Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Bò lá lốt



Chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, đám lá lốt vật vạ sau hè lại non xanh nõn nà như chưa hề héo hon vì nắng nóng. Lá lốt thường mọc dại quanh vườn, nảy chồi rất nhanh khi sống nơi đất ẩm, thế mà bây giờ ở chợ người ta bán đến 20.000đ/kg – đắt gấp đôi năm rồi. Có khi mình nghỉ hưu non về trồng lá lốt lợi hơn đấy nhỉ? Sống bên loài cây bền bỉ ấy biết đâu mình cũng sẽ mạnh mẽ hơn, khéo léo hơn khi đối diện với khó khăn?


Như một thông lệ, mỗi khi có bé Hấu đến chơi mình lại làm món bò lá lốt mà bé thích. Thằng bé đẹp, thông mình và dễ thương lạ, nghịch ngợm chẳng ai bằng nhưng rất lễ phép và thích nấu nướng (chắc lây tính giỏi giang của bà nội nó). Chỉ cần nhìn thấy bé hớn hở nói “Con cảm ơn bà” và nhanh nhẹn phụ giúp thì có nấu món gì cầu kỳ hơn cũng chả ngại.


Chưa nấu nướng xong tụi nhỏ đã xin phép rủ thêm anh chàng Su ròm. Tiếc quá, sáng nay đi chợ trễ chỉ mua được ít thịt ngon. Thôi vui là chính vậy, chị em có món ngon nhớ gọi nhau là tốt rồi.

Chưa ăn xong bữa tụi nhỏ lại bàn về món ăn trưa mai, nghe tới BÁNH ĐA CUA, bạn Su ròm thì thầm REMEMBER TO INVITE ME, PLEASE! Chà, ăn bánh đa cua đặc mùi mắm tôm mà dùng tiếng Tây thì sang nhỉ?


Bò lá lốt.JPG


BÒ LÁ LỐT

NGUYÊN LIỆU: (50 cuốn )
400g thịt bò mềm, xay không quá nhuyễn
50g mỡ khổ, luộc sơ, xắt hạt lựu thật nhỏ
600g lá lốt (nguyên cọng)
1 củ tỏi, bằm nhỏ
1,5 muỗng cà phê hạt nêm
1 muỗng cà phê dầu ăn
¼ muỗng cà phê ngũ vị hương
½ muỗng cà phê đường
½ muỗng cà phê tiêu
10 lá lốt nhỏ, xắt nhuyễn
20 cây xiên dài chừng 15cm

CÁCH LÀM:
-Lá lốt để nguyên cả cọng, cầm rửa từng lá, ngâm nước muối 15’ rồi rửa lại nước lạnh. Vẩy ráo, cột thành từng chùm nhỏ phơi trên dây (như phơi quần áo) để lá hoàn toàn ráo nước và dịu lá, khi gói sẽ không bị rách.
-Ướp bò + mỡ heo và toàn bộ gia vị chừng 20’ cho thấm
-Trải 1 lá lốt to lên thớt, bề mặt úp xuống. Trên lá lốt to xếp chồng lên 1 lá lốt nhỏ hoặc lá rách cũng được. Lớp lá thứ 2 này sẽ làm tăng hương vị  và giúp cuốn lá lốt chắc, khó rách.
Bò lá lốt 1.JPG 

-Nếu lá không có lá to thì lấy 2 lá vừa vừa xếp chồng mí lên nhau
Bò lá lốt 2.JPG 

-Gói thịt tương tự gói chả giò, vầy nè:
Múc 1 muỗng cà phê thịt bò vào lá lốt (cách cuống lá chừng 1,5cm). Xếp cuống lá xuống
Bò lá lốt 3.JPG 

Gấp mép 2 bên vào
Bò lá lốt 4.JPG 

Cuộn tròn
Bò lá lốt 5.JPG 

rồi xiên vào 2 que, mép lá nằm giữa 2 cuốn. 2 que xiên này sẽ giúp cho mép lá không bung ra và khi chiên/nướng trở thịt rất lẹ
Bò lá lốt.JPG 

-Bắc chảo nóng, cho 2 muỗng xúp dầu vào, dầu nóng cho bò lá lốt vào chiên trên lửa nóng vừa. Lá lốt vừa tái là bò chin.
-Nếu nướng thì phải quạt cho than cháy hết lửa mới bỏ các xiên bò cuốn lá lốt đã phết sơ chút dầu ăn lên nướng.
-Bò lá lốt có thể dung cuốn bánh tráng hoặc ăn kèm với bún, rau sống, đồ chua, đậu phọng rang chấm với mắm nêm hoặc nước mắm chua ngọt.

ĐỌC THÊM:

Cây lá lốt  (Ảnh: http://www.giaoducsuckhoe.soctrang.gov.vn)
 
Lá lốt chữa bệnh đau nhức
 
Lá lốt có tên khoa học là Piper Lolot, mọc hoang và được nhân dân ta trồng ở khắp mọi miền để làm gia vị. Lá, thân của lá lốt có tác dụng khu phong, tán hàn, tiêu thực cho nên được nhân dân ta sử dụng rất rộng rãi để chữa chứng đau nhức xương, khớp…
Lá của cây lá lốt: làm gia vị: Chả thịt bò lá lốt (lá lốt gói thịt bò rồi nướng hay rán), nấu lươn, hoặc thái nhỏ để nấu canh với thịt nạc có tác dụng tiêu thực "nhẹ mình", rất dễ chịu. Chữa đau nhức xương, phong thấp, ra mồ hôi tay chân: dùng lá lốt tươi, sao nóng, đắp lên vùng đau và băng lại hoặc đắp lá lốt lên vùng đau rồi lấy muối (khoảng 1- 2 kg) rang nóng già, cho vào túi vải, đặt lên. Mỗi ngày 1 lần đến 2 lần, liên tục từ 7 đến 10 ngày sẽ cho kết quả. Hoặc lấy cả cành, lá khoảng 40 – 50 gr (1 nẹm tay), sắc với 200 ml, còn 100 ml, chia làm 2-3 lần, uống trong  ngày. Nếu ra nhiều mồ hôi tay, chân: Lấy khoảng 100 gr (cả lá, thân, rễ) thái nhỏ cho khoảng 200 gr muối hột nấu 500 ml nước, đun sôi chừng 5-10 phút, để khi nước còn nóng già thì ngâm chân hay tay, mỗi lần ngâm khoảng 20-30 phút, làm hằng ngày sẽ giảm chứng ra mồ hôi, hết "mùi" và càng đỡ đau nhức xương.
Ngâm làm cồn xoa bóp: lấy thân và rễ cây chặt nhỏ, ngâm trong rượu mạnh (trên 400) dùng làm cần xoa bóp khi bị đau nhức hay chấn thương.
Lá lốt là một cây rất dễ trồng (lấy từng đoạn thân "bánh tẻ" vùi xuống đất ẩm) vừa có tác dụng làm gia vị lại vừa có tác dụng chữa bệnh, mọi người nên trồng mỗi nhà một khóm để dùng.
Theo Thanh niên

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Không đề 1

Có một ông thấy bói mù cầm tay bạn mình và bảo rằng cô ấy giỏi nhưng cô đơn, cô đơn giữa những người thân.
Bạn mình đẹp, sang trọng, tháo vát, hóm hỉnh và mình chưa thấy cô ấy ủ rũ bao giờ. Nếu không thật gần gũi, chẳng ai biết cô vất vả vô cùng. Thế nên một người đàn ông mù lòa xa lạ lại biết được điều ấy chỉ bằng một cái nắm tay thì quả là đáng ngạc nhiên. Mà bàn tay của cô ấy đẹp lắm và mềm mại như thể cô là người ngồi không ăn diện chứ không phải là bàn tay của một đầu bếp tài ba suốt ngày tiếp xúc với dầu mỡ, thực phẩm, lửa nóng.
Cứ tưởng tượng nếu hạnh phúc, cô ấy sẽ rạng rỡ biết chừng nào! Điều đáng nói cô ấy không phải là trường hợp cá biệt. Tại sao người hiểu ta lại không phải là bạn bè thân thiết, là máu mủ ruột rà, là những người mà ta sống và làm việc vì họ? Tại sao cay đắng vậy? Tại sao phũ phàng vậy? Và phải làm gì để xóa nhòa khoảng cách đáng sợ ấy?

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Becoming a chef



Mình có một anh bạn  mới sồn sồn mà khó tính như một ông già thứ thiệt. Làm bạn với nhau từ thuở bé tẻo tèo teo mà lắm lúc chả hiểu nổi anh tò mò quá hay thông minh quá mà chuyện gì cũng truy hỏi mình đến tận cùng, lắm lúc phát cáu. (dạo này không thấy anh gọi nữa, hay đã chán cãi nhau với mình rồi?) Nhưng phải công nhận là anh có nhiều câu hỏi hay. Ví dụ, có hôm anh hỏi QUAY VỚI NƯỚNG KHÁC NHAU THẾ NÀO? Mình mất một lúc mới ngớ ra, ừ quay quay nướng nướng, nướng nướng quay quay biết bao lần nhắc tới mà sao chẳng bao giờ mình để ý đến nhỉ? Anh đồng ý với câu trả lời đầy cảm tính của mình rằng quay và nướng là cách làm chin thực phẩm bằng sức nóng nhưng quay là làm chín nguyên con vật bằng một trục quay còn nướng là làm chín từng mặt miếng thịt.



Chỉ là một câu hỏi bâng quơ khi trò chuyện về ăn uống nhưng anh đã khiến mình phải tự hỏi: mình được học những gì, mình đã biết những gì và mình làm được những gì? Và rồi câu trả lời có ngay là kiến thức ẩm thực của mình quá nghèo nàn! Thế là chẳng có cách nào khác là phải lao vào đọc.

 Sách.jpg
Một ngăn sách ngoại văn của mình

Trong quá trình tìm sách đọc mình nhận thấy rằng về mặt ẩm thực, sách ngoại hay hơn hẳn sách nội. Một cuốn sách ngoại giá vài trăm ngàn là chuyện bình thường nhưng không hề đắt nếu so sánh với sách nội: bìa cứng nhé, giấy dày nhé, ảnh màu tuyệt đẹp nhé, chỉ dẫn chi tiết nhé, trình bày mới lạ nhé. Dĩ nhiên sách ngoại cũng có quyển hay quyển dở nhưng đặc biệt là phần lớn sách ngoại thường có phần kiến thức tổng quát như giới thiệu dụng cụ, nguyên liệu, hướng dẫn cách cân đong nguyên liệu, các quy đổi hệ đo lường, các mẹo vặt… rất tiện lợi cho người đọc. Đó là những kiến thức nền không thể thiếu được khi bắt tay vào nấu nướng, nhất là làm bánh.

Chưa hết, sách ngoại rất chu đáo và tâm lý, thực sự là bạn của người đọc. Này nhé, quyển CAKE DECORATING FOR THE FIRST TIME dặn dò Hãy dành thời gian để luyện tập các kỹ thuật cơ bản rồi bạn sẽ sáng tạo được những chiếc bánh tuyệt vời. Hãy thoải mái khi trang trí chiếc bánh kem đầu tiên Bạn càng thực tập nhiều thì bạn càng thấy dễ dàng hơn và rồi bạn sẽ nhanh chóng làm chủ được kỹ thuật. Khi làm bánh, hãy cột tóc gọn gàng, chà rửa móng tay cho sạch, tháo nữ trang ra…Cuốn PRESERVES thì quá cẩn thận khi dặn dò Những hướng dẫn trong sách dễ hiểu và an toàn khi thực hiện. Tuy nhiên việc nấu nướng với nước sôi lửa bỏng có thể nguy hiểm và gây cháy nổ nếu không cẩn thận Tác giả và nhà xuất bản không chịu trách nhiệm về những sự cố và tai nạn trong bếp của độc giả! Sách ngoại tỉ mỉ thế đừng cười mình sính ngoại nhé!

Dù không có ý định trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp nhưng mình rất thích quyển BECOMING A CHEF của nhà xuất bản Wiley (có vẻ nhà xuất bản này in nhiều sách về ngành ẩm thực, mình đã xem 2 cuốn HOW BAKING WORK và FROFESSIONAL BAKING thấy cực hay và chuyên nghiệp nên rất tin tưởng). Mình đã chấm cuốn này từ hồi đầu năm rồi có điều đắt quá chưa dám mua. Cũng chẳng túng quẫn đến nỗi không có nổi vài trăm nhưng nghĩ đến chuyện mua một cuốn sách hơn nửa triệu đồng khi cha mẹ tằn tiện từng tờ bạc lẻ thấy ngại ngần gì đâu.

Nhưng mấy tháng rồi vẫn nhớ cuốn đó, vẫn thấy hay nên hôm nay nhân đi công chuyện mình quyết định ghé nhà sách rước nàng về vậy. May quá, sách vẫn còn và được giảm giá 20%. (Tuần tới mình cho cả nhà ăn chay vài bữa là đủ vốn ngay!)

Thực ra vì lương mình quá bèo chứ ngay cả với nguyên giá gốc, cuốn sách cũng chẳng quá đắt nếu so với những kiến thức dầy đặc trong đó. Với những tiêu đề chưa thấy có ở những cuốn sách khác như: cấu trúc nhà bếp, đảm nhiệm một nhà bếp, tầm quan trọng của việc đọc sách và du lịch đối với đầu bếp, khám phá niềm đam mê thực phẩm, học hỏi trong bếp, sự đa dạng trong bếp, những đứa trẻ lớn lên ở nhà hàng… mình tin rằng cuốn sách thật sự hữu ích. Nó sẽ giúp mình hiểu được các đầu bếp chuyên nghiệp sống và làm việc ra sao.

 New cookbook.JPG
(Ảnh từ cuốn Becoming a chef)
Bất ngờ khi thấy mình cũng có quyển New cookbook (bản sao) như các chef. Đó là cuốn cookbook đầu tiên mình có.

Mê quá bấm bụng mà mua chứ mình hơi bị liều, một cuốn sách dày mấy trăm trang với nhiều vấn đề liên kết với nhau đâu thể nào đơn giản như đọc một công thức nấu ăn chỉ có vài hàng, không biết đến khi nào mình mới đọc xong đây. Giá mà ngay khi thanh toán xong, toàn bộ nội dung cuốn sách được nạp vào đầu nhỉ?.

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Bánh khoai mì (dùng khoai sống)

Khác với bánh muffin là có thể “giải quyết vấn đề” sau chừng 40’, bánh khoai mì cần được lên kế hoạch… thèm từ trước để còn đi chợ mua khoai, bóc vỏ, ngâm khoai, mài khoai, hấp khoai rồi mới nướng khoai.
 
Nói thì rườm rà nhiêu khê thế nhưng thực ra làm bánh khoai mì rất dễ, lại rẻ tiền và khả năng thành công cao. Đó cũng là lý do mà khi mới chập chững làm bánh mình đã chọn bánh khoai mì làm món thử sức lần đầu.
 
Lần đầu ấy rơi vào một ngày kỉ niệm với một anh bạn học. Xưa quá rồi chẳng nhớ chuyện gì chỉ nhớ là mình và bạn đã giận nhau một trận ra trò khá lâu, rồi nhân dịp sinh nhật bạn, mình và bạn cùng làm hòa, thế là mình lấy cái ngày ấy đặt tên là ngày Hòa ước. Chưa ra trường, bạn đã đi xa nhưng mỗi năm vào ngày ấy mình vẫn làm bánh khoai mì đãi cả nhà để nhớ về một kỷ niệm thời đi học và quan trọng hơn là để nhắc nhở mình phải luôn sống hòa đồng với mọi người.
Hòa đồng là một kỹ năng sống quan trọng nhưng sống hòa đồng khó thật bởi nhân vô thập toànchín người mười ý và nhiều khi  người làm ta đau buồn không phải là người dưng, kẻ ác mà lại chính là những người thân thiết. Ta đâu thể quay lưng? Ta đâu thể nhắm mắt? Ta không thể đồng lòng! Nhưng ta vẫn phải gần gũi, vẫn phải yêu thương, vẫn phải chung lưng đấu cật. Thế nên trong CHUYỆN MÈO DẠY HẢI ÂU BAY nhà văn Luis Sepulveda đã nói rằng thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương kẻ nào đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn.Hi vọng rằng tình cảm chân thành sẽ là liều thuốc nhiệm màu giúp mọi người hiểu và gắn kết với nhau hơn.
 
Chúc mừng sinh nhật nhé bạn. Mình luôn tin rằng bạn hạnh phúc và thành công nhiều trong cuộc sống. Và cám ơn bạn đã cho mình một ngày đáng nhớ, nhắc mình một điều cần làm.
 
Bánh khoai mì 1.jpg 

BÁNH KHOAI MÌ
 
NGUYÊN LIỆU:
1kg khoai mì (lột vỏ rồi)
160g sữa đặc có đường  
15ml kem sữa béo (whipping cream) hoặc 300g dừa nạo
¼ muỗng cà phê muối
1 ống vani
1 ít bơ
CÁCH LÀM:
-Lựa khoai mới không rỉ nhựa đen, củ to vừa, đều.
-Dùng bàn chải rửa vỏ khoai sạch cát rồi cắt bỏ đầu đuôi.
-Dùng dao nhỏ chạy nhẹ quanh vỏ khoai thành một đường xoắn xéo từ đầu đến đuôi củ khoai.
-Dùng mũi dao nhỏ lách vào dưới lớp vỏ, lột nhẹ, vỏ khoai sẽ bong ra dễ dàng theo đường xoắn.
-Rửa lại khoai cho sạch. Ngâm nước muối nhạt 8 - 12 tiếng cho tinh bột khoai nở mềm và tan bớt độc tố. Cách 3 tiếng thay nước 1 lần để khoai không bị chua.
-Xả lại khoai với nước lạnh, để ráo. Mài khoai nhuyễn theo chiều dọc để tránh lõi khoai lẫn vào ăn bị xảm.
 
Bánh khoai mì 2.jpg 
 
-Cho khoai ra thố, trộn đều với sữa đặc, kem sữa béo/nước cốt dừa, muối và vani. Lưu ý: nếu dùng dừa nạo thì vắt dừa lấy 1 chén nước cốt và phải bỏ bớt thêm 1 chén nước từ bột khoai mì (tức không kể 170ml nước vắt bỏ lần đầu, sau thêm bao nhiêu nước cốt dừa thì bớt bấy nhiêu nước khoai mì)
-Đổ hết nước vàng ở phía trên chén nước khoai, phần bột lắng bên dưới cho vào thố hỗn hợp bột, trộn đều.
-Đặt khuôn lên giấy nến, dùng bút vẽ theo vành khuôn rồi dùng kéo cắt theo đường vẽ, nhớ cắt lấn vào trong 1 tí (tùy theo thành khuôn dầy hay mỏng) để  khi cắt xong giấy lọt lòng khuôn.
-Thoa dầu vào thành khuôn.
-Lót giấy nến, thoa đầu vào giấy nến.
-Đổ hỗn hợp bột khoai mì vào, dàn đều mặt, hấp trong xửng nước sôi chừng 45’. Nhớ đậy nắp nồi bằng một khăn vải dầy hoặc cứ 15’ phải lau nước đọng ở nắp nồi để nước trên nắp nồi không rơi vào bánh làm nhão và rỗ mặt bánh.
-Nướng bánh trong lò 180oC (2 lửa) cho đến khi mặt bánh hơi vàng, lấy bánh ra phết bơ đều 2 mặt, cho vào lò nướng thêm 5’ nữa cho vàng đều.
-Để bánh thật nguội mới xắt mặt bánh sẽ mịn.
 
MẸO VẶT:
-Có thể dùng nước cốt dừa hộp nhưng bánh không thơm bằng. 
-Khi đã mài hết toàn bộ khoai, cho bột khoai vào 1 túi vải, vắt bỏ bớt 170ml nước (chừng 2/3 chén) để bánh không bị nhão và bớt độc. Để lắng.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Hotgirl bạn tôi

Người ta phải vất vả bon chen, tốn kém đủ điều mà có khi xôi hỏng bỏng không, thế mà nhỏ bạn mình chỉ tích tắc mà trở thành hot girl, "sợt" tên trên Google ra ầm ầm!
Nói đùa vậy chứ hot girl như nhỏ chẳng thèm ham. Nè, nhìn ớn chưa:
 
Xe Lead nat vi bang ngang duong cua o to
Hiện trường vụ tai nạn xảy ra chiều 13/5 (Ảnh vtc.vn)
 
Đó, nàng nổi tiếng là nhờ vụ này đó.
Mình vẫn cứ nghĩ thứ sáu ngày 13 là chuyện tào lao nhưng giờ mới biết đó là ngày xui xẻo thật. Thứ sáu ngày 13 rồi là ngày đẹp trời nhé, mây xanh nắng vàng hẳn hoi. Chắc cả chàng tài xế xe tải (hi hi, nàng đã kịp nhìn là đẹp trai) và nàng đều mải mê ngắm cảnh thế nên... bùm... 2 người bất ngờ gặp nhau cuối tuần (tha hồ mà ấn tượng nhỉ?). Nói tếu táo thế thôi nhưng tận mắt nhìn thấy xe nàng nằm sõng soài ngay sát mũi xe tải thấy kinh hồn. May mắn vô cùng vì chỉ cần 1 tích tắc nữa thôi là ten, ten tén tèn, ten tén tèn…
 
Điều đáng nói là báo mạng giựt 1 cái tít  thiệt sốc Xe Lead nát vì băng ngang đường của ô tô và la rùm lên là nàng bị xe tải kéo lê 2m làm trọng thương chiếc xe Lead bị bẹp dúm, dập nát gần như là toàn bộ. Chưng ảnh xe người ta còn nguyên mà dám sạo ghê chưa?  Mà nàng có lê lết gì đâu, tự nhảy ra khỏi xe được và may là chỉ bị gãy 1 ngón chân cái bị mắc kẹt khi xe đổ thôi
 
Túm lại:
1.     Thứ sáu ngày 13 là ngày xui xẻo : đúng.
2.     Nhà văn nói láo, nhà báo nói điêu cũng đúng (mong rằng số này in ít thôi cho bà con nhờ!)
3. Xui thì có xui nhưng hên thì thật hên. Lạy Trời cho nàng mau lành để nàng dẫn tụi mình đi ăn mừng (tự nàng hứa hẹn khi đang ngồi chờ ở phòng cấp cứu chứ không ai o ép đâu nha!)

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Carrot cupcake


Làm bánh từ tối thứ 6 tuần trước mà đến bây giờ mới viết bài được. Bận gì đâu mà bận, Lúc nào cũng thấy bận bù đầu bù cổ, chẳng đủ thời gian mà chơi đùa với con lấy đâu thời gian đễ làm những việc mình yêu thích. May là mình không phải lo chuyện cơm áo hằng ngày còn tất bật vậy.
Làm gì để hết bận? Câu hỏi ấy cứ loanh quanh mãi trong đầu mà chẳng có lối ra. Mình đã từng tìm người giúp việc, nhàn hẳn và thấy khỏe tức thì (tất nhiên là cả xinh tươi và vui vẻ hơn nữa) nhưng khổ nỗi người giúp việc càng giỏi thì các con càng lười, thế là phải thôi. Công việc lắm hôm tối tăm mặt mũi, việc nhà cũng thường làm mặt mũi tối tăm, việc gì cũng cần, việc gì cũng gấp, kể ra cái thân còm cõi của mình cũng khỏe phết chứ nhỉ?
Khi nói tới phụ nữ, người ta thường mặc định kèm những tính từ “lung linh” như dễ thương, dịu dàng, ngọt ngào, chăm chỉ, khéo léo, đảm đang, tháo vát, tinh tế, bao dung… Và dĩ nhiên để được như thế thì người phụ nữ phải có thêm điều kiện tất yếu là thông minh, mạnh khỏe. Nói ra thì bảo là than thở, tự ti nhưng quả thực là nhiều lúc mình thấy đúng ra những đứa làng nhàng như mình nên ở giá thì sẽ tốt hơn cả!
Mà thôi, đã không có thời gian còn tào lao. Bánh cà rốt mình làm vầy nè
Carrot cupcake.jpg 
CARROT CUPCAKE
(Theo cuốn Hello, cupcake – Tác giả Karen Tack & Alan Richardson)
2 cup bột mì đa dụng
1 muỗng cà phê baking soda
1 muỗng cà phê bột quế
½ muỗng cà phê baking powder
¼ muỗng cà phê nhục đậu khấu (nutmeg)
¼ muỗng cà phê muối
2 trứng lớn
1/2 cup đường trắng
1/3 cup dường vàng
½ cup dầu ăn
¼ cup sữa tươi không đường
1 muỗng cà phê vani extract
1,5 cup cà rốt bào sợi nhỏ
½ cup nho khô
½ cup hạt walnut, bằm nhỏ
CÁCH LÀM:
-Mở lò 180oC, xếp khuôn giấy vào khuôn
-Trộn bột mì, baking soda, baking powder, muối, bột quế vào 1 tô vừa
-Cho trứng, đường, dầu, sữa và vani vào 1 tô vừa khác. Dùng máy đánh trứng số vừa đánh đều đến khi hỗn hợp mịn và đặc lại
-Giảm máy xuống số nhỏ, cho bột vào từ từ, đánh vừa đều thì ngưng. Trộn cà rốt, nho khô và hạt walnut vào
-Dùng muỗng múc kem múc bột vào 2/3 khuôn. Nướng 15’ thì xoay khay (phía ngoài vào trong phía trong ra ngoài). Nướng thêm chừng 5’ cho bánh vàng đều hoặc thấy cây tăm xiên vào bánh không thấy đính bột là được.
-Lấy bánh ra khỏi lò, đặt trên vỉ cho nguội hẳn
Thêm vài lát hạnh nhân, bánh nhìn dễ thương hơn nhưng có lẽ hạnh nhân xắt lát không hợp với những món có độ ẩm cao như cupcake  

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Muffin cam


Cô lớn đặt hàng mẹ làm hộ bánh muffin cam để đi sinh nhật bạn mà mình loay hoay mãi chả nhớ nổi chính xác công thức ấy thế nào. Mình cứ tưởng công thức ấy khó mà quên được vì mình đã làm tới 500 cái bánh chứ ít gì mà mới hôm 8/3 mình cũng làm một mẻ. Thế mà đã quên rồi, quên tiệt, đành áng chừng làm đại. Công thức này mình đã phải chép trộm ở nhà sách khi quyển sách vừa đắt lại bị rách nên tiếc tiền chẳng mua. Và công thức này còn đặc biệt ở chỗ tất cả mọi người đã nếm qua đều thích. Ấn tượng thế mà còn quên thì chẳng biết nhớ nổi những gì?
Sữa đậu nành mình cũng nấu biết bao nhiêu rồi thế mà cũng quên được mới tài, không có anh chàng xay đậu phát hiện không thấy mè và đậu phọng như mọi khi chắc cũng chẳng nhận ra thiếu gì
Thôi, ghi ngay công thức muffin cam vào đây kẻo mai lại quên (ơ, quên chụp hình rồi!)

MUFFIN CAM
Nguyên liệu:
2 cup bột mì đa dụng
180g bơ mềm  (nhưng còn lạnh)        
3/4 cup mứt cam 
½ cup đường    
½ cup buttermilk                                                           
(=1/2 cup sữa tươi không đường + 1 muỗng cà phê nước cốt chanh)           
1 ống vani       
2 trứng gà     
2 muỗng cà phê baking powder    
½ muỗng cà phê baking soda   
 ¼ muỗng cà phê muối
Cách làm:
-Mở lò nóng 175oC trước 10 phút cho lò nóng đều.   
-Cho bột mì, baking powder, baking soda, muối vào tô lớn, trộn đều.     
-Cho bơ vào thố lớn, dùng máy đánh trứng số vừa đánh mịn bơ rồi cho đường vào từ từ sau đó tăng máy lên số lớn và cho từng quả trứng vào, đánh đều đến khi bơ dẻo và mịn.     
-Cho mứt cam vào, dùng số nhỏ để đánh đều    
-Rây bột và trộn sữa vào xen kẽ: bắt đầu và kết thúc là bột (cụ thể  trộn tuần tự thế này: ½ bột, ½ sữa, ¼ bột, ½ sữa, ¼ bột). Dùng cây vét bột trộn nhẹ tay và chỉ trộn vừa đều, không trộn quá kỹ bánh sẽ bị khô.  
-Dùng cây múc kem để múc bánh vào khuôn sẽ rất nhanh và đều.     
-Hỗn hợp bột hơi khô nhưng khi chin bánh ẩm và mềm   
 -Nướng chừng 10’ thì xoay khay nướng để bánh vàng đều. Nướng thêm 5-10’ nữa đến khi bánh vàng và dùng tăm thử không thấy dính bột.      
–Tắt lò, để bánh trong lò chừng 5’ thì lấy ra đặt trên vỉ cho nguội hẳn
 

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Mứt cam


Mình làm mứt cam tương tự cách Kiwi đã chỉ, mứt thơm ngon hơn hẳn mứt hiệu Enjoy của Thái lan (hơi ngọt) và Bonne Maman của Pháp (hơi đắng)


MỨT CAM

Nguyên liệu:
Cam vàng vỏ dầy  
Đường = vỏ cam sau khi đã luộc xong    
¼ muỗng cà phê muối                                                                  

Cách làm
-Cam rửa sạch, ngâm nước muối loãng 15’.
–Dùng dao bào lưỡi dầy bào vỏ the của cam (lấy ít phần vỏ trắng kẻo đắng), cho vào nồi nhỏ cùng với lượng nước ngập hơn vỏ chừng 3cm. Luộc 3 lần mỗi lần 10’ cho hết đắng
 -Vớt vỏ cam, xắt sợi nhỏ 2mm, ướp đường + muối (dùng nồi nhỏ).  
– Tách múi cam, bỏ hạt và màng trắng. Bắc lên bếp đun lửa vừa cho cạn bớt nước      
 -Khi đường ướp cam tan hết thì cho nồi vỏ cam lên bếp, sên lửa nhỏ cho đường thấm vào vỏ cam.   
–Khi đường trong nồi vỏ cam bắt đầu sánh lại  thì trộn vỏ vào nồi cam (cũng phải đã sánh thì vỏ cam mới không nhũn). Chỉ trộn sơ (tránh lại đường) và sên thêm vài phút cho sệt lại thì tắt bếp, để thật nguội mới cho vào lọ kín và cất tủ lạnh

Mẹo vặt:
Mình không rành cam ngoại cho lắm (thường thì vào siêu thị mua cho chắc ăn), theo số cam đã mua mình thấy như vầy không biết đã chính xác chưa:
-Cam Trung quốc: vỏ mỏng, màu cam, hơi mềm tay
-Cam Mỹ: vỏ dầy, màu vàng, hơi cứng (và giá đắt hơn hẳn!)

Ai giỏi chọn cam chỉ mình với nhé. Đa tạ!

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Xôi gấc và chè đậu trắng


Ai xôi gấc, chè đậu trắng không? Chè đậu trắng, xôi gấc nào…

XG-CDT1.jpg

Thế là 2 đứa cháu bé bỏng của mình tròn 1 tháng tuổi rồi đấy. Hôm kia mình mới thấy mặt các cháu lần đầu tiên, chao ơi là choáng, sao quanh người cháu quá chừng dây vậy trời? Ngày xưa Bé Bò đã từng lớn lên với ống chứ có lạ lẫm gì đâu vậy mà nhìn 2 cháu nằm quanh những dây cùng ống thấy xót xa quá chẳng cầm được nước mắt, đành tự an ủi rằng tuy xa nhà các cháu thiếu đi sự hỗ trợ từ gia đình nhưng rất may mắn là bù lại, các cháu được hưởng sự chăm sóc y tế tốt hơn cả mong đợi.

Phải công nhận ông em mình kỹ thiệt, ở xa tít tắp mù khơi mà vẫn dặn bu nhớ cúng mụ dùm. Thế là ngay tắp lự bu ráo riết lên kế hoạch rồi ngày nào cũng réo mình liệu mà chuẩn bị như thể bu sắp cúng mụ cho cả làng vậy (suỵt, nói nhỏ nhỏ thôi, bu mà biết nói xấu bu hát cho mà nghe, khổ lắm).

Nghỉ lễ 4 hôm thì rảnh rỗi, cúng mụ lại rơi vào ngày đi làm mới căng. Sợ bu lo, mình dậy từ 3g15 làm xôi nấu chè. Hơi lủng củng chút xíu vì lâu ngày  không nấu mấy món này nên chẳng nhớ cần bao nhiêu đường, cứ nhắm chừng bốc đại. Kết quả là xôi thì ổn nhưng chè bị ngọt và nát quá (khổ thân bu vất vả, sợ vỏ đậu chát cứ cố bóc!).
Múc chè, đóng xôi vào khuôn xong mình chỉ kịp chắp tay khấn cầu ông bà và các bà mụ phù hộ cho 2 cháu hay ăn, chóng lớn, thông minh, ngoan ngoãn rồi quáng quàng chạy đi làm.  

Mong thời gian qua mau cho các cháu sớm cứng cáp và mình lại có dịp nấu xôi chè cúng thôi nôi, bảo đảm ngon hơn, thật mà!

XG-CDT3.jpg
XÔI GẤC
Nguyên liệu:
1kg nếp
1 quả gấc 800g (chừng 250g ruột)
2 muỗng súp rượu đế
1 muỗng súp dầu ăn
100g đường xay
50g đậu xanh cà
300g dừa nạo
Muối
1 ống vani
10 lá dứa

Cách làm:
-Nếp + đậu vo sạch, ngâm riêng từng thứ trong nước 6 tiếng
-Gấc cắt đôi, nạo lấy phần hạt, bỏ vỏ. Bóc màng hạt khỏi hạt, ướp rượu và dầu để gấc chuyển màu đỏ đẹp. Bỏ vào máy xay sinh tố xay nguyễn
-Dừa nạo vắt 1 chén nước cốt và 2 chén nước dảo
-Nếp vo lại cho sạch nước chua, để ráo rồi ướp với ½ muỗng cà phê muối và gấc xay.
-Bắc nồi nước sôi, cho lá dứa cột gọn vào, hong xôi chứng 45’. Trong khi hong cứ khoảng 15’ lại giở nắp nồi, xới xôi và rưới nước cốt từ từ vào xôi. Khi xôi mềm dẻo và bóng là xôi đã chín, đổ xôi ra mâm, trộn đều đường xay vào và hấp sơ lại chừng 3’ cho đường tan, thấm vào hạt xôi. Giữ nóng.
-Đậu xanh (đã đãi vỏ), vo sạch nước chua, cho vào nồi cùng nước dảo dừa vừa ngập mặt + ¼ muỗng cà phê tí muối, nấu cạn nước thì cho 50g đường + 1 ống vani vào rồi đánh (giã) nguyễn khi còn nóng
-Múc ½ lượng xôi dự định vào khuôn, ém chặt. Múc tiếp 2 muỗng súp đậu xanh cà vào, ém chặt. Cho ½ lượng xôi còn lại vào, ém chặt để hoa văn được sắc nét.

Mẹo vặt:
-Cho vài cái muỗng nhỏ vào xửng để khi không còn tiếng lanh canh sẽ biết là cạn nước cần châm thêm nước sôi.
-Khi ướp gấc vào gạo cần cho từ từ, không nhất thiết phải dùng hết lượng gấc trên vì có quả gấc đỏ bầm dùng nhiều quá xôi sẽ mất đẹp
-Khi cho gạo vào xửng và xới xôi, luôn nhớ tạo thành 3 lỗ hở để hơi nước thông lên xôi mới chín đều và nhanh
-Lượng gạo chỉ nên dầy chừng 5cm thì xôi mau chín và không bị nát do  xới đảo nhiều
-Nếu không đóng khuôn thì không cần bỏ hạt gấc

CHÈ ĐẬU TRẮNG
Nguyên liệu:
500g đậu trắng đều hạt
250g nếp
500g dừa khô
½ muỗng cà phê muối
300g đường trắng
10 lá dứa

Cách làm:
-Đậu ngâm nước lạnh 3 tiếng rồi nấu lửa nhỏ. Khi gần mềm thì lấy bỏ mày  đậu nhưng đừng làm rách rời vỏ sẽ làm chè bị nát. Đãi sạch, ướp với ½ lượng dường và ½ muỗng cà phê muối
-Dừa khô vắt lấy 1 chén nước cốt và 3 chén nước dảo
-Nếp nấu với chút nước như nấu cơm. Khi nước cạn, nếp chín mới cho đậu, nước dảo (canh vừa ngập mặt) + lá dứa bó gọn vào. Không đảo, cứ nấu nhỏ lửa đến khi nếp và đậu mềm thì cho phần đường còn lại và nước cốt dừa  vào, đảo thật nhẹ tay. Chè sôi lại là được, vớt bỏ lá dứa và múc chè vào chén khi chè còn nóng.
-Chè này dùng nóng hay lạnh đều ngon

Mẹo vặt:
-Nên nấu chè vào nồi đáy dầy, rộng để chè không bị khét và nát