nông cụ chỉ gồm có một cái gươm cùn và mấy hòn đá mài bén, vì vậy thêm một gốc dưa là thêm không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Nhưng họ chăm sóc hết lòng, nhờ vậy giống dưa càng ngày càng sai, quả càng to, thịt dày thêm mãi, vỏ mỏng dần đi, vị càng thơm ngọt. Cứ mỗi lần hái dưa, An Tiêm lấy mấy quả đánh dấu thả ra biển. Dưa trôi biệt tăm tích không biết bao lần, trăng non rồi trăng già không biết bao bận, An Tiêm vẫn không ngã lòng. Quả nhiên một hôm có một chiếc thuyền ghé đến hỏi xem ai đã trồng được giống dưa quý, để đổi về đem bán trên đất liền. Từ đấy An Tiêm đổi được các thức ăn dùng thường ngày và còn cất được một cái nhà lá xinh xinh.
Về phần vua Hùng Vương, từ ngày bỏ An Tiêm ra hoang đảo, vua yên trí rằng An Tiêm đã chết rồi, đôi khi nghĩ đến cũng có bùi ngùi thương hại. Cho đến một ngày kia, thị thần dâng quả dưa lạ, vua ăn ngon miệng bèn hỏi thăm tung tích, mới biết là do An Tiêm trồng ngoài đảo. Vua ngẫm nghĩ thấy mình sai, cho thuyền ra đón gia đình An Tiêm. An Tiêm và nàng Ba mừng rỡ, thu lượm hết những quả dưa chín và hạt giống đem về phân phát cho bà con hàng xóm, và truyền dạy cách gieo trồng, chăm bón. Đó là nguồn gốc giống dưa hấu mà chúng ta ăn ngày nay.
Về sau khắp nước ta đều có giống dưa hấu. Nhưng người ta nói chỉ có huyện Nga Sơn là trồng được những quả ngon hơn cả, vì nơi ấy xưa là hòn đảo An Tiêm ở, trải qua mấy nghìn năm nước cạn, cát bồi nay đã liền vào với đất.

Lời bình
Truyện "Sự tích dưa hấu" thuộc nhóm truyện giải thích nguồn gốc của sự vật, ở đây là giống dưa hấu khá to, quả tròn có quả nặng 3 kg, 5 kg, ruột đỏ, vỏ xanh đậm, ăn ngọt mát, vừa có tác dụng giải khát, vừa có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Tại sao lại có tên là dưa hấu? Theo một tài liệu có đăng trên tạp chí Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số Tết Bính Tý, thì sở dĩ có tên "hấu" vì người Việt khi thấy một khách thương người Hoa vừa ăn dưa, vừa khen "hảo! hảo" nên nhại lại chệch âm thành hấu. Kỳ thực loại dưa này từng có tên khác là "Quả dưa đỏ" mà xưa kia hồi đầu thế kỷ 20 Nguyễn Trọng Thuật từng phóng tác thành tiểu thuyết.

Tiếp đó vào những năm trước 1975, nhà văn Tô Hoài một lần nữa lại chuyển thể truyện cổ tích này thành tiểu thuyết với tên "Đảo hoang". Lại có lúc truyện được mang tên "Mai An Tiêm", với kiểu truyện dùng tên nhân vật chính. Và nhân vật chính ở đây lại là con nuôi vua Hùng thứ mười bảy. Như vậy tùy theo nhan đề truyện mà có hướng tiếp cận, tìm hiểu truyện khác nhau. Với nhan đề "Sự tích dưa hấu", truyện nghiêng về phía giải thích nguồn gốc sự vật. Còn với nhan đề "Mai An Tiêm", truyện lại nghiêng về phía nhân vật. Nhưng dù với nhan đề gì, thì truyện cổ tích này vẫn là một câu chuyện viết về nhân vật Mai An Tiêm với các phẩm chất luôn khẳng định bản tính tự lực cánh sinh, tin vào sức lao động của mình, bền bỉ kiên trì vượt qua mọi sự thử thách khắc nghiệt để tồn tại và phát triển. Nhờ nghị lực phi thường đó, chẳng những Mai An Tiêm đã thắng được sự thách đố của nhà vua mà còn tạo cho đất nước một loại cây quả quý giá: cây dưa hấu.

 
                        
Dưa hấu vuông (ảnh photo.tamtay.vn)

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

Du xuân

Cũng như nhiều người dân Sài gòn, dạo chơi đường hoa Nguyễn Huệ là điều gia đình mình không bỏ sót mỗi dịp Xuân về. Đường hoa năm nay không hoành tráng như mọi năm nhưng được vậy cũng tốt lắm rồi, mùa Xuân thực sự bên ta khi ngắm nhìn trăm hoa đua nở!
Về đêm đường hoa lộng lẫy hơn hẳn trong muôn ánh đèn màu và hết sức náo nhiệt với những đoàn múa lân, cà kheo, văn nghệ nhưng người thì đông quá xá đông mất cái thư thái thú vị của việc ngắm hoa nên hai năm nay nhà mình toàn đi buổi sáng. 

Ban đêm đông vầy nè (Ảnh webtretho.com)

Mới hơn 8 giờ, đường hoa đã tấp nập như một sàn catwalk khổng lồ với những diễn viên không chuyên đủ mọi lứa tuổi màu da, đa dạng trạng phục và đặc biệt ai cũng vui tươi náo nức chứ không lạnh lùng băng giá như những cô người mẫu chuyên nghiệp. Hoa đẹp, người xinh, Xuân thêm rực rỡ!


Điểm nhấn tại đường hoa là hình ảnh Rồng phun hoa (ảnh baohaiquan.vn)

                                        

Vườn chuối giữa lòng phố

                                      

Chuồn chuồn nè

                                         

Hoa cúc uốn lượn hình rồng

                                       

Hoa sao nhái rực rỡ trên nền thảm cỏ xanh

                                                   

 3 cây trụ này giống trụ gàu sòng thuở nhỏ còng lưng tát nước

                                                

Hoa hồng sa mạc đây mà các con cứ tưởng là cây bắp cải!

                                             

A, bánh chưng xanh!

                                      

Muôn hoa khoe sắc

                                     

Làng chài nơi trung tâm thành phố

                                               
 
Chiếc xe bò chở đầy nông sản gợi nhớ những ngày hè rong chơi ở rẫy vùng Long Khánh
Từ năm trước, bên cạnh đường hoa là đường sách  - một ý tưởng hết sức độc đáo, thu hút không kém đường hoa. Năm nay đường sách được mở rộng hơn nhưng sách ở mỗi gian hàng thì dường như ít hẳn nên mình chỉ lựa được vài cuốn, chủ yếu là sách giải trí của các con.

                                     

Cổng đường  sách nè, mời vào!

                                               

Đây, sách mới

                                       

Còn đây là giải thưởng bốc thăm được ở gian hàng Fahasa: 1giải nhì, 1 giải ba và 5 giải khuyến khích (cháu Hường mát tay thật!)

Không có tuyết đóng băng kỳ thú và hoa đào đỏ thắm như vùng Tây Bắc cũng chẳng có khí hậu trong lành mát mẻ như ở Đà lạt, mùa Xuân Sài gòn vẫn có sức hấp dẫn riêng với sự náo nhiệt đậm chất nhân văn để ai cũng mong mỗi năm có thêm nhiều dịp cả nhà bên nhau thảnh thơi ngắm hoa và đọc sách bởi đó chính là sự an lành sung túc! Chào Xuân mới!

ĐỌC THÊM:

Người 'thổi hồn' cho đường hoa Nguyễn Huệ

Trên công trường bộn bề mút, cưa, giấy..., họa sĩ Nguyễn Minh Phương mặt dính đầy bụi xốp tất bật hướng dẫn cộng sự hoàn tất con rồng khổng lồ là biểu tượng của đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Thìn.
Sau 8 năm từ lần xuất hiện đầu tiên vào Tết Giáp Thân 2004, đường hoa Nguyễn Huệ giờ đây đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu của người dân TP HCM và cả du khách quốc tế mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Trên đường hoa Nguyễn Huệ mỗi dịp Tết, ngoài hàng trăm nghìn chậu hoa và nhiều cảnh vật luôn có biểu tượng làm "linh hồn", chủ đề của cả đường hoa. Đó là con giáp của năm. Tết Nhâm Thìn, biểu tượng là con rồng khổng lồ dài 26 m, cao 5,5 m do họa sĩ Nguyễn Minh Phương thực hiện.

Con rồng khổng lồ, biểu tượng của đường hoa Nguyễn Huệ năm nay lúc còn ở "công trường" của họa sĩ Minh Phương. Ảnh: H.C.
"Công trường" của họa sĩ Minh Phương, nơi thiết kế các mô hình con giáp là ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa rừng cây trên đường Lê Văn Lương, quận 7, TP HCM. Bên ngoài là hàng rào với nhiều gốm xứ cao ngất.
Đây là năm thứ sáu họa sĩ Minh Phương đảm nhận vai trò thiết kế biểu tượng cho đường hoa Nguyễn Huệ. Tết Đinh Hợi 2007, qua sự giới thiệu của ông Cao Lập (khi ấy là Giám đốc Khu du lịch Bình Quới, TP HCM - một trong những người lập nên đường hoa Nguyễn Huệ), ông Phương bắt đầu tham gia công việc này.

"Công việc còn khá mới mẻ với tôi vì sau năm đó anh Lập không tham gia thiết kế đường hoa nữa. Từ đó trở đi tôi là người chịu trách nhiệm chính cho việc thiết kế con giáp biểu tượng của đường hoa", hoạ sĩ kể.
Năm đầu tiên tham gia phải làm biểu tượng heo đất khổng lồ dài 3 m và đàn heo hơn 60 con. Mô hình được duyệt, chưa kịp vui thì lại phải lo tìm cộng sự, trong khi thời gian để hoàn thiện chỉ vỏn vẹn 20 ngày. Họa sĩ tất bật điện thoại kêu gọi tất cả đồng nghiệp, sinh viên quen biết và họ phải thức trắng đêm làm cho kịp tiến độ.
 
Họa sĩ Minh Phương đang miệt mài tạo dáng cho rồng... Ảnh: H.C.
"Ngồi săm soi đàn heo mô hình, 'phóng to' nó ra thì dễ nhưng cái khó là tìm chất liệu gì để vừa có được ý nghĩa văn hóa, vừa chịu được nắng mưa? Làm sao để dễ vận chuyển? Cuối cùng tôi quyết định làm heo đất và heo gốm, chất liệu là thạch cao giả gốm", họa sĩ Phương nhớ lại.

Sau năm đầu với đàn heo đất, đến Tết Mậu Tý 2008, họa sĩ Phương cùng cộng sự mất một tháng để chuẩn bị mô hình gia đình chuột đan bằng lục bình. Còn năm Kỷ Sửu 2009, ròng rã trong ba tháng, nhóm năm họa sĩ do ông làm trưởng nhóm thiết kế và thi công quả dưa hấu kỷ lục với chiều cao 5 m, đường kính 4,8 m, nặng khoảng một tấn. Bên cạnh quả dưa to còn có bốn quả khác, mỗi quả cao 2 m, đường kính 1,8 m. Ngoài ra, mô hình tám con trâu cao 1,2 m dài 2,5 m cũng được hoàn tất và trưng bày tại đường hoa…

Năm Canh Dần 2010 ông cùng cộng sự loay hoay làm biểu tượng cọp. Rồi đến năm Tân Mão 2011, ngoài đôi mèo hạnh phúc lớn, nhóm của ông còn phải làm thêm mấy chục con mèo nhỏ để trang trí dọc đường hoa.

Và năm nay, họa sĩ Minh Phương có nhiệm vụ thiết kế con rồng khổng lồ bằng xốp. Trên công trường bộn bề mút, giấy, màu, thang... họa sĩ Phương mặt dính đầy bụi xốp chạy tới chạy lui hướng dẫn cộng sự tô, vẽ, gắn vảy cho con rồng khổng lồ là "linh hồn" của đường hoa Nguyễn Huệ.

"Rồng là con vật không có thật vì vậy phải dựa vào hình mẫu để thực hiện. Phải tổng hợp nhiều nét của những con rồng dân gian sao cho nhìn không quá dữ, nhưng vẫn có nét uy nghiêm", họa sĩ cho biết.

       
...và hướng dẫn cho công sự gắn vảy rồng. Ảnh: H.C.
Sau khi tạo hình con rồng khổng lồ bằng xốp, toàn bộ rồng sẽ được gắn một lớp vảy bằng lục bình. Để phủ hết thân cho con rồng này, 3.000 miếng lục bình khô kết tròn với đường kính 20 cm, 120 tấm thảm lục bình dài 1 m, rộng 25 cm ốp dưới bụng rồng. Còn lại 300 kg sợi lục bình khô (được đặt từ hai tháng trước ở các cơ sở sản xuất tại Ninh Bình, Tiền Giang) được khéo léo dán lên đầu, chân, móng, đuôi... rồng.

Theo họa sĩ Minh Phương, cây lục bình đơn sơ mộc mạc, rất gần gũi với người dân Việt Nam, hợp với chủ đề của đường hoa là "Việt Nam - Quê hương tôi". Ngoài ra nó cũng rất nhẹ, giá rẻ nên được lựa chọn để làm vảy cho con rồng lớn này.

Suốt thời gian gắn bó với đường hoa Nguyễn Huệ, năm nào họa sĩ Minh Phương cũng đau đáu với câu hỏi của đồng nghiệp và với cả người dân thành phố "đường hoa năm nay có gì mới?". Việc tìm tòi ý tưởng sao cho vừa mới lại vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam luôn là thách thức đối với ông.

"Tết năm sau là năm Tỵ. Quan niệm người Việt Nam cho rằng con rắn tượng trưng cho cái ác, cái xấu. Vì vậy việc thể hiện con rắn làm sao cho gần gũi lại không dữ tợn là rất khó", họa sĩ băn khoăn.

Ý tưởng đã khó, lại thêm thách thức đối với ông và nhóm cộng sự chính là thời gian. Thời gian để hoàn thành công việc thường rất ngắn trong khi yêu cầu phải "giao hàng" đúng hẹn để dàn dựng ở đường hoa, vì vậy cả ê kíp thường phải chia nhau từng công đoạn, có khi phải làm cả đêm.

"Được góp phần công sức để làm đẹp thêm cái Tết cho bà con thành phố cũng như du khách là một vinh dự nên chúng tôi luôn cố hết sức mình", họa sĩ Minh Phương chia sẻ.
Hữu Nguyên